Sau hơn 3 năm triển khai Chỉ thị 33 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”, Đoàn Luật sư tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo chuyển biến tích cực; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; bảo vệ công lý, pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ngày 30.3.2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW (Chỉ thị 33) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư nhằm nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và người dân về vị trí, vai trò của luật sư trong xã hội. Củng cố, kiện toàn tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp...
|
Sau hơn 3 năm triển khai Chỉ thị 33, Đoàn Luật sư tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
- Trong ảnh: Luật sư Võ Hồng Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh (áo trắng, bên trái) tham gia tranh tụng tại tòa. |
Tại tỉnh ta, để triển khai thực hiện Chỉ thị 33, tháng 7.2009, Chi bộ lâm thời của Đoàn Luật sư tỉnh được thành lập với 7 đảng viên. Đến tháng 4.2010, Chi bộ Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ nhất và bầu cấp ủy mới.
Đặc biệt, từ sau Đại hội Đoàn Luật sư nhiệm kỳ 2009 - 2014, Đoàn Luật sư tỉnh đã đi vào hoạt động nề nếp, thực hiện tốt hơn cơ chế tự quản kết hợp với quản lý Nhà nước đối với hoạt động các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư trên địa bàn tỉnh. Đoàn Luật sư tỉnh thường xuyên cử luật sư thành viên đi tập huấn kỹ năng hành nghề luật sư, kỹ năng tư vấn, tranh tụng... do Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
Năm 1989, Đoàn Luật sư tỉnh chính thức được thành lập theo Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 22.9.1989 của UBND tỉnh với 7 luật sư tham gia; đến nay, Đoàn có 41 luật sư, trong đó có 8 tập sự hành nghề luật sư; 19 văn phòng luật sư và 2 công ty luật; hiện toàn Đoàn có 13 luật sư là đảng viên. |
Hàng năm, lãnh đạo Đoàn đều tổ chức giáo dục, bồi dưỡng chính trị, quán triệt đầy đủ nội dung, tinh thần của Chỉ thị 33 và phát động “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho toàn thể luật sư. Qua đó, giúp đội ngũ luật sư nâng cao đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và hạn chế các vi phạm đạo đức trong hành nghề.
Ông Trần Công Lập, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho biết: “Những năm qua, nhất là sau khi có Chỉ thị số 33 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chi bộ Đoàn Luật sư tỉnh đã triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho đảng viên và quần chúng ngoài Đảng. Nhờ đó, phần lớn luật sư đều vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp; từng bước nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp khi tham gia hoạt động hành nghề”.
Theo thống kê của Đoàn Luật sư tỉnh, từ khi thành lập đến nay, Đoàn đã tham gia hàng chục nghìn vụ việc (trung bình mỗi năm tham gia từ 500 - 700 vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động...) để bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho cá nhân, tổ chức theo yêu cầu của đương sự, cơ quan tiến hành tố tụng; góp phần bảo vệ pháp lý, hạn chế oan sai trong các vụ án theo hướng cải cách tư pháp.
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam mới đây về tình hình triển khai Chỉ thị 33, đồng chí Lê Hữu Lộc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn: Trong thời gian tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nên tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, truyền đạt kinh nghiệm cho đội ngũ luật sư trên địa bàn tỉnh... để tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nhiều hơn nữa đối với công tác thực thi pháp luật. |
Tính riêng trong năm 2011, các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đã tham gia 573 vụ, việc hình sự, dân sự, hành chính...; doanh thu đạt gần 800 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 70 triệu đồng.
Ngoài ra, Đoàn Luật sư tỉnh có 20 luật sư thành viên là cộng tác viên của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh; thường xuyên cùng Trung tâm tham gia TGPL, tư vấn pháp luật cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong năm 2011, luật sư là cộng tác viên của Trung tâm TGPL tham gia trợ giúp lưu động 6 đợt, thực hiện tư vấn 35 vụ, việc; tham gia tố tụng 178 vụ án hình sự và dân sự.
Theo ông Trần Công Lập: “Thời gian tới, Đoàn Luật sư tỉnh tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của Chi bộ đối với công tác tổ chức và quản lý hoạt động luật sư. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên, quần chúng giữ vững bản lĩnh chính trị; tuân thủ pháp luật khi hành nghề, lấy quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư làm nền tảng cơ bản trong mọi hoạt động của luật sư nhằm đáp ứng nhu cầu dịch vụ pháp lý ngày càng đa dạng; nâng cao chất lượng dịch vụ để bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”.
|