Tràn lan thực phẩm bẩn, thực phẩm nguy hại:
Chế tài chưa đủ mạnh
9:28', 2/5/ 2012 (GMT+7)

Những hộp cơm này tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại về mất ATVSTP.

Cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện nhiều vụ vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ có tình trạng chế biến, kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc mà việc sử dụng các hóa chất cấm nguy hại, phụ gia thực phẩm độc hại trong thực phẩm cũng diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Trong khi đó, việc xử lý những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định an toàn thực thực phẩm vẫn chưa thực sự đủ sức răn đe…

* Bẩn kinh hoàng

Giữa cái nóng trưa hè oi bức của Hà Nội, tại cơ sở chuyên cung cấp cơm hộp văn phòng có tên “Cơm nhà” nằm sâu trong khu Trung Hòa - Nhân Chính tấp nập nhân viên đưa hàng. Có vẻ đây là cơ sở làm ăn phát đạt, nhưng nếu được chứng kiến cách bảo quản và chế biến thực phẩm của “Cơm nhà” thì ai cũng phải rùng mình.

Một cái bàn gỗ cáu bẩn bên trên bày hơn chục loại món ăn, nóng có, nguội có nhưng không hề che đậy để mặc cho ruồi bu. Gần đó là khu bếp với 3 bếp than to đùng, bụi bặm, phía dưới lênh láng nước thải và rác rưởi được dùng làm nơi chế biến thực phẩm. Cơm, canh, thức ăn thừa đổ lênh láng trên nền nhà. Một cống thoát nước chạy dọc theo khu vực bếp bốc mùi hôi nồng nặc. Vài cái rổ đựng rau và những tảng thịt rán vàng kê lên hòn gạch để ngay cạnh cống.

Cạnh đó là hai nhân viên mồ hôi nhễ nhại, quần đùi, áo cộc, tay trần, một người xúc vào hộp, một người xếp thức ăn. Tất cả quy trình chế biến đều rất thủ công và mất vệ sinh. Đáng lo ngại hơn, phần lớn nguồn thực phẩm để chế biến thành những hộp “Cơm nhà” đều được cơ sở này ký hợp đồng với một số đầu mối cung cấp nên vài tuần mới phải nhập thực phẩm một lần.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương. Đánh giá mới đây của Bộ Y tế về việc sản xuất kinh doanh thực phẩm ở nước ta hiện nay hầu như đều ở quy mô nhỏ lẻ, nên có tới 50% cơ sở chưa tuân thủ các quy định về bảo đảm ATVSTP.

Mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn chỉ rõ, ý thức lẫn sự hiểu biết của người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm còn thấp, nhất là trong việc sử dụng phụ gia thực phẩm. Vì thế việc sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định xảy ra hầu hết ở các địa phương với vi phạm chủ yếu là sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép (chiếm từ 50%-87%) hoặc với hàm lượng vượt quá mức giới hạn (chiếm từ 22%-93%).

* Cần xử nghiêm

Rõ ràng, tình trạng mất ATVSTP cũng như việc sử dụng tràn lan các loại phụ gia, hóa chất bị cấm trong chế biến thực phẩm, cũng như trong chăn nuôi đang khiến cho sức khỏe người tiêu dùng bị đe dọa, gây bất an cho xã hội.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ môi trường (C49), Bộ Công an chỉ rõ, tình hình về tội phạm vi phạm ATVSTP ngày càng diễn biến phức tạp. Các vụ vi phạm ATVSTP là rất nghiêm trọng và vô cùng nguy hiểm. Cảnh sát môi trường đã từng phát hiện bắt những vụ bỏ hàn the vào giò chả với khối lượng lên đến 8 tấn, hay như có cơ sở sản xuất bánh phở vi phạm bỏ formaldehyde vào bánh phở, với mỗi tuần tiêu thụ… một can 5 lít hóa chất formaldehyde.

