Theo kết quả nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ địa chất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 như trượt lở đất, nứt sụt đất, lũ quét.
Chiều 7.5, Giáo sư Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý địa cầu đã công bố kết quả nghiên cứu hiểm họa tai biến địa chất tại công trình thủy điện Sông Tranh 2, trong hội thảo phát triển thủy điện bền vững diễn ra ở Quảng Nam.
|
GS Cao Đình Triều, chuyên gia Viện Vật lý Địa Cầu trình bày kết quả nghiên cứu tai biến địa chất ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 chiều 7.5. |
Thống kê của Viện Vật lý Địa cầu, từ cuối năm 2010 đến nay, mạng lưới trạm quan trắc tại Huế và Bình Định đã ghi nhận 10 trận động đất kích thích xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Giáo sư Triều cho rằng, động đất chỉ xuất hiện sau khi thủy điện tích nước.
Theo đó, động đất ở khu vực Sông Tranh 2 là loại động đất kích thích phản ứng nhanh ở độ sâu chấn tiêu nông (dưới 10 km). Khu vực này có thể xảy ra động đất mạnh nhất đạt xấp xỉ 5,5 đến 6,1 độ Ritcher. Theo Giáo sư Triều, nếu một trận động đất mạnh xảy ra trong lòng hồ thì nguy cơ tạo nên cột sóng lớn tác động trực tiếp vào thân đập rất nguy hiểm.
"Động đất kích thích diễn ra thường xuyên có thể gây biến đổi môi trường của đới đứt gãy đã có trước, làm tăng nguy cơ hoạt động của các tai biến địa chất khác như trượt lở đất, nứt sụt đất, lũ quét", Giáo sư Triều nói.
Điểm sụt lún, sạt đất ở vai trái đập thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Trí Tín.Giáo sư Triều kiến nghị lập ngay mạng trạm địa chấn cố định xung quanh khu vực hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 để có thể theo dõi được các trận động đất từ 1 độ Ritcher trở lên. Hạn chế tối đa sự biến động nhanh của mực nước hồ. Xây dựng hệ thống theo dõi, cảnh báo và nâng cao nhận thức cộng đồng để kịp thời ứng phó với các tai biến địa chất xảy ra.
'Không xử lý dứt điểm, con cháu gánh hậu quả'
Sự cố rò nước đập thủy điện Sông Tranh 2 được nhiều chuyên gia khoa học đánh giá là bài học cần rút kinh nghiệm của xu hướng phát triển ồ ạt đập thủy điện, trong khi thiếu các quy chuẩn xây dựng, môi trường đập.
|
Điểm sụt lún, sạt đất ở vai trái đập thủy điện Sông Tranh 2. |
Sáng 7.5, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo "Phát triển thủy điện bền vững - các bài học và khuyến nghị". Các chuyên gia thuộc nhiều cơ quan đầu ngành như: Mạng lưới sông ngòi, Viện Vật lý Địa cầu, Hội thủy lợi Việt Nam, Hiệp hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam... đã mổ xẻ nhiều vấn đề về thủy điện sau khi xảy ra sự cố rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Chiều 6/5, các chuyên gia độc lập đã thị sát công trình đập thủy điện Sông Tranh 2, tuy nhiên phía chủ đầu tư không cho thành viên nào của đoàn công tác mang theo máy ảnh vào bên trong hầm. Trong hội thảo sáng nay, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 cũng không cử cán bộ đến dự.
Sau khi đi kiểm tra, nhiều chuyên gia lo ngại, lượng nước thẩm thấu qua đập mới chỉ được thu gom sơ sài, nước vẫn còn chảy tràn lan khắp nơi trong hầm thủy điện. Hiện Ban quản lý dự án thủy điện 3 vẫn trong giai đoạn chờ đợi lựa chọn nhà thầu để xử lý sự cố rò rỉ nước cho đập.
GS-TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, cả nước đã triển khai xây dựng gần 1.000 thủy điện lớn nhỏ, nhưng hiện nay quy chuẩn quốc gia về thủy điện mới chỉ dừng lại giai đoạn soạn thảo. Tiêu chuẩn xây dựng về đất, đá, bê tông... chưa có cho công nghệ đập bê tông đầm lăn; tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam về an toàn hồ chứa cũng chưa được ban hành.
Lấy thủy điện Sông Tranh 2 làm ví dụ, GS Hồng đề xuất chủ đầu tư cần nghiêm túc đánh giá lại sự ổn định của đập, nhất là phía vai đập; xây dựng quy trình tích nước, xả lũ công trình. Chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, phòng ngừa thảm họa trong tình huống sự cố vỡ đập xảy ra.
