Giăng lưới chống cá mập
9:5', 19/4/ 2012 (GMT+7)

Ngày 18.4, tại vùng biển Quy Nhơn, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Khoa học - Công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) tổ chức lắp đặt hệ thống lưới và câu phòng tránh cá mập.

Trong hai năm 2009 - 2010, tại Quy Nhơn có đến hơn 10 vụ cá mập tấn công người tắm biển. Trước tình hình đó, Bộ KH-CN đã chi 2 tỉ đồng cho đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học của hiện tượng cá dữ tấn công người tắm biển tại vùng biển ven bờ Quy Nhơn và đề xuất các giải pháp phòng ngừa” của Viện Hải dương học Nha Trang, do PGS-TS Võ Sĩ Tuấn - Phó viện trưởng, làm chủ nhiệm đề tài.

 

Đoàn công tác thả dàn lưới câu phòng tránh cá mập tại biển Quy Nhơn - Ảnh: Trần Minh

Nỗ lực ngăn cá

Một trong những giải pháp được đưa ra trong buổi nghiệm thu đề tài ngày 10.4 tại Sở KH-CN Bình Định là xây dựng hệ thống lưới rào chắn từ xa. Bởi lẽ, tập tính sinh sản và trú ngụ của cá mập tại vùng biển Quy Nhơn không phải chỉ mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Do vậy, các đề xuất, kiến nghị đưa ra đều chỉ ở mức độ ngăn ngừa chứ không thể loại trừ loài cá này ra khỏi môi trường sinh sống quen thuộc.

Từ 4 giờ sáng 18.4, 4 thuyền với khoảng 20 cán bộ chở theo lưới đã ra biển Quy Nhơn để giăng. Trước đó 2 ngày, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định đã đi khảo sát thực tế, đo đạc trên từng vùng biển sẽ lắp đặt rào chắn. 3 hệ thống lưới và câu được thả xuống tại 3 địa điểm dọc bờ biển Quy Nhơn (những nơi này, tàu thuyền ít qua lại). Mỗi hệ thống gồm 2 tấm lưới và câu có chiều dài trên 200m.

Vùng thứ nhất, ở phía nam khu du lịch Ghềnh Ráng, nằm giữa lạch số 2, có độ sâu từ 3 - 5,4m. Vùng thứ hai có hố sâu từ 3,5 - 4,4m, cách bờ khu vực khách sạn Hải Âu 0,5 km. Cuối cùng là vùng từ eo Nín Thở đến khách sạn Hải Âu cách bờ từ 1 đến 1,2 km, có độ sâu khoảng 4,8m.

Cả 3 hệ thống trên được đặt song song với bờ. Tại mỗi hệ thống có thả thêm dàn móc để câu cá mập theo kiểu tự động gồm lưới 2 bên, ở giữa thả các lưỡi câu đơn, có phao nổi. Bên dưới là neo định vị. Theo nhận định của các nhà khoa học, 3 điểm trên là nơi có vũng nước sâu, có điều kiện thuận lợi cho cá mập vào gần bờ (như trường hợp 2 nạn nhân là bà Trương Thị Tánh và Nguyễn Thị Thu Thảo bị cắn khi chỉ cách bờ 15 và 5m vào tháng 5.2009).

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, một số loài cá dữ có khả năng xuất hiện ở vùng biển Quy Nhơn như: cá mập ăn thịt, cá mập mắt to, cá mập trắng, cá nhám thu, cá nhồng cồ, cá mập rạn san hô... Trong đó, 3 loại cá đã cắn người tắm biển ở đây là cá mập sọc trắng, cá mập thâm và cá mập mắt to. Thời điểm cá tấn công người lại trùng khớp với hiện tượng El Nino từ tháng 6.2010 - 5.2011 làm cho nhiệt độ và độ đục của dòng chảy tăng lên khiến cá mập trở nên hung dữ. 

Giải pháp tạm thời

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, hầu hết các giải pháp mà nhóm thực hiện đề tài khoa học đưa ra chỉ là tạm thời. Tại buổi nghiệm thu đề tài, TS Đào Việt Hà (thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, thành viên hội đồng thẩm định) cho rằng: “Đề tài vẫn chưa chỉ ra được nguyên nhân tại sao cá mập tấn công người ở Quy Nhơn. Hầu hết đều là chuỗi suy luận logic chứ chưa phải là kết luận”. Theo bà Hà, ngay trong đề xuất giải pháp làm khung lưới rào chắn ở các bãi tắm nhằm ngăn cá mập cũng thiếu lập luận và cơ sở khoa học vì không mang tính khả thi cao.

Ngư dân Nguyễn Đình Bảo (58 tuổi, ở Tân Phụng, xã Mỹ Thọ, H.Phù Mỹ), đã có hơn 40 năm làm nghề câu cá mập, cho rằng khả năng cá mập cắn câu là rất khó và tốn kém vì phải túc trực thường xuyên để canh chừng cũng như thay mồi tươi liên tục. Thêm nữa, chi phí bảo vệ, duy trì cho hệ thống lưới, câu hoạt động thường xuyên không phải là nhỏ.

