Số bác sĩ về hưu, bỏ đi nơi khác làm ăn ngày càng nhiều; trong khi sinh viên y khoa tốt nghiệp xong rất hiếm về Bình Định công tác. Điều này khiến tỉnh ta thiếu bác sĩ. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Y tế đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết.
“Khát” nhân lực
Nhiều năm qua, ngành Y tế tỉnh ta đã không ngừng mở rộng quy mô. Hiện toàn ngành có 30 đơn vị trực thuộc. Trong đó, tuyến tỉnh có 19 đơn vị gồm: văn phòng sở, 2 chi cục, 8 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa, 9 trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh; tuyến huyện có 11 trung tâm y tế với 10 bệnh viện đa khoa, 11 đội y tế dự phòng, 11 đội bảo vệ bà mẹ trẻ em- kế hoạch hóa gia đình, 11 trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình; tuyến xã có 159 trạm y tế. Hiện tại ngành Y tế có 4.493 cán bộ, công nhân viên, chưa kể hợp đồng. Tổng số bác sĩ là 759, trong đó có 3 tiến sĩ, 49 bác sĩ chuyên khoa II, 286 bác sĩ chuyên khoa I và 62 thạc sĩ, cùng 359 bác sĩ đa khoa và chuyên khoa.
|
Đại diện Trường Đại học Quy Nhơn và Đại học Paris 7 đã thỏa thuận thắt chặt liên kết đào tạo giảng viên. Ảnh: N.TÚ |
Theo ông Nguyễn Văn Cang, Giám đốc Sở Y tế, để đảm bảo đủ số lượng và nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống y tế công lập và bảo đảm theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2010 và tầm nhìn 2020, tỉnh ta cần thêm 681 bác sĩ (giai đoạn 2012-2015 thêm 289 bác sĩ, giai đoạn 2015- 2020 thêm 392 bác sĩ). Như vậy, mỗi năm cần đào tạo 5-10 bác sĩ hệ y tế dự phòng cùng 40-50 bác sĩ phục vụ khám chữa bệnh. Giai đoạn 2012-2015, ngành còn có nhu cầu đào tạo sau đại học 8 tiến sĩ, 41 bác sĩ chuyên khoa II, 20 thạc sĩ, 132 bác sĩ chuyên khoa I và các chuyên ngành.
Nhiều việc phải làm
Khu vực Nam Trung Bộ hiện chưa có một đơn vị đào tạo nào được Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cho phép đào tạo bác sĩ. Nguồn bác sĩ của tỉnh đều do các trường đại học y khoa trong nước đào tạo, nhiều nhất là Trường Đại học Y Dược Huế và Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, lâu nay, các trường này chỉ tuyển sinh với số lượng có hạn theo quy mô của trường nên không thể đáp ứng nhu cầu.
Ông Frederic Ogee, Phó Trưởng Ban Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Paris 7:
Theo kinh nghiệm của chúng tôi cũng như của nhiều trường đại học, mở khoa Y trong một trường đại học tổng hợp là điều hoàn toàn phù hợp. Để đảm bảo chất lượng đào tạo, ngoài phần lý thuyết trên giảng đường, rất cần đào tạo thực hành tại bệnh viện. Nhất thiết phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và bệnh viện; sinh viên phải được tiếp xúc với người bệnh từ rất sớm. Về phần mình, Đại học Paris 7 cũng sẽ tìm kiếm một cộng sự giúp liên lạc thường xuyên với tỉnh và Trường ĐHQN, tiến đến đạt thỏa thuận cụ thể từng phần việc và thắt chặt mối quan hệ hợp tác lâu dài.
PGS-TS. Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn:
Sau khi thành lập khoa Y, Trường sẽ tổ chức tuyển sinh, Trường Đại học Y Dược Huế sẽ giúp đào tạo toàn bộ. Thời gian đầu, sẽ tuyển sinh đào tạo bác sĩ cộng đồng, sau đó đến bác sĩ đa khoa. Trường sẽ tuyển một số giảng viên y khoa trẻ có năng lực cùng với một số bác sĩ giỏi đưa sang Pháp đào tạo để về giảng dạy; đồng thời, dựa vào các nguồn tài chính để xây dựng những phòng thí nghiệm. Hai việc này rất cần Đại học Paris 7 cùng các trường đại học y khoa trong nước tư vấn và hỗ trợ. |
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, mỗi năm, tỉnh ta có khoảng 24.000 học sinh tốt nghiệp THPT, trong đó, 800-1.500 học sinh đăng ký thi vào các trường đại học y khoa và những chuyên ngành lân cận như công nghệ sinh học. Tuy nhiên, các thí sinh này không dễ vượt qua kỳ thi đầu vào bởi mức độ cạnh tranh rất khốc liệt (điểm sàn bình quân từ 26/30 trở lên); nhiều học sinh giỏi vẫn không thể chen chân vào các trường này. Vì thế, UBND tỉnh và Trường Đại học Quy Nhơn (ĐHQN) cùng Sở Y tế và các sở, ngành liên quan đang quyết tâm thành lập khoa Y thuộc Trường ĐHQN.
PGS-TS Nguyễn Hồng Anh, Hiệu trưởng Trường ĐHQN, cho biết: Trong chiến lược phát triển thời gian tới, Trường có định hướng thành lập khoa Y. Khó khăn hiện nay là Trường chưa có đội ngũ giảng viên về y học cơ sở”.
Một trong những hướng giúp tháo gỡ khó khăn là việc GS-TS. Trần Thanh Vân- người sáng lập Hội Gặp gỡ Việt Nam - nhận “bắc cầu” để Đại học Paris 7, nơi có uy tín về đào tạo y khoa của Pháp, đến Bình Định giúp tỉnh đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy. Các buổi làm việc giữa Trường Đại học Paris 7 với UBND tỉnh và Trường ĐHQN mở ra nhiều cơ hội. Tỉnh đã đề nghị Đại học Paris 7 hỗ trợ mở lớp đào tạo bác sĩ đa khoa và bác sĩ chuyên khoa, trong đó có chuyên khoa y tế công cộng; mở lớp bồi dưỡng bác sĩ thành giảng viên y khoa; triển khai giảng dạy y khoa tại Trường ĐHQN khi Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế cho phép mở khoa Y tại trường này và tuyển sinh viên, bác sĩ sang Pháp đào tạo.
Rào cản về ngôn ngữ là tiếng Pháp cũng đã được hai bên bàn đến. GS. Frederic Ogee, Phó Trưởng Ban Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Paris 7, đề xuất, cần đưa tiếng Pháp vào dạy cho những học sinh phổ thông có nguyện vọng thi vào y khoa. Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội sẽ hỗ trợ tài liệu và đào tạo giáo viên tiếng Pháp, cùng những suất học bổng cho sinh viên sang Pháp học ngôn ngữ từ 3-6 tháng. Trường Đại học Y Dược Huế cũng đã nhận lời đỡ đầu và hỗ trợ về nhiều mặt.
Năm học 2012-2013 là thời hạn được đưa ra trong nỗ lực xúc tiến thành lập khoa Y trong Trường ĐHQN. Những quyết tâm rất lớn của tỉnh, Trường ĐHQN, Sở Y tế cùng những thỏa thuận, cam kết giúp đỡ từ nhiều phía cho thấy những dấu hiệu khả quan để hy vọng và chờ đợi.
|