Hôm nay, tại Quảng trường 19.4 huyện Hoài Ân, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Hoài Ân (19.4.1972-19.4.2012). Sau chiến dịch lịch sử Xuân - Hè năm 1972, Hoài Ân là địa phương được giải phóng sớm nhất ở Bình Định và giữ vững thành quả cách mạng ấy cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. 40 năm xây dựng quê hương, Hoài Ân đã và đang phát huy truyền thống yêu nước hào hùng để tiếp tục vươn lên trong hành trình hội nhập và phát triển.
1. Hoài Ân, mảnh đất với những địa danh mà chỉ cái tên thôi cũng đã gợi liên tưởng bao gian lao, vất vả: Núi Chéo, Xuân Sơn, Bà Bơi, Truông Sỏi, núi Bụt, Hòn Bồ... 40 năm trước, ngày 19.4.1972, tại nơi này, với khí thế quật cường, tinh thần quả cảm, quyết chiến, quyết thắng, quân và dân Hoài Ân cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng đã đánh tan một bộ phận quan trọng hệ thống phòng thủ cơ bản của địch ở phía Bắc tỉnh, làm chủ hoàn toàn huyện Hoài Ân. Xương máu của lớp lớp bộ đội, đồng bào đã đổ, để chiến thắng này mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng: Hoài Ân giải phóng, trở thành căn cứ và bàn đạp tiến công hết sức quan trọng của chiến trường Bình Định và Khu V trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
|
Khu hành chính huyện Hoài Ân. Ảnh: văn lưu |
Giữ vững vùng giải phóng từ năm 1972 đến ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định 31.3.1975 là thành quả đáng tự hào của quân và dân Hoài Ân. Những trận chiến ác liệt trong thế giằng co giữa ta và địch nhằm giữ vững thành quả cách mạng đã diễn ra, để cuối cùng chiến thắng đã thuộc về những người quyết tâm bám trụ trên mảnh đất cha ông với niềm tin kiên định về một ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Vinh quang thay ngàn ngày giữ đất!
2. Tiếp nối ngàn ngày giữ đất là 37 năm tái thiết và xây dựng quê hương. Những hố bom, những ngọn đồi trọc, những cánh rừng cháy... trong chiến tranh bắt đầu hồi sinh bởi bàn tay lao động cần cù của con người. Đất trung du trở lại xanh màu của lúa, bắp, tiêu, chè, dâu, keo, bạch đàn... Dường như, sự tàn phá, mất mát của chiến tranh chỉ có thể nung nấu thêm ý chí quyết tâm hàn gắn, xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp của người Hoài Ân.
Thời gian đầu của công cuộc tái thiết, nhân dân Hoài Ân bắt tay vào khai hoang, mở rộng diện tích đất canh tác, cải tạo hệ thống thủy lợi, đồng ruộng. Khi kinh tế bắt đầu tăng trưởng nhanh, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, cũng là lúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện phát triển nhanh và vững chắc. Nói đến thành quả trên lĩnh vực này, người dân Hoài Ân không thể không tự hào nhắc tới ngọn cờ luân lưu của Chính phủ tặng Hoài Ân bởi thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 1991-1995. Việc đầu tư phát triển hạ tầng với những công trình trọng điểm trong những năm gần đây như: Hồ thủy lợi Hóc Chùa (xã Ân Hảo Tây), cầu vượt lũ Phong Thạnh (thị trấn Tăng Bạt Hổ), tuyến giao thông Mộc Bài - Mỹ Thành, T4, T5 - Gò Dũng (xã Bok Tới), dự án di giãn dân tránh lũ thôn Vĩnh Đức (xã Ân Tín), dự án định canh định cư tập trung Gò Dũng, kè chống xói lở Tân Xuân (xã Ân Hảo Tây), trên 550 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa … đã làm bộ mặt Hoài Ân đổi thay thấy rõ. Với một huyện miền núi trung du như Hoài Ân, việc phát huy nội lực, huy động sức dân đóng góp đến gần 60% tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện (giai đoạn 2006-2010) là một kết quả đáng khâm phục.
Hiểu rõ lợi thế của mình, Hoài Ân đã và đang coi trọng phát triển kinh tế vườn đồi, rừng và trang trại. Nói đến Hoài Ân bây giờ là nói đến vùng chăn nuôi heo lớn nhất tỉnh, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 500 ngàn con heo; là nói đến một vùng trung du xanh tươi với những vườn tiêu, vườn chè, những rừng cây lâm nghiệp. Trong 5 năm 2005 - 2010, kinh tế của huyện tăng trưởng bình quân 11,3%, năm 2011 là 15,5%; tỉ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%; cơ cấu kinh tế từ thuần nông đã dịch chuyển sang nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Phát huy những kết quả khả quan trong thời gian qua, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã xác định phương hướng nhiệm kỳ 2010 - 2015 là tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp và lâm nghiệp toàn diện theo hướng bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới. Đó cũng là hướng đi lên bằng chính nội lực của mình của vùng đất trung du anh dũng trong chiến tranh.
3. Nội lực mà Hoài Ân có, đó chính là niềm tự hào của người dân nơi đây về quê hương giàu truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử.
Nội lực mà Hoài Ân đang sở hữu còn là tiềm năng đất đai rộng lớn, màu mỡ, được bồi đắp bởi phù sa hai con sông Kim Sơn và An Lão, trong đó đất lâm nghiệp chiếm diện tích khá lớn. Vốn quý tài sản tinh thần mà người dân vùng đất trung du này vẫn luôn tự hào là tinh thần hiếu học, mà minh chứng là sự ra đời của Văn chỉ Hoài Ân cách đây gần một thế kỷ rưỡi. Và không thể không kể đến là tinh thần đoàn kết các dân tộc anh em Kinh, Bana, H’rê để giúp nhau cùng vượt qua khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
|