PGS-TS Triệu Nguyên Trung:
“Bình Định chưa thể loại trừ sốt rét”
0:1', 26/4/ 2012 (GMT+7)

Ngoài các yếu tố khách quan như: Mầm bệnh, véc tơ truyền bệnh, điều kiện tự nhiên phức tạp; Bình Định còn phải đối mặt với tình trạng dân di biến động cùng những hạn chế trong kiểm soát sốt rét của mạng lưới y tế cơ sở… - PGS-TS. Triệu Nguyên Trung, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng (SR-KST-CT) Quy Nhơn, cho biết.

* Năm 2012, theo kế hoạch của Dự án Quốc gia phòng chống sốt rét, Bình Định nằm trong nhóm 34 tỉnh triển khai loại trừ sốt rét. Phân bổ này liệu đã hợp lý, thưa ông?

- Phân bổ này còn chưa hợp lý ở chỗ, các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có chênh lệch quá lớn về ký sinh trùng sốt rét, tử vong sốt rét, cũng như các yếu tố nguy cơ khác so với miền Bắc và miền Nam. Trong 5 năm (2006-2010), dù các chỉ số sốt rét của Bình Định có chiều hướng giảm dần nhưng không mang tính bền vững. Rõ nhất là năm 2011, Bình Định nằm trong số các tỉnh gia tăng sốt rét cục bộ do chưa kiểm soát được nguồn bệnh ngoại lai, với tỉ lệ bệnh nhân tăng 72,17%, ký sinh trùng tăng 76,47% và có 76 ca sốt rét ác tính. 3 tháng đầu năm 2012, dù sốt rét ở Bình Định giảm 2% so với cùng kỳ nhưng số ca sốt rét ngoại lai tăng 7,5%.

 

Một trường hợp mắc sốt rét do đi rừng, ngủ rẫy được điều trị ở Trung tâm Y tế huyện Vân Canh.

 

Ngoài các yếu tố khách quan như: Mầm bệnh, véc tơ truyền bệnh, điều kiện tự nhiên phức tạp, cái khó nhất của Bình Định là tình trạng dân di biến động vào vùng sốt rét. Đặc thù hoạt động canh tác của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Bình Định là làm rẫy, ngủ rẫy ở rừng sâu có sốt rét lưu hành; cùng với số lượng lớn người dân từ vùng đồng bằng vào rừng khai thác lâm thổ sản… di cư tự do lên các tỉnh Tây Nguyên ngoài tầm kiểm soát của chính quyền cũng như y tế địa phương. Đây là những vùng trọng điểm sốt rét.

* Theo cách nói của PGS-TS có thể hiểu: Bình Định đang ở giai đoạn phòng chống sốt rét và để tiến đến tiền loại trừ hoặc loại trừ sốt rét cần phải trải qua giai đoạn phòng chống sốt rét tích cực?

- Đúng thế! Việc phân bố Bình Định vào nhóm tỉnh loại trừ sốt rét nếu chỉ dựa vào chỉ số giảm sốt rét trong một giai đoạn thì chưa đủ cơ sở và không phản ánh đúng thực trạng sốt rét tại địa phương. Điều quan trọng là phải dựa vào đặc thù sốt rét khu vực cũng như các yếu tố nguy cơ khác (ký sinh trùng sốt rét, véc tơ truyền bệnh, điều kiện tự nhiên, biến động dân và khả năng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở). Việc phân bố các nhóm tỉnh đột ngột từ phòng chống sốt rét sang loại trừ sốt rét như Bình Định, không qua phòng chống sốt rét tích cực, không phản ảnh đúng mặt bằng sốt rét và các vấn đề cần ưu tiên đầu tư. Viện đã đề nghị điều chỉnh Bình Định nằm trong nhóm tỉnh phòng chống sốt rét tích cực từ nay đến năm 2015, cùng với 12 tỉnh khác trong khu vực.

* Vấn đề dân di biến động trong phòng chống sốt rét đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng vì sao ngành Y tế vẫn chưa thể kiểm soát được? 

- Chúng ta phải thừa nhận là dù đã rất nỗ lực triển khai các hoạt động phòng, chống sốt rét trong nhóm đối tượng dân di biến động, đi rừng, ngủ rẫy nhưng hiệu quả vẫn rất hạn chế. Số người mắc bệnh sốt rét thuộc nhóm đối tượng này chiếm tỉ lệ cao so với nhóm dân cư cố định.

Đối với nhóm dân cư này, các biện pháp giám sát không thực hiện được, việc vận động họ mang võng, khuyến cáo ngủ màn hay bảo vệ trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Truyền thông giáo dục phòng, chống sốt rét là một trong những biện pháp chủ yếu được thực hiện; đồng thời, y tế thôn, bản đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và giám sát đối tượng này.

* Ký sinh trùng sốt rét P.falciparum - chủng gây sốt rét ác tính và tử vong luôn chiếm ưu thế tuyệt đối trong cơ cấu chủng loại ký sinh trùng sốt rét - đã kháng trên diện rộng với nhiều loại thuốc sốt rét và giảm đáp ứng với các thuốc có hiệu lực cao. Viện SR-KST-CT Quy Nhơn đã có giải pháp gì cho vấn đề này?

- Đầu năm 2011, Viện SR-KST-CT TP Hồ Chí Minh phát hiện trường hợp kháng thuốc ở Bình Phước không chỉ với Artesunate mà còn kháng với cả thuốc phối hợp Dihydroartemisinine-Piperaquine. Tại miền Trung - Tây Nguyên, giám sát của Viện cũng cho thấy, tình trạng ký sinh trùng sốt rét P.falciparum đã kháng trên diện rộng với nhiều loại thuốc sốt rét (Chloroquine, Fansidar, Amodiaquine) và giảm đáp ứng với các thuốc sốt rét có hiệu lực cao (Artemisinine, Quinine), khó khăn cho việc điều trị và giảm tử vong. Hiện Viện đang lên đề cương phối hợp với một tổ chức y tế thế giới triển khai nghiên cứu các biện pháp chống kháng thuốc sốt rét ở các tỉnh khu vực, trong đó có Bình Định.

* Cảm ơn ông!

  • THU HIỀN (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bệnh viêm não ở trẻ gia tăng  (26/04/2012)
Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định thi hành Pháp lệnh Cựu chiến binh   (25/04/2012)
ĐBQH Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri tại Hoài Nhơn, Phù Mỹ  (25/04/2012)
Nguy cơ dịch lợn tai xanh lây lan trên diện rộng  (25/04/2012)
Kiến nghị hỗ trợ cho người dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp  (25/04/2012)
Lãnh đạo tỉnh làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam  (24/04/2012)
Cử tri kiến nghị về giao thông, đầu tư cho nông thôn  (24/04/2012)
Cần khẩn trương xử lý  (24/04/2012)
Bệnh viện muốn tăng phí kịch trần  (24/04/2012)
Hy vọng và chờ đợi  (23/04/2012)
Cầu Đội 10 xuống cấp nghiêm trọng  (23/04/2012)
Cấp cứu thành công một trường hợp bị cá đâm thủng tim hi hữu  (23/04/2012)
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề dân sinh bức xúc   (23/04/2012)
ĐH Quy Nhơn đoạt 9 giải thưởng   (23/04/2012)
Dự kiến mức chuẩn xác định trợ cấp xã hội bằng 50% mức lương tối thiểu  (23/04/2012)