Mỗi ngọn đồi, mỗi ngôi làng ở Hoài Ân đều từng in dấu chân của các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng trong những tháng năm chiến đấu giải phóng quê hương Hoài Ân vào năm 1972 và giữ vùng giải phóng cho đến đại thắng mùa xuân năm1975. Chuyến trở về thăm chiến trường xưa của các cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 3 lần này mang đến cho mỗi người thật nhiều cảm xúc.
Từ những ngày trước Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng huyện, Hoài Ân đã đón tiếp rất nhiều khách từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc về tham dự sự kiện quan trọng này, trong đó có những nhân chứng lịch sử đặc biệt của 40 năm trước: Các CCB Sư đoàn 3 Sao Vàng. Hàng trăm CCB Sư đoàn 3 từ Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội xa xôi đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi... đã về lại quê hương Hoài Ân trong dịp kỷ niệm mang ý nghĩa lớn lao này.
|
Niềm vui ngày gặp mặt của các CCB Sư đoàn 3. |
Với nhiều CCB Sư đoàn 3, Hoài Ân đã là quê hương thứ hai, bởi máu và mồ hôi của họ đã từng thấm đẫm mảnh đất này, bởi nhiều đồng đội của họ nằm lại mãi mãi nơi đây. Thế nên, với nhiều người, đây không phải là chuyến đi đầu tiên về lại chiến trường xưa. Họ đã từng trở lại nơi này nhiều lần trước đó, để tìm mộ đồng đội cũ. Thế nhưng chuyến đi này mới thật là đặc biệt.
Ông Phạm Xuân Sinh, Phó đoàn CCB Sư đoàn 3 tại Hải Phòng, cho biết: “Trong đoàn chúng tôi, có người vào Hoài Ân lần này là lần thứ 9 rồi đấy, trong đó có 5 lần là đi tìm hài cốt đồng đội. Khi có lời mời từ Bình Định về dự Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Hoài Ân, anh em chúng tôi phấn khởi lắm. Lúc đầu, chúng tôi dự kiến chỉ đi 35 người thôi, nhưng cuối cùng thì có trên 50 người tham gia! Chuyến đi dự lễ này, chúng tôi muốn tri ân đồng đội và cảm ơn đồng bào Hoài Ân đã sát cánh, đùm bọc, giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ trong chiến tranh”. Có lẽ cũng không ngoài ý nghĩa đó mà CCB Lê Thế Thịnh, hiện đang sống tại Hà Nội, vì bận việc gia đình không thể đi cùng chuyến xe với đoàn CCB Sư đoàn 3 ở Bắc Ninh, đã một mình đáp máy bay vào sau. Hay như với CCB Phạm Thị Hương, quê Quảng Ngãi, có chồng và anh trai cũng là chiến sĩ Sư đoàn 3, chuyến đi Hoài Ân này chất chứa trong bà nhiều cảm xúc: “Bản thân tôi, chồng tôi và người anh trai đều đã từng chiến đấu và bị thương tại mảnh đất Bình Định này, anh tôi và chồng tôi là liệt sĩ. Vì thế, tôi muốn thăm lại nơi xương máu của chúng tôi đã từng đổ xuống để bảo vệ quê hương”.
Thăm chiến trường xưa, những chiến sĩ trẻ trung vừa buông tay bút, tay cày ngày nào để lên đường chiến đấu nay đã chân run, tóc bạc, da mồi. Mệt, nhưng rồi lại khỏe ngay, vì chuyến đi vui quá, ý nghĩa quá, nhất là được lãnh đạo và nhân dân Hoài Ân đón tiếp rất chu đáo. Ấy là suy nghĩ chung của nhiều CCB Sư đoàn 3 khi về lại Hoài Ân lần này. Trong những ngày lưu lại huyện, các CCB đã đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ của huyện và các xã, đã gặp gỡ cán bộ, người dân, đã tìm gặp và thăm những người quen biết cũ trong chiến tranh, đã tranh thủ dò hỏi thông tin để tìm hài cốt đồng đội... Để rồi ký ức 40 năm trước ùa về trong mỗi người, như mới hôm qua đây thôi. Với Đại tá Nguyễn Chí Vỹ, Trưởng đoàn CCB Sư đoàn 3 tại Nghệ An, khi đó, ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16 pháo cao xạ, chiến đấu tại Hoài Ân từ năm 1964 đến 1975. Ký ức của CCB Trần Hoan, chiến sĩ đội chiếu bóng Sư đoàn 3, là những lần cõng máy chiếu trên lưng, đi khắp các xã trong huyện chiếu phim cho dân xem khi Hoài Ân đã được giải phóng...
Mỗi lần về Hoài Ân là mỗi lần thấy mảnh đất này đổi thay nhiều lắm. Kinh tế phát triển, cuộc sống người dân khấm khá hơn. Nhưng có một thứ không hề thay đổi, đó là tình người: Thủy chung, vẹn toàn, trước sau như một. Nhiều CCB Sư đoàn 3 đến từ mọi miền đất nước đã khẳng định chắc nịch như vậy. Khẳng định với người và với mình, bởi cả hai đều rất đáng quý, đáng trân trọng, để thêm một lần nữa thấy rằng sự đóng góp, hy sinh của mình và bao đồng đội là một tất yếu vì vùng đất trung du xanh thắm hôm nay.
|