Kỷ vật của cha
20:6', 28/4/ 2012 (GMT+7)

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những kỷ vật kháng chiến vẫn có sức khơi gợi quá khứ mạnh mẽ. Đặc biệt, khi đó không phải là những hiện vật nằm yên lặng trong tủ kính bảo tàng, mà là những kỷ vật thân thương của người nằm xuống vừa trở về trong vòng tay người thân từ lòng đất…

Ông Châu Ngọc Dũng bên những kỷ vật của cha. Ảnh: H.N.QUỐC

Đã gần một tháng kể từ ngày được tiếp nhận những kỷ vật của cha, ông Châu Ngọc Dũng, ở thôn Thuận An, xã An Tân, huyện An Lão, vẫn chưa hết bồi hồi. Lần giở từng quyển sổ, ông xúc động kể: “Đó là ngày 26.3, con rể tui làm ở UBND xã An Tân báo có người khai thác đá ở khu vực hố Đá Vàng (thuộc địa phận thôn Long Khánh, xã An Hòa), phát hiện một thùng đạn cũ đựng vật dụng của ông nội từ ngày tham gia đánh Mỹ. Tui không thể ngờ, cha đi xa đã gần 40 năm, hôm nay gia đình lại được nhận những vật dụng cha đã sử dụng và theo cha trong những ngày đấu tranh gian khổ. Lật quyển sổ nhật ký chiến đấu của cha, tui không cầm được nước mắt, thương lắm cậu ơi!”.

Thùng đạn cũ ấy dài khoảng 4 tấc, rộng 3 tấc, cao 2 tấc. Trong đó, có một bộ quần áo pijama màu xanh da trời còn mới, một xấp vải chưa may, một bịch bột ngọt, một lưỡi câu và 2 quyển sổ. Hai quyển sổ làm bằng giấy rơm, tuy giấy xấu nhưng nét bút rất rõ ràng. Ngoài việc ghi lại những buổi hội họp, học nghị quyết… nội dung quan trọng của 2 quyển sổ là ghi chép cụ thể, chi tiết những đóng góp của người dân địa phương cho kháng chiến. Ít thì vài cân gạo, nhiều có cả con trâu, con bò. Có người góp 50 đồng hay 100 đồng để mua thuốc cho tủ thuốc của y tế xã. Với đời sống muôn vàn khó khăn của người dân vùng kháng chiến, đó là những khoản đóng góp lớn, nói lên tấm lòng san sẻ của nhân dân cho cách mạng. 

Đây không phải lần đầu gia đình ông Dũng nhận kỷ vật của liệt sĩ Châu Ngọc Anh. Ông Dũng cho biết, năm 1972, trong lần đi giẫy mả cho cha, ông cũng được một người dân địa phương cho lại một quyển sổ của cha. “Trong quyển sổ ấy, cha tôi cũng ghi chép những đóng góp của người dân quê tôi cho kháng chiến, hồi ức về những trận đánh, những trang thấm đẫm nỗi nhớ nhung vợ con, mong mỏi hòa bình. Những người bạn chiến đấu của cha còn sống cho biết, trước khi hy sinh, ông đã kịp quăng giấu cuốn sổ vào bụi cây, lấy đất đá vùi lấp đi. Nếu quyển số ấy rơi vào tay địch, không biết bao nhiêu người phải liên lụy. Nhưng nếu không ghi chép cẩn thận, sau này cách mạng cũng chẳng biết căn cứ vào đâu để đền đáp…” - ông Dũng ngậm ngùi.

Những trang ghi chép từ quyển sổ do liệt sĩ Châu Ngọc Anh để lại. Ảnh: H.N.QUỐC

Liệt sĩ Châu Ngọc Anh, cha của ông Dũng, hy sinh ngày 23.12.1971, lúc mới 41 tuổi. Theo lời kể của ông Dũng, trong giai đoạn 1952-1960, ông Anh là cán bộ nằm vùng ở An Lão, tham gia dạy học trong phong trào “bình dân học vụ”. Năm 1961, sau khi bị lộ, ông thoát ly, công tác ở Tỉnh đội. Đến năm 1964, ông bị bệnh, trở lại cơ sở, làm cán bộ ở xã An Hòa. Ông Dũng nhớ lại: “Tôi cứ nhớ mãi trận càn ác liệt nhất ở An Lão năm 1967. Lúc đó tôi mới 9 tuổi, phải cùng mẹ tản cư xuống Bồng Sơn, ba tôi thì ở lại chiến đấu. Sau cuộc chia tay vội vã, hai mẹ con tôi chạm mặt lính Mỹ, nhưng rồi cũng thoát được”.

Khoảng thời gian được gần gũi cha quá ít ỏi, nên khi được tiếp nhận những kỷ vật của cha, ông mừng đến phát khóc. Ông đã đặt thợ mộc đóng một cái tủ mới để cất giữ những kỷ vật của cha. Chỉ có điều, ông không dám cho mẹ biết chuyện. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày thống nhất đất nước, rồi trước ngày giỗ chồng chừng một tháng, người vợ liệt sĩ thủy chung, son sắt này lại khóc, lại quệt nước mắt ước ao điều không thể “giá mà ổng còn sống đến ngày hòa bình…”.

Ông Dũng từng có thời gian dài tham gia công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, nên ông thấu hiểu mong mỏi tìm được hài cốt của người thân. Và, ngay trong gia đình ông vẫn còn 2 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Cho nên, ông hay động viên mẹ: “Mộ của cha nằm ở Nghĩa trang liệt sĩ, được nhang đèn ấm áp, đã là may mắn rồi. Biết bao hài cốt liệt sĩ còn lưu lạc ngoài sương gió, người thân của họ phải đi tìm ngày này qua tháng nọ…”. 

  • MAI LÂM
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thăm, tặng quà gia đình chính sách  (28/04/2012)
Lễ phát động ra quân “Tháng Công nhân” năm 2012  (27/04/2012)
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Quy Nhơn, Vĩnh Thạnh  (27/04/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện thăm các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh  (27/04/2012)
Công đoàn các cấp với “Tháng Công nhân”  (27/04/2012)
Nhiều hoạt động hướng về người lao động  (27/04/2012)
Xu hướng chọn ngành nghề đã thay đổi   (27/04/2012)
Hội nghị trực tuyến về một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba  (27/04/2012)
Đột phá thực hiện “Năm mẫu mực về điều lệnh - chính quy”  (27/04/2012)
An Nhơn tổ chức gặp mặt chức sắc Phật giáo  (27/04/2012)
Từ thiện cần đến đúng “địa chỉ”  (27/04/2012)
Năm 2012, siết chặt việc tăng biên chế  (27/04/2012)
Phát huy truyền thống “bộ đội cụ Hồ”  (26/04/2012)
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri An Nhơn, Phù Mỹ  (26/04/2012)
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện khảo sát khu di tích cách mạng Đồi Chè  (26/04/2012)