Đi dọc bờ sóng
21:36', 19/5/ 2012 (GMT+7)

Bờ biển chạy dọc huyện Phù Mỹ dài 32km, tiếp nối bờ biển Phù Cát từ làng chài Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành qua Mỹ Thọ rồi Mỹ An, Mỹ Thắng đến chân núi Lộ Diêu, xã Mỹ Đức. Một ngày, tôi có dịp đi dọc bờ biển Phù Mỹ để được ngắm nhìn thỏa thích cảnh sắc làng biển, chứng kiến cuộc sống dân chài và đắm mình trong miền lễ hội tâm linh.

 

Cảnh rước linh vị Ông trong lễ cầu ngư của người miền biển.

Miền lễ hội tâm linh

Qua mười ba thôn làng chài dọc bờ biển Phù Mỹ, đến đâu tôi cũng được nghe các cụ cao niên vui vẻ kể chuyện làng, chuyện biển. Cụ Phan Thiệp, ở thôn Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ vừa vá lưới bên bờ sóng, vừa khoe: “Làng biển này mỗi năm có ba lễ: đầu năm có lễ hội Khai lạch, Khai vũng; tháng ba âm lịch có lễ Thanh minh; đến tháng tư là lễ hội cầu ngư!”. Rồi cụ hào hứng giải thích: khai lạch, khai vũng là mở đường ra biển làm ăn, nên phải chọn ngày tốt. Có khi là mùng một, mùng hai, cũng có năm đến mùng sáu Tết. Ngày này, tàu thuyền dù ở bãi làng hay neo đậu biển xa đều quay đầu ra biển. Lễ cúng khai lạch do ngư dân trong làng đóng góp; khá thì cúng heo, còn không thì làm mâm cỗ đơn giản. Bài cúng khai lạch là văn khấn đất trời và ông Nam Hải, cầu cho ra khơi thuận buồm xuôi gió. Địa điểm cúng được tổ chức tại lăng Ông. Sau khi khấn sớ, bái tạ, tàu thuyền của làng cùng nổ máy chạy ra hướng biển. Hàng trăm chiếc thuyền giương cờ, nhả khói mù mịt lao giữa màn sương bạc.

Đến tháng ba, các làng có lệ Thanh minh tưởng nhớ công đức Thành Hoàng làng - người có công khai khẩn, lập làng hoặc dạy nghề cho dân và tổ chức tảo mộ vô chủ. Từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch là lễ hội cầu ngư. Cụ Nguyễn Thông, Trưởng vạn chài Xuân Thạnh (xã Mỹ An), chia sẻ: “Cầu ngư là cầu quốc thái dân an, được mùa, no ấm. Lễ hội này có từ lâu đời, luôn được ngư dân trân trọng, gìn giữ. Năm nay, vạn Vĩnh Lợi (Mỹ Thành) tổ chức vào mùng mười tháng tư; vạn Tân Phụng (Mỹ Thọ) tổ chức vào mười hai tháng tư; thôn 9 (Mỹ Thắng) và Phú Hòa (Mỹ Đức) tổ chức vào rằm tháng tư; Xuân Thạnh tổ chức giữa tháng sáu…

Lễ hội cầu ngư là một lễ hội lớn của người miền biển. Cụ Thông giải thích, trước ngày lễ, làng chọn mười hai chiếc thuyền, trang hoàng cờ hoa, bài vị, gọi là long thuyền. Đêm trước, làng mổ heo, sắm sửa lễ. Sáng ngày chính thức, mười hai chiếc long thuyền đưa trưởng vạn, các bô lão và đội nhạc ra đảo gần nhất, khấn, rước linh vị ông Nam Hải đưa về nhập điện. Khi về gần bãi, thuyền rồng đi chậm, trống gióng, kèn trổi. Trên bãi, cả làng ra nghinh, lân múa, rồng chầu. Thuyền dạo một vòng rồi đáp bãi. Đội lễ và trai làng nghinh tiếp linh vị Ông từ mép nước, rước chạy một vòng quanh bãi, vào làng, rồi về lăng. Trưởng vạn vào lăng cúng an tọa. Lúc này, ở sân lăng, đoàn hát tấu nhạc, cất lời hát phụ khấn. Phần lễ tế tạm xong, làng và khách quây quần bên mâm cỗ cùng chung vui. Ngày này, con em của làng dù đang đánh bắt xa bờ hay làm ăn trên mọi miền đất nước đều tụ hội về làng.