Cũng tại buổi nghiệm thu đề tài, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: “Làm hệ thống lưới và câu cũng chỉ là giải pháp để thử nghiệm chứ không thể phòng tránh tuyệt đối”. Không ai dám chắc rằng, sau khi thực hiện các công việc trên, cá mập sẽ không còn tấn công người tắm biển.

. Theo TNO

 

Cần lắp thêm hệ thống báo động

PGS-TS Nguyễn Hữu Phụng, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang), nhận định: Cá mập rất hung dữ, khi ngửi thấy mùi máu, chúng có thể lao đến, không biết sợ. Tại nhiều bãi tắm ở một số nước như Nam Phi, Pháp, Úc, Trung Quốc..., người ta đã dùng lưới để ngăn cá mập gây nguy hiểm. Tôi cho rằng giải pháp dùng lưới chặn cá mập vào trong bãi tắm và kết hợp với dàn câu chặn cá mập ở Quy Nhơn là hiệu quả. Tuy nhiên, cá mập có thể vượt “rào chắn” để đi vào khu vực bãi tắm nên cần lắp thêm hệ thống báo động.

Theo tiến sĩ sinh học biển Nguyễn Khắc Hường, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu động vật có xương sống - Viện Hải dương học, trên thế giới có đến 26 loài cá mập nguy hiểm thường gặp. Ở nước ta, có 5 loài cá mập có thể tấn công con người: Cá mập trắng lớn thân hình như quả ngư lôi, dài trung bình 5-6m, cá biệt có khi đến 15m; mặt lưng và hai bên thân màu nâu nhạt pha xanh xám hoặc đen, mặt bụng màu trắng, viền sau vây ngực có một vệt đen. Bộ răng của cá cực kỳ sắc nhọn, cạnh răng đều có răng cưa; miệng cá rất rộng, có thể nuốt chửng một con bò. Cá mập báo thân hình như con thoi, kích thước đến 9,5m, có con nặng đến 5 tạ; màu sắc vằn vện như da báo, mặt bụng màu trắng; răng to, cạnh có răng cưa rất sắc bén. Chúng thường sống ngoài khơi từ vịnh Bắc bộ đến vịnh Thái Lan, đôi khi vào ven bờ và cửa sông. Cá mập xanh thân hình như con thoi; mặt lưng và các vây màu xanh biển, mặt bụng màu trắng; kích thước đến 7m, nặng tới 3 tạ; miệng rộng, mỗi hàm có 50 chiếc răng sắc nhọn, cạnh có răng cưa nhỏ. Cá nhám búa vây đen dài hơn 4m, nặng khoảng 1 tạ; thường sống ở tầng gần mặt nước vùng ven bờ. Cá nhám búa không rãnh kích thước đến hơn 6m, thường bơi lội trên tầng mặt nước.

Thiện Nhân

 

Các biện pháp chống cá mập trên thế giới

Vào năm 1996, các nhà khoa học Nam Phi đã phát minh một thiết bị xua cá mập bằng dòng xung điện, được gọi là “khiên chống cá mập”. Thiết bị này được dùng phổ biến trong thời gian Olympic 2000 diễn ra tại Úc, nhằm bảo vệ vận động viên tham gia cuộc đua 3 môn phối hợp ở cầu cảng Sydney. Tuy nhiên, việc sử dụng “khiên chống cá mập” vấp phải sự phản đối của những người bảo vệ động vật vì nó có thể tấn công cả các sinh vật biển khác.

Thiết bị thứ hai là lưới cá mập, được các nước như Úc, Nam Phi sử dụng khá phổ biến. Những tấm lưới này dài khoảng 200m, cao 6m, được cắm ở độ sâu từ 10 đến 14m. Chỉ tính riêng tại Nam Phi, giới hữu trách lắp lưới cá mập tại ít nhất 38 bờ biển của nước này.

Các chính quyền địa phương luôn tránh tình trạng thảm sát cá mập, mà chủ yếu dùng những biện pháp bảo vệ con người, theo trang tin Gold Coast News.

Hạo Nhiên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18.4  (18/04/2012)
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Bản tiếp xúc cử tri tại Hoài Nhơn  (18/04/2012)
Xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới  (18/04/2012)
Chưa áp dụng giá viện phí mới  (18/04/2012)
Lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin vi phạm về TTATGT  (18/04/2012)
Vận động xây dựng Quỹ “Vì người nghèo” 25 tỉ đồng  (18/04/2012)
Lãnh đạo tỉnh tiếp Sư đoàn 3 Sao Vàng  (18/04/2012)
“Anh vẫn về trong ngày vui hôm nay”  (18/04/2012)
Nghĩa tình chiến trường xưa  (18/04/2012)
Vang mãi bản hùng ca  (18/04/2012)
Đề nghị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội bà Hoàng Yến  (18/04/2012)
Ấm áp tình thương  (18/04/2012)
Phải xây dựng chuẩn mực đạo đức phù hợp với từng đơn vị, từng cá nhân  (17/04/2012)
ĐBQH tiếp xúc cử tri tại phường Trần Hưng Đạo (Quy Nhơn)  (17/04/2012)
Tiếp sức cùng các trung tâm phục hồi chức năng  (17/04/2012)