Trong khi đó, qua khảo sát của các cơ quan chức năng trong vòng 3 năm qua, đã ghi nhận tại khu vực phía Bắc trong tổng số 81 mẫu ớt bột được kiểm tra, phát hiện có từ 50%-80% mẫu có chứa hóa chất Rhodamnine B với hàm lượng từ 20,2 - 110,2mg/kg, 11/31 mẫu thực phẩm xúc xích, dăm bông có chứa nitrit.

Còn tại khu vực phía Nam, 298/437 mẫu thực phẩm dương tính với hàn the là chất không có trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng. Số mẫu này tập trung cao trong nhóm mì sợi tươi, thực phẩm chay. Hàng chục mẫu bún, bánh phở dương tính với formaldehyde.

Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn cả là hiện nay các quy định về việc xử lý vi phạm về ATVSTP vẫn chưa thực sự đủ mạnh để răn đe. Theo Đại tá Trần Trọng Bình, nhiều năm nay không có vụ việc vi phạm ATVSTP nào bị xử lý hình sự. Bởi theo luật định, để khởi tố hình sự đối với hành vi sử dụng các chất độc hại trong thực phẩm thì hành vi này phải gây hậu quả nghiêm trọng, tức phải có người chết hoặc ngộ độc hàng loạt lên đến hàng trăm người. Trong khi đó, những chất tồn dư trong thực phẩm không làm chết người ngay hay gây ngộ độc ngay mà gây tác hại lâu dài, cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe con người và có sức ảnh hưởng rộng.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần sớm ban hành thông tư danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm, đồng thời định lượng hàm lượng, mức độ độc hại của các chất, để cơ quan công an có cơ sở xử lý hình sự, nhanh chóng khởi tố những vụ vi phạm về ATVSTP vào tội “kinh doanh chất cấm, buôn bán hàng cấm”, góp phần răn đe đối với loại tội phạm đang diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp.

Hàng rong không cần chứng nhận an toàn thực phẩm

Chính phủ vừa ban hành nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh độc lập sẽ được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, một số trường hợp cụ thể như bán hàng rong, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ... không thuộc diện đối tượng được cấp giấy chứng nhận.

Liên quan đến vấn đề tranh cãi lâu nay về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, nghị định nêu rõ: Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, quy định mới cũng chỉ rõ từng lĩnh vực trong phạm vi an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương. Để hạn chế tới mức thấp nhất việc “1 mâm cơm, 3 bộ quản lý”, Chính phủ yêu cầu: “Nếu có phát sinh vấn đề giao thoa, không thể phân định rõ, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với 2 bộ còn lại xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể”.

. Theo SGGP, NLĐO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗ lực thu hút nguồn tài trợ  (01/05/2012)
Đã khắc phục xong hậu quả lốc xoáy  (01/05/2012)
Hơn 20 tỉ đồng hỗ trợ các hoạt động y tế  (01/05/2012)
Thành lập Nhóm tư vấn cộng đồng Dự án VLAP  (01/05/2012)
Hợp tác, liên kết phát triển về công nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa, thông tin  (01/05/2012)
Ông Phạm Quang Nghị thăm và làm việc tại Bình Định  (01/05/2012)
Xây tặng trường mầm non ở Phù Mỹ  (01/05/2012)
Triệu tập kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII  (01/05/2012)
Gặp mặt những người lính giải phóng Quy Nhơn  (29/04/2012)
“Bệnh nhi như… con của mình”  (29/04/2012)
Gặp những công nhân, lao động tiêu biểu  (29/04/2012)
Chuyến về nguồn nhiều ý nghĩa  (29/04/2012)
Hơn 2,78 tỉ đồng ứng dụng, phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước  (29/04/2012)
Sôi nổi các trò chơi dành cho công nhân  (29/04/2012)
Lãnh đạo tỉnh thăm các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh và gia đình chính sách  (28/04/2012)