Dù thời điểm này, tỉnh ta mới bước vào những ngày nắng nóng đầu tiên của mùa hè, song tại các bệnh viện đã bắt đầu ghi nhận một số trẻ bị viêm não nhập viện với nhiều ca rất nặng. Bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhận định: Thời gian tới, số bệnh nhi bị viêm não sẽ gia tăng.
Mấy tuần qua, số trẻ bị bệnh viêm não tăng đáng kể. Hiện ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn còn 5 trẻ đang điều trị, 1 trẻ phải thở máy.
Lâu nhất trong số này là bé Nguyễn Thị Mỹ Nhiên (6 tuổi, ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), vào viện ngày 3.2, dù đến nay đã tỉnh táo nhưng khả năng nhận biết của trẻ còn chậm.
|
Bé Nhàn được cấp cứu hồi sức tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong tình trạng hôn mê do viêm não. |
Gần nhất là trường hợp bé Võ Trịnh Thanh Nhàn, 38 tháng tuổi, con gái của anh Võ Tuấn Khiêm và chị Trịnh Thị Lệ Thu (thôn Ngọc Thạnh, xã Phước An, huyện Tuy Phước), vào viện ngày 19.4. Chị Thu cho biết, bé Nhàn khởi bệnh với triệu chứng sốt, đi khám bác sĩ bảo theo dõi sốt siêu vi. Nhưng chỉ được một ngày thì bé chuyển nặng, co giật và hôn mê. Sau 3 ngày thở máy và được điều trị, chăm sóc tích cực, đến chiều 24.4, bé Nhàn đã có phản ứng khóc, máy môi và mắt.
Bác sĩ Toàn cho biết, hầu hết trẻ được đưa đến viện trong tình trạng bệnh nặng và rất nặng. Nguyên nhân là triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não thường giống với các bệnh sốt do vi-rút thông thường như sốt cao, chưa có biểu hiệu rối loạn tri giác nên các bậc cha mẹ không phát hiện được, cho con điều trị tại nhà bằng các loại thuốc kháng sinh, hạ sốt… Vì thế, nhiều trường hợp bị mắc bệnh không được chữa trị kịp thời hoặc do bệnh nặng dẫn đến biến chứng yếu chi, liệt nửa người; nặng hơn là tàn phế, sống đời sống thực vật, thậm chí tử vong.
Theo bác sĩ Toàn, đa số các ca viêm não đều do vi-rút gây nên. Ở nước ta, dạng viêm não thường gặp hơn cả là viêm não Nhật Bản, bên cạnh đó là viêm não do vi-rút Herpes (chiếm khoảng 15%) và một số loại vi-rút gây viêm não khác như EV, CMV…
Diễn tiến của bệnh viêm não rất nhanh, thời gian từ khi khởi bệnh cho đến khi hôn mê chỉ khoảng 2 ngày. Đang chăm con điều trị viêm não tại khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh Nguyễn Minh Tuấn (ở tổ 10, khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), cho biết: “Trước hôm nhập viện 2 ngày, gia đình có mua thuốc hạ sốt cho cháu uống. Hôm sau, cháu khỏe hẳn và chạy chơi được, nhưng đến chiều tối, cháu kêu đau đầu, sốt cao. Đưa vào bệnh viện, bác sĩ bảo cháu bị viêm não”.
Để phòng ngừa viêm não ở trẻ, bác sĩ Toàn khuyến cáo các bậc phụ huynh chú ý chích ngừa cho trẻ, phòng bệnh cho trẻ bằng các biện pháp thông thường như chế độ dinh dưỡng đảm bảo để tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi trẻ có các biểu hiện sốt, rối loạn tri giác (khóc nhiều, ngủ lơ mơ hoặc hôn mê, co giật), nôn nhiều, giảm vận động; đối với những trẻ nhỏ thường sốt kèm theo quấy khóc nhiều, ngủ nhiều hoặc ít hơn so với ngày thường; hoặc trẻ ở dạng ngủ gà… nên đưa trẻ đi khám ngay để phát hiện và điều trị kịp thời. Đồng thời, khi thấy trẻ sốt 1-2 ngày, nôn ói, đau đầu hãy nghĩ đến bệnh viêm não để nhanh chóng đưa đến bệnh viện.
|