Báo động ô nhiễm môi trường ở các làng biển
18:47', 8/5/ 2012 (GMT+7)

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng biển tỉnh ta đã đến mức báo động. Các hoạt động thu gom rác thải, dọn vệ sinh được triển khai ở nhiều nơi; tuy nhiên, để các làng biển sạch đẹp, quan trọng nhất là người dân phải có ý thức bảo vệ môi trường…

Bờ biển thành bãi rác

Không ít bờ biển và khu vực lân cận ở tỉnh ta đã trở thành những bãi rác bất đắc dĩ, chứa tất cả những thứ con người thải ra. Bãi biển Trung Lương (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) nổi tiếng là một cảnh đẹp hoang sơ, quyến rũ. Thế nhưng, một lần đến nơi này, tôi không thôi ám ảnh về những đống rác to tướng nằm cạnh các bụi dứa dại, cách không xa những gành đá và mặt biển xanh. Không chỉ thế, bãi biển còn là nhà vệ sinh công cộng của người dân sống gần đó.

 

Đoàn viên - thanh niên tham gia dọn vệ sinh ở làng biển Hải Minh (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường ở các làng biển là thói quen sinh hoạt của ngư dân. Bãi trước của biển Mỹ An (huyện Phù Mỹ) là nơi ghe thuyền của ngư dân cập bến, đồng thời là nơi họp chợ. Tan mỗi phiên chợ, rác thải bị người dân vứt tràn lan trên bãi cát hoặc dồn hết xuống biển. Rác thải sinh hoạt ở đây phần lớn cũng đều được xử lý bằng cách “tống” xuống biển.

Trong khi đó, bãi sau của biển Mỹ An lại bị ô nhiễm nặng bởi nước thải từ những lò chế biến cá cơm và những hồ nuôi tôm. Nước thải từ các lò hấp cá được đổ thẳng ra mặt cát, lưu cữu lâu ngày, bốc mùi hôi thối. Tình trạng này cũng đã từng xảy ra ở bãi biển Thiện Chánh (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn). Trước những bức xúc kéo dài của người dân, chính quyền phải di dời các lò hấp cá cơm.

Bên cạnh đó, ở xã Tam Quan Bắc, chất thải từ các hoạt động dịch vụ nghề cá còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho sông Thiện Chánh. Nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã không chú trọng đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên nước thải cứ xả thẳng ra cửa biển. Nước sông Thiện Chánh “hứng” nước thải lâu ngày, cứ nhờ nhờ đục, nhiều đoạn bốc mùi tanh tưởi. Dưới chân cầu Thiện Chánh, rác thải theo sóng tấp vào đầy bờ. Chất thải của thuyền đánh cá khi sửa chữa cũng đổ xuống sông, làm nhiều bãi cát đen ngòm. 

Sạch từ… ý thức

Làng biển Hải Minh (khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) từng là điểm đen ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài. Trong 6 tổ dân cư của Hải Minh, tổ 50 được coi là nơi ô nhiễm rác nặng. Con đường từ khu dân cư lên tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo luôn đầy rác. Khu vực bến thuyền là nơi thấp trũng nên rác ứ đọng rất nhiều. Lúc cao điểm, bến thuyền như một bãi rác khổng lồ, mùi hôi bốc lên nồng nặc.

Hoạt động thu gom, xử lý rác thải ở Hải Minh bắt đầu thực hiện từ năm 2011, đánh dấu sự thay đổi đáng kể của bộ mặt làng biển này. Ông Mai Văn Xịn, Khu vực trưởng khu vực 9, cho biết: “Mỗi tháng, người dân Hải Minh thải ra 7-8 tạ rác, lượng rác thu gom đạt trên 80%. Từ đó, bến thuyền và khu vực dân cư sạch hẳn lên”. Tuy nhiên, một số hộ dân sống ở khu vực núi vẫn đem rác lên núi đổ. Đoàn viên - thanh niên địa phương phải thường xuyên tổ chức quét dọn nhưng vẫn không xuể.

Tại xã bán đảo Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), hoạt động thu gom, xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn do địa hình trắc trở. Trước thời điểm rác thải được thu gom (năm 2009), Nhơn Hải chưa bao giờ có một bãi biển sạch đẹp. Mỗi tháng, người dân Nhơn Hải thải ra gần 104 tấn rác thải. Nếu hoạt động thu gom không tiến hành kịp thời và trơn tru, lượng rác thải tồn đọng sẽ làm ô nhiễm nặng làng biển đất chật người đông này. Hiện nay, tổ thu gom rác thải gồm 7 người đã thu gom được gần 90% lượng rác thải của Nhơn Hải.

“Điều đáng ghi nhận là ý thức của người dân trong việc tự giác để rác đúng nơi quy định đã được cải thiện. Hoạt động bảo vệ môi trường còn thu hút sự tham gia tích cực của các đoàn thể địa phương”- ông Ngô Đức Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, chia sẻ.

Thực tế cho thấy, tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường do các đoàn thể (trong đó nòng cốt là tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đảm nhận chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Tổ chức thu gom bài bản, xử lý rác thải hợp vệ sinh, với sự tham gia của cơ quan chức năng về môi trường mới là giải pháp căn cơ. Với các địa phương chưa có điều kiện tập kết rác đến các điểm tập trung, phương án chôn rác tại chỗ là cần thiết. Dĩ nhiên, tất cả các giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường ở các làng biển sẽ không mang lại hiệu quả nếu người dân vẫn tùy ý vô tư vứt, xả rác!     

  • MAI LÂM
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
84 tỉ đồng để miễn, giảm và hỗ trợ học phí   (08/05/2012)
Thành lập thêm 2 đảng bộ trực thuộc  (08/05/2012)
'Thủy điện Sông Tranh dễ trượt sụt lở đất, lũ quét'  (08/05/2012)
Đã chuẩn bị chu đáo cho Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ  (07/05/2012)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy tiếp xúc cử tri tại Hoài Ân  (07/05/2012)
Cần triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân  (07/05/2012)
Ký Quy chế phối hợp công tác  (07/05/2012)
Tọa đàm về chức danh công chức cấp xã  (07/05/2012)
Bổ nhiệm ông Hồ Việt Mỹ kiêm nhiệm Giám đốc BVĐK tỉnh  (07/05/2012)
Ngư dân Nhơn Lý trúng đậm cá lồ ồ và cá chù  (07/05/2012)
Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 - Nhiều trường “xé rào”  (07/05/2012)
Sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ  (06/05/2012)
Lao động đến tìm việc làm thưa thớt  (06/05/2012)
Chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tốt nghiệp THCS  (06/05/2012)
Cả nước tưng bừng Đại lễ Phật Đản  (06/05/2012)