|
Chị Huyền (thứ hai, phải sang) hướng dẫn cho các điều dưỡng của khoa những thao tác nhỏ nhất trong chăm sóc bệnh nhi. |
Đồng nghiệp nể phục sự sáng tạo, say mê và đòi hỏi cao trong công việc của chị Lê Hồ Thị Huyền, Điều dưỡng trưởng của khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Người nhà của bệnh nhi nhắc đến chị bằng sự yêu mến khi góp phần giành lại sự sống cho trẻ. Còn chị luôn tâm niệm: “Bệnh nhi như… con của mình”.
Cách đây 2 năm, khoa Nhi từng tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhi mắc hội chứng Guillain - Barre bị liệt người. Sau lần ấy, khoa nhận được thư của người nhà bệnh nhi cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng của khoa và chị Huyền. “Bệnh nhi khỏi bệnh, được trở về với cuộc sống chính là niềm vui lớn nhất của người điều dưỡng” - chị Huyền tâm sự.
Duyên và nghiệp
Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng, chị Huyền cũng bố trí gặp chúng tôi trong giờ nghỉ trưa ngắn ngủi. Tiếp chúng tôi trong một không gian hẹp của phòng trực điều dưỡng, chị Huyền chân thành nói: “Tôi luôn cố gắng hết sức để hoàn thành tốt công việc của mình. Còn việc ghi nhận năng lực và hiệu quả công việc là do lãnh đạo, đồng nghiệp…”.
Chị Huyền tâm sự, bước đường đến với ngành y đối với chị đơn giản chỉ là một cơ duyên. Năm 1993, tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Đà Nẵng, chị về công tác tại khoa Nhi. Cô điều dưỡng trẻ được phân về đơn nguyên nhi sơ sinh mà hễ nghe đến, không ít điều dưỡng thấy ngại.
Những ngày đầu mới về làm ở khoa Nhi, chị Huyền luôn tự hỏi: Bệnh nhân cần gì ở nhân viên y tế và tự đặt mình ở vị trí của bệnh nhân để cảm nhận tâm tư của họ. Từ đó, chị chú trọng vấn đề ứng xử đối với bệnh nhân và thường xuyên nhắc nhở điều này với những đồng nghiệp trong khoa.
Chị Huyền không nề hà bất cứ công việc gì. Điều dưỡng nào có con nhỏ, hay bận việc đều nhờ chị trực thay. Đêm đêm, chị vẫn thức để canh từng giấc ngủ cho bệnh nhân và thực hiện các công việc chuyên môn của mình. Có những ca trực cấp cứu, chị cùng đồng nghiệp thức suốt đêm; hết ca trực, chị mệt phờ, mắt mờ, tay mỏi, chân run nhưng có được niềm vui là đã góp phần cứu sống bệnh nhân. Ngày qua ngày, chị lặng lẽ làm việc để giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhi.
“Lắng nghe” từng nhịp thở của trẻ
Năm 2008, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh tách đơn nguyên Nhi sơ sinh để thành lập khoa Nhi sơ sinh, chị Huyền được bổ nhiệm điều dưỡng phụ trách khoa Nhi và chính thức là điều dưỡng trưởng của khoa năm 2010.
Điều dưỡng Lê Hồ Thị Huyền sinh năm 1971, ở xã Phước Thành, huyện Tuy Phước. Chị đã đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi: Điều dưỡng giỏi, Quy tắc ứng xử của ngành Y, các cuộc thi của Công đoàn… cấp bệnh viện và cấp ngành. Chị đã tham gia 2 đề tài nghiên cứu khoa học cùng các bác sĩ của khoa. |
Trước đó, năm 2004, chị là một trong bốn điều dưỡng được cử đi học lớp đào tạo về mô hình chăm sóc toàn diện do New Zealand hỗ trợ ngành Y tế Bình Định. Một năm sau, chị học lớp cử nhân điều dưỡng của Trường Đại học Y Dược Huế.
“Mô hình chăm sóc bệnh nhân toàn diện đòi hỏi người điều dưỡng phải tiếp xúc nhiều với bệnh nhân để biết họ cần gì và “lắng nghe” từng thay đổi nhỏ” - chị bộc bạch. Nhưng học là một chuyện, còn triển khai mô hình này lại không đơn giản. Chăm sóc toàn diện đòi hỏi người điều dưỡng phải có kiến thức, kỹ năng để chăm sóc độc lập cho một nhóm bệnh nhân. Nhiều điều dưỡng lớn tuổi phản ứng vì “cái này mất thời gian, phải có nhiều nhân lực và trang thiết bị y tế” - chị Huyền tâm sự. Chị lo đến “mất ăn mất ngủ”, rồi cần mẫn góp ý mỗi ngày một ít để thay đổi tư duy của họ.
Người bệnh khi vào nằm viện được các bác sĩ khám bệnh và kê đơn điều trị, thời gian tiếp xúc của bác sĩ đối với người bệnh không nhiều. Hầu hết thời gian còn lại, điều dưỡng là người thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc và phục vụ người bệnh. Muốn người bệnh mau khỏi bệnh, không phải chỉ cần dùng thuốc đúng mà còn phải đáp ứng tất cả những nhu cầu cơ bản của họ như hô hấp, ăn uống, bài tiết, vận động, duy trì thân nhiệt, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, ngủ và nghỉ, an toàn, giao tiếp… Những bệnh nhi nặng, hôn mê, càng cần sự chăm sóc, theo dõi đặc biệt. Vì thế, chỉ khi có kiến thức, người điều dưỡng mới có khả năng tự chủ kế hoạch và phối hợp với bác sĩ để thực hiện chăm sóc người bệnh toàn diện. Cũng chính điều dưỡng là người phát hiện những dấu hiệu bất thường của bệnh nhi để báo cáo với bác sĩ, giúp phát hiện và xử lý kịp thời những tai biến xảy ra.
15 năm trực tiếp chăm sóc bệnh nhi, hơn ai hết, chị Huyền thấu hiểu nỗi vất vả của các điều dưỡng khi hàng ngày phải vừa giải quyết công việc hành chính, vừa chăm sóc bệnh nhân. Từ đó, chị đã đưa ra những sáng kiến để giảm bớt áp lực công việc cho điều dưỡng. Đồng nghiệp đều có chung nhận xét, chị Huyền là người năng nổ, giỏi nghề, yêu nghề và có nhiều sáng kiến phục vụ rất tốt cho công tác chuyên môn của khoa. “Huyền vững về chuyên môn, là một trong ba điều dưỡng được đào tạo liên tục để phục vụ cho sự phát triển của ngành điều dưỡng trong tỉnh” - bác sĩ Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng khoa Nhi, đánh giá.
Chị Huyền chia sẻ: “Tôi vẫn động viên mình và đồng nghiệp rằng “Gái có công, chồng không phụ”, mọi người cứ làm việc hết sức mình, rồi may mắn sẽ đến hoặc sẽ được người khác giúp đỡ”.
|