"Nếu không xử lý dứt điểm sự cố rò rỉ ở đập Sông Tranh 2 thì tuổi thọ công trình bị rút ngắn, đập có thể không vỡ ngay bây giờ nhưng vài chục năm sau thế hệ con, cháu dễ gánh lấy hậu quả khó lường", GS Hồng nói.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn Khoa học công nghệ và Quản lý TP HCM nhấn mạnh, để khắc phục sự cố rò rỉ ở đập thủy điện Sông Tranh 2, trước hết cần dùng máy thăm dò địa chấn thăm dò kết cấu của thân đập và nền đập; xây dựng bản đồ chính xác về tình trạng thân đập để xác định các block có đủ trọng lượng thiết kế hay không. Máy dò địa chấn cũng sẽ xác định chính xác kích thước các tầng đất đá của nền đập để có thể đánh giá lại tính ổn định của nền đập thì giải pháp khôi phục mới khả thi.
Từ "bài học Sông Tranh 2", các chuyên gia lo ngại về tác động xấu đến môi trường của việc phát triển thủy điện tràn lan. Mất rừng phòng hộ đầu nguồn, thiếu đất sản xuất, ô nhiễm nguồn nước, gây xáo trộn lớn cuộc sống người dân vùng tái định cư là những hệ lụy buồn từ việc phát triển thủy điện với mật độ dày đặc.
Tiến sĩ Đào Trọng Hưng, thành viên Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam đánh giá, "những tiêu cực của thủy điện" chính là mất rừng, ảnh hưởng đến khu bảo tồn đa dạng sinh học, mất đất sản xuất do xói mòn, bồi lắng lòng hồ, thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, gây địa chấn động đất, ô nhiễm nguồn nước.
|
Đập chính thủy điện Sông Tranh 2 - nơi xảy ra sự cố rò rỉ nước gây hoang mang, lo lắng cho chính quyền địa phương cùng hàng vạn người dân Quảng Nam trong nhiều tháng qua. |
Có đến 119 thủy điện liên quan trực tiếp đến 47 khu rừng đa dạng sinh học, theo tiến sĩ Hưng. Đặc biệt vườn rừng quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt lại có nhiều dự án thủy điện ở khu vực đầu nguồn. Cụ thể như Vườn Quốc gia Cát Tiên đến 6 dự án, Hoàng Liên 5 dự án, khu bảo tồn Sông Tranh 7 dự án, khu du lịch Sa Pa (5 dự án)...
"Có không ít dự án phá rừng mang tên thủy điện, nhất là các thủy điện vừa và nhỏ nhưng xâm chiếm diện tích rừng khá lớn. Cuộc sống của người dân vùng tái định cư thủy điện rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu đất sản xuất, thiếu thốn lương thực. Mùa khô hạn thì vùng hạ du nhiễm mặn, mùa lũ thì ngập nặng, thiệt hại lớn về người và tài sản do thủy điện xả lũ", tiến sĩ Hưng nhìn nhận.
Việt Nam hiện có 2.360 con sông có độ dài hơn 10 km, có 9 hệ thống sông lưu vực rộng hơn 10.000 km2. Theo sơ đồ quy hoạch, nếu như năm 2009 tổng công suất thủy điện trong nước là 9.200 MW thì đến năm 2020 tăng lên 17.400 MW, chiếm hơn 23% trên tồng các nguồn điện năng quốc gia. Kết quả nghiên cứu của Tổ chức con người và thiên nhiên cho thấy: Trung bình 1 MW công trình thủy điện mất đến 16 ha rừng.
Các chuyên gia lo ngại, việc xây dựng công trình thủy điện tràn lan đã gây ra tình trạng hàng loạt "dòng sông chết", ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Hơn 90% công trình thủy điện trong cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ du vào mùa khô hạn. Chỉ tính riêng tỉnh Quảng Nam, vào mùa mưa lũ năm 2009 và 2011, công trình thủy điện A Vương và Sông Tranh 2 đã xả lũ không theo quy trình gây lũ lớn, thiệt hại nặng về người và tài sản.
Hiện tại, mặc dù mới đầu mùa khô hạn nhưng thủy điện Đăk Mi 4 Quảng Nam không chịu xả nước về dòng Vu Gia khiến gần một triệu người dân TP Đà Nẵng khốn khổ vì nguồn nước bị nhiễm mặn. Theo quy định, trung bình mỗi ngày thủy điện Đăk Mi 4 phải xả 25 m3 một giây, thế nhưng hiện tại đơn vị quản lý khư khư giữ nước để phát điện chứ không chịu xả về vùng hạ lưu.
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, đại diện Mạng lưới sông ngòi Việt Nam khẳng định: "Các công trình thủy điện đang tác động tiêu cực lớn đến môi trường, sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân, an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực".
Tiến sĩ Tứ kiến nghị, kế hoạch phát triển thủy điện cần đưa ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế phát triển tràn lan - giảm thiểu tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái các dòng sông, văn hóa cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau. Khi thiết kế và thi công thủy điện cần xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khi xác định cấp công trình, tính toán kỹ thuật công trình, duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn. Cần có kịch bản liên quan đến sự cố vỡ đập và các phương án phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng trong phạm vi ảnh hưởng của đập. Thông tin về phát triển thủy điện, an toàn đập và các vấn đề liên quan cần minh bạch và công khai rộng rãi đến các cơ quan chức năng cùng người dân.
. Theo VnE |