Ngày 14.5, thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết, đầu tháng 5 đến nay đã bị đứt nguồn hàng kháng huyết thanh chống dại để tiêm cho bệnh nhân. Theo kết quả đấu thầu thuốc và vắc-xin quý II.2012 đến quý I.2013 thì huyết thanh kháng dại được sử dụng tại Bình Định là FAVIRAB (Pháp).
Theo thạc sĩ Lân, bên cạnh sử dụng vắc-xin chống dại, một số trường hợp cần kết hợp với huyết thanh như khi cắn người, súc vật đã có biểu hiện dại; vết cắn ở đầu, cổ, bàn tay, bàn chân, cơ quan sinh dục (vì những nơi này có nhiều tổ chức thần kinh); vết cắn sâu; vết cắn nhiều chỗ... để tăng hiệu quả tiêm vắc-xin dại. Trong trường hợp bị súc vật cắn nặng, vết cắn gần thần kinh trung ương, thời gian ủ bệnh ngắn, huyết thanh kháng dại có tác dụng kéo dài thời gian ủ bệnh để có đủ thời gian sản sinh ra kháng thể chủ động do tiêm vắc-xin; dùng huyết thanh càng sớm càng có hiệu quả cao.
“Trung tâm sẽ làm tờ trình báo cáo Sở Y tế về việc cho phép mua bổ sung huyết thanh kháng dại do Việt Nam sản xuất để tiêm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc mua vắc-xin và huyết thanh đều phải qua kênh đấu thầu, nên cũng chưa thể nói chính xác thời gian nào là có thể mua được” - thạc sĩ Lân cho biết.
Theo các nhà chuyên môn, thời tiết nắng nóng số bệnh nhân dại có xu hướng tăng. Nhu cầu sử dụng huyết thanh kháng dại trong thời điểm này khá nhiều. Ít nhất mỗi ngày, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phải dùng trên dưới 10 lọ huyết thanh kháng dại, với liều dùng 25 kg cân nặng/lọ.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu chẳng may bị chó cắn, người bệnh nên rửa vết thương nhiều lần bằng xà phòng đặc, rửa lại nhiều lần bằng nước sạch rồi dùng cồn sát trùng vết thương. Ngay sau đó, người bệnh cần đi tiêm phòng vắc-xin, huyết thanh kháng dịch. Tuyệt đối không được xoa ớt, liếc dao lên vết thương hoặc uống các loại thuốc Nam khác.
Theo thống kê của ngành Y tế, nguồn truyền bệnh dại chủ yếu trên bệnh nhân là do chó. Triệu chứng của bệnh biểu hiện ở 2 thể: thể điên cuồng và thể bại liệt.
|