Huyền thoại đường Trường Sơn
18:49', 18/5/ 2012 (GMT+7)

Hôm nay, 19.5, kỷ niệm 53 năm ngày mở đường Trường Sơn, con đường huyết mạch trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước nối liền hai miền Nam - Bắc; để miền Bắc chi viện cho miền Nam thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ.

Thực hiện Nghị quyết lần thứ 15 của Trung ương Đảng (khóa III) về chuyển hướng từ đấu tranh hòa bình sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước, ngày 19.5.1959, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đoàn 559, với nhiệm vụ được giao ban đầu là mở đường giao liên, mở đường vận tải quân sự chiến lược để chi viện sức người, sức của cho nhân dân miền Nam đánh Mỹ.

 
Đoàn nhà báo thuộc báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên tham quan di tích lịch sử quốc gia đường Hồ Chí Minh, viếng Đền thờ các anh hùng liệt sĩ đường 20-Quyết Thắng. Ảnh: N.S

Con đường được lấy tên là Trường Sơn - tên của dãy núi chạy dọc miền Trung Việt Nam, nơi hệ thống đường đi qua. Đường bắt đầu từ Vĩnh Linh - Quảng Trị và kết thúc ở Tà Thiết - Bình Phước. Trong 16 năm chống Mỹ, con đường được khai mở với tổng chiều dài gần 20.000 km (gấp 10 lần chiều dài đất nước Việt Nam), gồm 5 hệ thống trục dọc, 21 đường trục ngang và 3.100 km đường ngụy trang đặc biệt để xe đi ban ngày. Đã có 397 ngàn lượt máy bay các loại ném xuống 7,5 triệu trái bom Mỹ các loại xuống nơi này. Ấy vậy mà đường vẫn thông suốt ngày đêm. Trên con đường này, 2 triệu lượt người, hàng chục ngàn đoàn xe, hàng triệu tấn lương thực, súng đạn đã được liên tục chi viện cho chiến trường miền Nam, góp phần cực kỳ quan trọng cho thắng lợi của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Và sự mất mát cũng thật lớn: khoảng 20.000 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh, 21.000 người bị thương và 30.000 người bị di chứng chiến tranh.

Đầu tháng 5 này, tôi may mắn được đặt chân lên những cung đường thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đường 20 - Quyết Thắng (Quảng Bình) là một trong những tuyến đường của đường Trường Sơn năm xưa, được xây dựng vào năm 1966. Đây là con đường huyết mạch, phá thế độc đạo nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, xuất phát từ Xuân Sơn (Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đến ngã ba Lùm Bùm (Khăm Muộn - Lào) rồi thông với đường 9, dài 125km. Tên đường đã bao hàm trong đó tất cả những gì làm nên con đường lịch sử này. 20 là lứa tuổi của hầu hết bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân và dân công tham gia mở, xây dựng và bảo vệ con đường. Quyết Thắng là quyết tâm của những người mở đường nhằm đưa con đường hoàn thành sứ mệnh của mình là giành thế chủ động thắng lợi trên mặt trận giao thông - vận tải. Mỹ đã tập trung đánh phá cực kỳ khốc liệt con đường, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Nam đối với miền Bắc. Thế nhưng, hàng vạn cán bộ, bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc... đã lao động quên mình và chiến đấu kiên cường, vừa đánh địch, vừa xẻ núi, bạt đèo để mở đường, thông tuyến, chi viện kịp thời sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 - Quyết Thắng nằm ở km 16 trên đường 20 Quyết Thắng, ngay cạnh di tích Hang 8 thanh niên xung phong. Nơi đây ghi dấu sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ, thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó đáng nhớ nhất là sự kiện ngày 14.11.1972, 8 thanh niên xung phong gồm 4 nam, 4 nữ (tất cả đều quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã hy sinh do máy bay Mỹ ném bom làm lấp cửa hang đá.

Ngày ngày, người dân địa phương đi qua Đền vẫn ghé vào thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đường 20-Quyết Thắng nói riêng và đường Trường Sơn nói chung. Vào những dịp lễ, tết, ngày rằm, lượng khách thăm viếng Đền thờ lên đến cả ngàn lượt người mỗi ngày. Tôi cũng đã hòa mình vào dòng người thành kính xếp hàng vào Đền, đốt nén hương tưởng nhớ những chiến sĩ, thanh niên xung phong đã hy sinh tuổi xuân của mình để xây dựng và giữ vững tuyến đường lịch sử này, góp phần quan trọng cho việc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh - trên cơ sở mở đường Trường Sơn cũ - với tổng chiều dài khoảng 3.167 km, đi qua địa phận 30 tỉnh, từ Cao Bằng, Bắc Kạn tới Bạc Liêu và Cà Mau. Bon bon ô tô trên đường Hồ Chí Minh rộng rãi, thẳng tắp hôm nay, mới thấy đây là sự kết hợp vô cùng hoàn hảo giữa ý nghĩa lịch sử của chiến thắng trong cuộc đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước hôm nay, trong đó đặc biệt là kéo gần khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với đồng bằng, thành thị.

  • VIỆT HOÀNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Học theo gương Bác  (18/05/2012)
Đề xuất thành lập mới 4 sở, ban cấp tỉnh  (18/05/2012)
Cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học  (18/05/2012)
Tự phê và phê có ý nghĩa then chốt  (18/05/2012)
1.773 thí sinh đạt giải  (17/05/2012)
Bám biển, sẵn sàng chiến đấu  (17/05/2012)
Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp  (17/05/2012)
Chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát  (17/05/2012)
Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu   (17/05/2012)
Học Bác là học suốt đời, học hàng ngày  (17/05/2012)
Thưa vắng bệnh nhân  (17/05/2012)
Đứt nguồn huyết thanh kháng dại  (17/05/2012)
Xử phạt hơn 10.300 trường hợp vi phạm TTATGT  (17/05/2012)
Kiểm tra TTATGT đường thủy nội địa trong lĩnh vực thủy sản  (17/05/2012)
Sơ kết phong trào “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp”  (17/05/2012)