|
Ảnh minh họa |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định tình hình sử dụng chất cấm nhóm Beta-agonist trong chăn nuôi hiện nay đã tạm thời được kiểm soát, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại.
Để đánh giá đúng thực trạng của vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên phạm vi cả nước, kịp thời thông tin cho các cơ quan quản lý biết để có biện pháp quản lý và dư luận xã hội rõ để có hành vi ứng xử phù hợp, tránh những tác động xấu đến sản xuất ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khẩn trương yêu cầu các phòng thí nghiệm báo cáo nhanh kết quả nghiên cứu và phân tích chất cấm trong chăn nuôi trong các tháng đầu năm 2012.
Theo báo cáo của 9 phòng thí nghiệm được Bộ chỉ định, đã phát hiện 4,8% số mẫu thức ăn chăn nuôi cho kết quả dương tính với chất cấm, thuốc thú y là 11,1%, thịt, gan heo 4,4% và nước tiểu heo là 6,4%.
Cùng với đó, bộ đã yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát chất cấm trong phạm vi toàn ngành. Theo báo cáo mới nhất của một số địa phương đã kết thúc kiểm tra đợt 1 về chất cấm trong chăn nuôi, trừ khu vực Đồng Nai ở thời điểm tháng 3 năm 2012 có số mẫu phân tích dương tính khá cao, ở các địa phương khác, số lượng mẫu dương tính là không có hoặc rất ít.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định bộ đã xử lý nghiêm những vi phạm, công bố đầy đủ các thông tin có liên quan đến chất cấm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức đồng loạt các biện pháp kiểm soát.
Cùng với công tác thông tin tuyên truyền, các cơ quan chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo và phối hợp với các địa phương trực tiếp xử lý những vi phạm, tháo gỡ những khó khăn gây cản trở đến sản xuất chăn nuôi. Nhờ vậy tình hình tiêu thụ thịt heo đã được khôi phục, giá heo hơi tăng dần trở lại, cụ thể tại các tỉnh phía Bắc tăng từ 45.000 - 46.000 đồng/kg lên 49.000-50.000 đồng/kg; các tỉnh phía Nam từ 41.000 - 42.000 đồng/kg lên 44.000 - 45.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, bộ cũng cho rằng, việc sử dụng chất cấm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại do sản xuất chăn nuôi của nước ta phần lớn là các hộ nhỏ lẻ, ý thức chấp hành pháp luật và các quy trình quy phạm trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm chưa tốt và hệ thống quản lý còn nhiều bất cập.
Quản lý việc sản xuất kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là vấn đề phức tạp không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Để có thể kiểm soát tốt được vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, nhất là ở các địa phương, đồng thời phải kiểm soát ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến và cung ứng thực phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có báo cáo Thủ tướng đề nghị chỉ đạo các Bộ Công an, Công Thương, Y tế phối hợp với bộ và các địa phương tăng cường công tác kiểm tra giám sát tình hình kinh doanh, sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu từ nhập khẩu qua biên giới đến các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, cơ sở chăn nuôi, giết mổ và buôn bán, chế biến thực phẩm (trong đó có cả thực phẩm nhập khẩu).
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vừa qua là có thật, có nơi ở mức độ khá nghiêm trọng. Việc thông tin kịp thời là cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội và giúp các cơ quan chức năng tăng cường quản lý. Tuy nhiên một số thông tin thiếu chính xác, thổi phồng đã làm cho dư luận hoang mang, ảnh hưởng xấu tới thị trường thịt heo, thu nhập của người chăn nuôi.
Bộ cũng đề nghị các cơ quan, tổ chức khi nghiên cứu khảo sát và kiểm soát các chất cấm trong chăn nuôi chỉ công bố thông tin chính xác theo đúng thẩm quyền.
. Theo chinhphu.vn
|