Tối 27.4, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tổ chức Lễ phát động “Tháng Công nhân” năm 2012 và biểu dương 83 công nhân, lao động tiêu biểu có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất. Báo Bình Định giới thiệu 4 gương mặt trong số họ.
|
LĐLĐ tỉnh tuyên dương 83 công nhân lao động tiêu biểu tại Lễ phát động Tháng Công nhân năm 2012. Ảnh: VĂN LƯU |
Chị Nguyễn Thị Lệ Thu (Giáo viên Trường Mầm non bán công Hoa Hồng, Quy Nhơn):
Làm đồ chơi cho trẻ từ nguyên vật liệu phế thải
Năm 2007, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mầm non Nha Trang, chị Nguyễn Thị Lệ Thu xin về làm giáo viên Trường Mầm non bán công Hoa Hồng. Từ khi về trường, cô giáo Thu luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh. Về công tác tại trường một thời gian ngắn, cô giáo Thu đã có sáng kiến làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ từ nguyên vật liệu phế thải. Những đồ dùng, đồ chơi làm từ nguyên vật liệu phế thải không những cuốn hút các trẻ chơi, mà còn kích thích các em cùng với cô giáo làm ra những đồ chơi cho lớp. Tất cả chai, lọ, hũ bằng nhựa, bì nilông… đã vứt bỏ nhưng qua tay cô giáo Thu, biến thành những chiếc ô tô, bông hoa, những con vật, đồ vật với màu sắc rực rỡ. Sáng kiến này không những giúp nhà trường tiết kiệm được một khoản kinh phí mua đồ chơi, mà còn dạy các cháu phát triển tư duy khi tự tay làm ra sản phẩm; rèn luyện ý thức bảo vệ môi trường cho các cháu.
Cô giáo Thu tâm sự: “Do yêu trẻ, yêu nghề, tôi muốn làm tất cả những gì giúp cho các em vui chơi. Bên cạnh đó, được Ban Giám hiệu nhà trường cùng các đồng nghiệp động viên, giúp đỡ, nên tôi mới mạnh dạn sáng tạo”.
Anh Trần Sỹ (Công nhân vận hành máy, Công ty cổ phần In và Bao bì Bình Định):
Cải tiến để nâng thu nhập cho công nhân
Chỉ là một công nhân vận hành máy bình thường của Công ty cổ phần In và Bao bì Bình Định thuộc Công ty Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định, chưa qua trường lớp đào tạo, sau 12 năm làm việc, anh Trần Sỹ thấy những bất cập của máy dán thùng carton do chính anh vận hành nên tìm cách cải tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho công nhân.
Trong quá trình vừa làm việc, vừa tìm tòi, suy nghĩ, năm 2011, anh Sỹ quyết định đưa ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật máy dán thùng carton với lãnh đạo Công ty. Từ cái gật đầu đồng ý của lãnh đạo, anh Sỹ bắt tay cải tiến. Kinh nghiệm còn ít ỏi nên trong quá trình cải tiến, anh phải đi hỏi thêm công nhân trong xưởng, rồi mày mò tự làm. Nhờ sáng ý, chỉ sau một thời gian ngắn, anh Sỹ đã cải tiến, nâng công suất máy dán thùng carton từ thiết kế ban đầu của nhà máy sản xuất 1.000 thùng/giờ lên 2.000 thùng/giờ.
