Thời tiết nắng nóng:
Tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm
20:40', 9/5/ 2012 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí cao cộng với điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) kém là điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Họa... từ miếng ăn

Thông tin từ Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), trong tháng 4, cả nước có 10 vụ ngộ độc thực phẩm với 972 nạn nhân, 726 người nhập viện và 4 trường hợp tử vong. Trong 4 tháng đầu năm, cả nước đã có 26 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.332 người mắc, 980 người đi viện và 7 trường hợp tử vong.

Tại Bình Định, nắng nóng kéo dài khiến nhiều bệnh viện quá tải bệnh nhân. Bên cạnh các bệnh thường gặp trong mùa hè như tim mạch, viêm phổi, viêm não… các bệnh về đường tiêu hóa cũng tăng cao.

 

Tình trạng thực phẩm mất vệ sinh, dễ gây ngộ độc vẫn luôn hiện hữu.

- Trong ảnh: Kiểm tra tại một quán ăn, giải khát ở phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn).

Từ tháng 4 đến nay, khoa Nhi, BVĐK tỉnh mỗi ngày tiếp nhận 120 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có 20-30 trẻ mắc bệnh tiêu chảy và lỵ. Đến chiều ngày 8.5, khoa vẫn còn 18 bệnh nhi bị tiêu chảy và lỵ. Trước đó, ngày 7.5 có 28 bệnh nhân, ngày 6.5 có 27 bệnh nhân và ngày 5.5 là 23 bệnh nhân…

Theo nhận định của bác sĩ Phạm Văn Dũng, Phó trưởng khoa Nhi, ngoài nguyên nhân do siêu vi gây ra thì không ít trẻ nhập viện do ăn phải thức ăn ôi thiu hoặc thức ăn không đảm bảo vệ sinh. Các bệnh về đường tiêu hóa đặc biệt rất dễ xảy ra với trẻ có sức đề kháng kém.

Ngồi bên đứa con trai hơn 5 tuổi nước da xanh vì mất nước sau 2 ngày bị tiêu chảy, chị T.T.T.H (ở TP Quy Nhơn), cho biết: “Vợ chồng tôi bận đi làm công nhân ở Khu công nghiệp Phú Tài nên để cháu ở nhà chơi với bà nội. Sáng hôm đó thằng bé được bà mua bún về ăn, rồi sau đó uống sữa. Chẳng biết cháu bị ngộ độc thứ gì mà đến cuối giờ chiều bắt đầu có sốt, đi ngoài và nôn liên tục. Dù đã được bác sĩ khám và cho thuốc, nhưng bệnh vẫn chưa giảm”.

Tình trạng trẻ bị tiêu chảy do ăn uống không đảm bảo vệ sinh bị nhiễm độc tố, nhiễm khuẩn… khá nhiều. Bác sĩ Dũng khuyến cáo người chăm sóc trẻ cần biết cách lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn; ăn chín, uống sôi; tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi, thiu, mốc hỏng; vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh…

Nguy cơ ngộ độc

Tính đến cuối năm 2011, Quy Nhơn có 2.442 cơ sở thực phẩm, trong đó tỉnh quản lý 141 cơ sở, thành phố quản lý 615 cơ sở và phường, xã quản lý 1.868 cơ sở. Bác sĩ Đào Đô My, Trưởng phòng Y tế TP Quy Nhơn, cho biết: “Nhân lực làm công tác VSATTP rất mỏng, thành phố chỉ có một cán bộ chuyên trách, còn xã, phường đều là kiêm nhiệm nên rất khó quản lý những cơ sở nhỏ lẻ. Mỗi năm thành phố tổ chức 4-5 đợt kiểm tra, nhưng không thấm vào đâu”.

Dù không có ca ngộ độc nặng, hay ngộ độc tập thể nhiều người mắc như vụ ngộ độc rượu xảy ra ở xã Ân Tín, huyện Hoài Ân trong tháng 1 vừa qua. Tuy nhiên, đáng lo ngại là hiện nay nhiều dịch vụ ăn uống, giải khát quy mô nhỏ được mở ra để phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng, kết quả kiểm tra chuyên ngành của cơ quan y tế cho thấy, nhiều chủ cơ sở chế biến và kinh doanh không biết chút gì về VSATTP.

Nhằm ngăn ngừa những vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, đặc biệt trong mùa hè này, Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các bộ phận liên quan và y tế địa phương ráo riết kiểm tra các cơ sở thực phẩm có nhiều nguy cơ. Bác sĩ Trần Thị Ánh Hồng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, cho biết đã tăng cường thanh tra, kiểm tra và tuyên truyền cho người tiêu dùng thực phẩm nâng cao nhận thức về các mầm bệnh dễ phát triển vào mùa hè. Từ đầu tháng 5, Chi cục tổ chức đợt kiểm tra VSATTP chuyên ngành ở các cơ sở nhà hàng, khách sạn…

Trong tháng 5, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn và Phòng Y tế thành phố cũng đã ra quân tập trung kiểm tra các cơ sở nước giải khát và quán ăn. Kiểm tra cho thấy, nhiều cơ sở chế biến, buôn bán thực phẩm ăn uống không có kiến thức về VSATTP. Một số ít chủ cơ sở quán ăn, giải khát đã được tập huấn kiến thức VSATTP nhưng vẫn vi phạm.

Ngày 8.5, kiểm tra tại một cơ sở ăn uống đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP ở phường Trần Quang Diệu, thì phát hiện tình trạng không lưu mẫu thực phẩm các món cơm. Trong khi đó, một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô khá lớn ở phường Bùi Thị Xuân thì chủ cơ sở không có bất kỳ một giấy tờ gì, hay tham gia lớp tập huấn kiến thức VSATTP. Ngoài ra, các cơ sở này còn rất nhiều vi phạm khác, như: nguyên liệu chế biến thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; ly, chén không đảm bảo; bàn chế biến nằm cạnh nhà vệ sinh…

  • HIỀN LÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao 40 suất quà cho con em công nhân lao động khó khăn  (09/05/2012)
Triển khai chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (09/05/2012)
Năm 2015, tất cả trường đại học đào tạo theo học chế tín chỉ  (09/05/2012)
Điểm đen và vạch trắng  (08/05/2012)
Báo động ô nhiễm môi trường ở các làng biển  (08/05/2012)
84 tỉ đồng để miễn, giảm và hỗ trợ học phí   (08/05/2012)
Thành lập thêm 2 đảng bộ trực thuộc  (08/05/2012)
'Thủy điện Sông Tranh dễ trượt sụt lở đất, lũ quét'  (08/05/2012)
Đã chuẩn bị chu đáo cho Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ  (07/05/2012)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thụy tiếp xúc cử tri tại Hoài Ân  (07/05/2012)
Cần triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm tính mạng, tài sản cho nhân dân  (07/05/2012)
Ký Quy chế phối hợp công tác  (07/05/2012)
Tọa đàm về chức danh công chức cấp xã  (07/05/2012)
Bổ nhiệm ông Hồ Việt Mỹ kiêm nhiệm Giám đốc BVĐK tỉnh  (07/05/2012)
Ngư dân Nhơn Lý trúng đậm cá lồ ồ và cá chù  (07/05/2012)