 

Một cơ sở đan, vá lưới ở Vĩnh Lợi.

Niềm vui cửa biển

Long rong khắp các làng chài, tôi được nghe nhiều chuyện vui trúng mùa. Ông Lê Văn Châu, ở làng Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, khoe: “Mấy tháng đầu năm nay, làng tôi được mùa tôm hùm. Người trúng nhiều lãi trên 50 triệu đồng; còn ít cũng được 20-30 triệu đồng”. Trưởng vạn chài Xuân Thạnh, ông Nguyễn Thông, cũng hồ hởi bởi cả thôn có trên 50 tàu, thì hết 13 tàu đánh bắt xa bờ. Thời gian gần đây, có nhiều chiếc trở về với niềm hân hoan thu tiền tỉ. Số tàu thuyền còn lại chủ yếu đánh bắt cá cơm, trung bình mỗi năm lãi chừng nửa tỉ đồng.

Nói chuyện làm mùa của bà con ngư dân, ông Hồ Xuân Ái, Trưởng thôn 9, xã Mỹ Thắng, nhẩm tính cả thôn có 110 tàu đánh bắt xa bờ ở các ngư trường Thanh Hóa, Quảng Bình, Kiên Giang và 30 chiếc đánh bắt gần bờ. Năm ngoái, đội tàu của làng trúng mùa tôm hùm con, có bạn chài chỉ trong “một trăng” đã kiếm được 10 triệu đồng. Đận ấy, các tàu trúng liền đến “mấy trăng”.

Nhờ những chuyến đi biển trúng đậm, bây giờ nhà cao tầng xây theo kiểu mới mọc lên nhiều ở các làng chài. Đường đi lối lại trong làng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, phẳng lì. Nhiều làng đã có nước sạch về tận nhà.

Các làng biển cũng nhộn nhịp hẳn với sự phát triển của dịch vụ. Làng Vĩnh Lợi, Tân Phụng, Phú Thứ có nhiều cơ sở đan vá lưới, thu hút hàng trăm lao động nữ. Làng Xuân Bình có cơ sở chế biến cá cơm khô xuất khẩu. Bên bến đò lại có thêm nghề nuôi cá lóc bằng thức ăn biển rất hiệu quả. Làng Tân Phụng có 2 tổ đông lạnh chuyên thu gom sản phẩm đánh bắt gần bờ. Làng Phú Hòa áp chót lại có thêm nghề làm nước mắm cá cơm ngon nổi tiếng với gần 30 cơ sở lớn nhỏ, cho thu nhập khá cao. Xuôi con đường từ Vĩnh Lợi (Mỹ Thành) đến Phú Thứ (Mỹ Đức), tôi bắt gặp hàng ngàn hồ nuôi tôm trên cát nằm san sát. Tiếng máy sục khí hòa tiếng sóng biển lào xào như nhịp sống tuôn trào. Nhiều hồ nuôi được bê tông kiên cố minh chứng cho việc làm ăn hiệu quả…

Dừng chân tại nhà người quen ở làng Phú Thứ (xã Mỹ Đức) nằm dưới chân đèo Lộ Diêu sau một ngày rong ruổi thỏa thuê, trăng thượng tuần mùng tám như chiếc thuyền trôi chếch bóng đỉnh làng. Làng Phú Thứ ánh điện sáng choang chiếu qua từng ô cửa, loang loáng xuống rặng dừa. Gió mơn man hàng dương thì thào lời biển vọng.

  • TẤN PHƯỚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gặp mặt truyền thống Cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công 409  (19/05/2012)
Hơn 20 tỉ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người  (18/05/2012)
Tập huấn diễn tập phòng thủ năm 2012  (18/05/2012)
Nâng cao kiến thức, thêm kinh nghiệm  (18/05/2012)
Chia sẻ khó khăn với người lao động  (18/05/2012)
Huyền thoại đường Trường Sơn  (18/05/2012)
Học theo gương Bác  (18/05/2012)
Đề xuất thành lập mới 4 sở, ban cấp tỉnh  (18/05/2012)
Cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học  (18/05/2012)
Tự phê và phê có ý nghĩa then chốt  (18/05/2012)
1.773 thí sinh đạt giải  (17/05/2012)
Bám biển, sẵn sàng chiến đấu  (17/05/2012)
Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp  (17/05/2012)
Chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát  (17/05/2012)
Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu   (17/05/2012)