Sau khi cải tiến thành công máy dán thứ nhất, anh Sỹ tiếp tục cải tiến máy dán thứ hai. Giờ đây công suất 2 máy dán tùng carton từ 2.000 thùng/giờ tăng lên 4.000 thùng/giờ mà vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Anh Sỹ cho biết, trước đây, có thời điểm, do yêu cầu của khách hàng, sản phẩm làm ra không kịp cung ứng, nên có hôm, công nhân phải làm tăng ca đêm. Công ty muốn mua thêm máy nhưng kinh phí lớn, phải tốn cả tỉ đồng. Theo anh Sỹ, sau khi cải tiến nâng công suất hai máy dán, đã hạn chế cảnh tăng ca; thu nhập của công nhân cũng tăng lên. Nếu trước khi cải tiến, mỗi tháng công nhân chỉ nhận trên 2 triệu đồng, nay mức lương đã tăng lên 3-3,5 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Nga (Công nhân Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn):
Góp phần làm đẹp thành phố
Sau khi trải qua nhiều công việc như cô nuôi dạy trẻ, công nhân thủy sản, chị Nguyễn Thị Nga được người quen giới thiệu làm công nhân vệ sinh môi trường. Lúc đầu, chị Nga không khỏi ngần ngại vì thấy công việc vất vả và có phần… nhếch nhác. Người thân trong gia đình cũng quyết liệt phản đối.
Những ngày đầu cầm chổi quét dọn, hốt những đống rác khổng lồ, nhất là rác thải tại khu vực bệnh viện, bãi biển mùi hôi bốc lên nồng nặc; rồi những khi kéo chiếc xe đầy rác, chị Nga tưởng không thể tiếp tục làm công việc này. Nhưng được mọi người trong đội động viên, chị Nga đã vượt qua và dần quen việc. Đến nay, sau 12 năm gắn bó, bằng sự chăm chỉ và tinh thần trách nhiệm, chị Nga luôn hoàn thành công việc của mình là làm sạch các tuyến phố được giao. Hiện nay, Đội thu gom rác số 2 của chị Nga đảm nhận 4 phường: Trần Phú, Lê Lợi, Hải Cảng, Lý Thường Kiệt; với 92 tuyến đường chính, tổng chiều dài hơn 37,5 km; 138 đường hẻm, tổng chiều dài hơn 16,6 km; bãi biển dọc đường Xuân Diệu dài 3,5 km. Để thu gom, quét dọn rác, làm sạch đường phố, bãi biển, hàng ngày, chị Nga cũng như các công nhân khác trong Đội bắt đầu làm việc từ 22 giờ đêm đến tờ mờ sáng hôm sau. Vào những dịp lễ, Tết, lượng rác nhiều hơn thì chị Nga cũng như các công nhân khác phải làm việc gấp đôi; nhiều năm họ phải đón giao thừa ngoài đường phố.
Không những làm sạch đường phố, chị Nga còn là một người tích cực trong phong trào hiến máu nhân đạo. Trong hai năm 2011-2012, chị đã 5 lần hiến máu nhân đạo.
Chị Nga cho biết, dù hiện nay, vẫn còn nhiều người xem thường những người làm công việc quét rác nhưng bản thân chị rất tự hào với công việc mình đang làm vì góp phần làm đẹp thành phố.
Anh Lê Văn Long (Tổ trưởng Tổ Điện, Xí nghiệp Sửa chữa cơ khí Cảng Quy Nhơn):
Nhiều sáng kiến, cải tiến
Về công tác tại Tổ Điện, Xí nghiệp Sửa chữa cơ khí Cảng Quy Nhơn tháng 7.2010, khi chưa học qua lớp đào tạo chính quy nghề điện nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, anh Lê Văn Long đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, mang lại hiệu quả cao.
Sáng kiến đầu tiên là chế tạo biến áp cách ly của băng tải dây chuyền tịnh phần rời. Trước đây, khi chưa cải tiến, công nhân làm việc tại băng chuyền dùng máy tay may bao phân thường bị điện giật. Sau khi cải tiến, công nhân đứng may bao phân an toàn hơn, không còn lo bị điện giật.
Sáng kiến thứ hai của anh Long là chế tạo mạch bán dẫn để bảo vệ máy khởi động trên các loại ôtô, khắc phục việc lâu nay xe tải, container nổ máy chờ giao, nhận hàng tại Cảng thường bị chập điện cháy bộ, dẫn đến việc giải phóng hàng chậm.
Sáng kiến thứ ba là anh Long đã cải tạo mạch điện quay vòng của xe cẩu KC, giảm việc nổ tiếp điểm trong khi cẩu hàng, đảm bảo năng suất cẩu hàng trong cảng…
|