Theo Thạc sĩ Trình Công Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, việc các doanh nghiệp (DN) chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến đảm bảo môi trường làm việc, sức khỏe của người lao động (NLĐ), khiến bệnh nghề nghiệp có nguy cơ gia tăng…
Bệnh nghề nghiệp gia tăng
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2011, qua công tác khám sức khỏe cho NLĐ, các trung tâm y tế của tỉnh đã kết luận 1.080 người sức khỏe loại 4 và 354 người sức khỏe loại 5; phát hiện 91 người mắc mới bệnh nghề nghiệp, trong đó, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp 90 người, bệnh lao nghề nghiệp 1 người. Nguyên nhân NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp là do độ bụi trong môi trường lao động không đảm bảo các tiêu chuẩn quy định, người sử dụng lao động không có biện pháp phòng bệnh triệt để, NLĐ không thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa bụi thâm nhập vào cơ thể, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất xi măng; khai thác, chế biến đá; xây dựng.
|
Làm việc trong môi trường lao động tốt, người lao động sẽ loại trừ được bệnh nghề nghiệp. Ảnh: N.P |
Tuy nhiên, số liệu thống kê này chưa phản ánh đúng thực tế bệnh nghề nghiệp, bởi theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, số NLĐ bị bệnh nghề nghiệp trên thực tế còn cao hơn so với báo cáo. Lâu nay nhiều DN không báo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp về các cơ quan chức năng.
Trong đợt kiểm tra An toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ năm 2012 tại 20 DN trên địa bàn tỉnh, đoàn kiểm tra phát hiện, hầu hết các DN không có bộ phận y tế, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ, không đo kiểm môi trường lao động; có DN không thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động, việc cấp phát đồ bảo hộ lao động chưa đầy đủ theo quy định… Đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng bệnh nghề nghiệp.
Quyền lợi bị bỏ quên
Theo Bộ Y tế, hiện nay, có 28 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm gồm: Bệnh bụi phổi silic; bệnh bụi phổi atbet hay bụi phổi amiăng; bệnh bụi phổi bông (byssinosis); bệnh điếc nghề nghiệp; bệnh rung chuyển nghề nghiệp; bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp (bức xạ ion hóa); bệnh loét da, loét vành ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc (bệnh da nghề nghiệp do crôm); bệnh sạm da; bệnh nhiễm độc TNT (Trinitrotoluen); bệnh nhiễm độc benzen; bệnh nhiễm độc mangan; bệnh nhiễm độc thủy ngân; bệnh nhiễm độc chì vô cơ, bệnh nhiễm độc chì hữu cơ; bệnh lao nghề nghiệp; bệnh do leptospira nghề nghiệp (Leptospirosis); bệnh viêm gan vi-rút nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc asen và các hợp chất asen vô cơ; bệnh nhiễm độc nicôtin; bệnh nhiễm độc hóa chất trừ sâu; bệnh giảm áp; bệnh viêm phế quản mãn tính; bệnh hen phế quản nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp; bệnh nốt dầu nghề nghiệp; bệnh viêm loét da, viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp; bệnh nhiễm độc Cadimi nghề nghiệp; bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân và nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp. |
Thạc sĩ Trình Công Tuấn cho biết: Khi sản xuất ra sản phẩm, DN đã tính tất cả các khoản chi phí có liên quan đến quyền lợi, chính sách, chế độ của NLĐ. Tuy nhiên, trên thực tế, DN cố tình quên các quyền lợi của NLĐ như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, mua sắm trang thiết bị bảo hộ lao động, tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho NLĐ…. Do đó, nhiều NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp mà không biết và nếu biết cũng không được bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ theo quy định. NLĐ đành tự chịu chi phí điều trị hoặc chủ sử dụng lao động chỉ chi một khoản tiền tượng trưng.
Theo Phòng Chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Xã hội Bình Định, từ năm 2011 đến nay chỉ có 22 lao động mắc bệnh nghề nghiệp được chi trả các chế độ theo quy định, trong đó, có 16 lao động được chi trả một lần, 6 lao động được chi trả hàng tháng.
Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều DN vừa và nhỏ chưa quan tâm đến việc đảm bảo điều kiện lao động cho NLĐ; trong khi, NLĐ lại rất “mù mờ” về vấn đề này; nếu yêu cầu khám chữa bệnh lại sợ ảnh hưởng đến việc làm nên không có kiến nghị gì với người sử dụng lao động, vô hình chung làm mất đi quyền lợi chính đáng của mình.
Một thực tế là, mỗi lao động khi khám sức khỏe định kỳ theo quy định bắt buộc, chi phí khoảng 35.000-70.000 đồng/người (chưa tính các bệnh phát sinh, bệnh nghề nghiệp khác). Như vậy, một DN 200 lao động, mỗi năm nếu “quên” khám sức khỏe định kỳ, chủ DN đã “tiết kiệm” hàng chục triệu đồng. Một số DN lại “lách” bằng cách tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho một bộ phận lao động trong DN để đối phó với cơ quan chức năng.
Lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết, năm nay, Sở sẽ siết chặt việc thanh, kiểm tra công tác khám sức khỏe định kỳ tại các DN, nhằm giảm số người mắc bệnh nghề nghiệp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.
|