Để cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh:
Cần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính
19:32', 20/5/ 2012 (GMT+7)

Trong tiến trình đổi mới, cải cách hành chính (CCHC) được đặt ra như một đòi hỏi khách quan để tạo tiền đề và thúc đẩy cải cách kinh tế. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) liên quan trực tiếp đến việc đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Lâm Hải Giang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, về vấn đề trên.

 

Thực hiện cơ chế một cửa trong CCHC tại phường Bình Định, thị xã An Nhơn. Ảnh: T.Đ

 

* Ông có thể nói rõ hơn về CCTTHC tác động đến PCI?

- CCTTHC có liên quan trực tiếp đến các chỉ số thành phần trong việc đánh giá PCI, cụ thể là các chỉ số về gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức.

Những năm qua, tỉnh ta đã tổ chức triển khai thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ CCHC, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và điều chỉnh các thể chế hành chính và kinh tế nhằm tạo môi trường thuận lợi để phát huy nội lực của tỉnh và thu hút tốt nguồn lực bên ngoài; sửa đổi những quy định, thủ tục không còn phù hợp. Công tác CCHC tập trung vào những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức và của công dân, như thủ tục nhà, đất, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, hộ khẩu và thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, kết quả CCHC ở tỉnh ta vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, nhất là đổi mới về kinh tế.

* Những nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến các hạn chế trong CCTTHC, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân nhưng đáng chú ý là công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về CCHC mới chỉ chú ý nhiều đến mặt lý luận và những vấn đề mang tính vĩ mô như quan điểm của Đảng và Nhà nước về CCHC, nhiệm vụ của CCHC… Đây là những nội dung rất quan trọng và cần thiết, song như vậy chưa đủ. CCHC suy đến cùng việc thay đổi cách mà cán bộ, công chức nghĩ và làm hàng ngày; tuy nhiên, chúng ta lại chưa chú trọng đúng mức tới khía cạnh cán bộ, công chức - với tư cách là những con người, những cá nhân - đã nhận thức như thế nào và có thái độ thế nào đối với CCHC; CCHC ảnh hưởng gì tới cuộc sống, nghề nghiệp và lợi ích của bản thân họ. Kết quả là, nhận thức của nhiều cán bộ, công chức về CCHC vẫn chỉ ở mức chung chung, nặng về lý thuyết. Trong khi đó, TTHC còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, có những lĩnh vực còn rườm rà, làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nhà nước bị giảm sút, thậm chí còn phát sinh tiêu cực. Đội ngũ cán bộ, công chức có nơi còn yếu về tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, kỹ năng hành chính; chậm đổi mới phong cách làm việc; tệ quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân vẫn còn diễn ra…

* Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để nâng cao hiệu quả CCHC, góp phần cải thiện PCI ở tỉnh nhà thời gian tới?

- Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc CCHC ở tỉnh nhà trong thời gian tới, nhất là tạo ra những tác động trong phát triển kinh tế, nâng cao PCI của tỉnh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp:

Trước hết là không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với CCHC, xem đây là yếu tố quan trọng, quyết định sự thắng lợi của công cuộc CCHC hiện nay.

Hai là đẩy mạnh việc học tập, quán triệt về chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về CCHC trong nội bộ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở. Thực tiễn cho thấy, nhận thức và ý thức của một bộ phận cán bộ, công chức về xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy hành chính nhà nước nói riêng trong tình hình mới, điều kiện mới chưa thật rõ ràng, chưa thống nhất. Để đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của CCHC, phải làm cho cán bộ, công chức thấy được sự thay đổi là tất yếu. Có thể nói, cần xây dựng văn hóa về sự thay đổi như là một nếp sống trong nền công vụ, mà ở đó, mỗi cán bộ, công chức làm việc trong nền hành chính đều nên và cần phải trở thành một “nhà hoạt động vì cải cách và thay đổi”; có thái độ và cách tiếp cận đúng đắn đối với sự thay đổi; dám nghĩ, dám làm theo cách mới, dám tiếp tục thay đổi, cải tiến và học hỏi từ sự thay đổi.

Ba là tiếp tục thực hiện việc phân công, phân cấp một cách rõ ràng, rành mạch trách nhiệm và thẩm quyền hành chính giữa các cấp chính quyền với nhau trên cơ sở cụ thể hóa các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở mỗi cấp, tránh tình trạng quy định chung chung hoặc trùng lắp.

Thứ tư là đề cao vai trò giám sát của nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân tham gia nhiều hơn vào giải quyết các công việc của địa phương; xây dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, thống nhất.

Năm là xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có tâm, đủ tầm, trung thực, tận tụy với công việc và am hiểu pháp luật.

Sáu là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tiến hành củng cố liên thông ngang và triển khai thực hiện liên thông dọc giữa các cấp chính quyền trong thực hiện một số TTHC có liên quan, nhằm bảo đảm việc phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trong giải quyết công việc đi vào nề nếp, thể hiện rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

* Xin cảm ơn ông!

  • H.V (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai giảng từ ngày 1.8.2012, kết thúc trước ngày 31.5.2013  (20/05/2012)
Họ Nguyễn ở Bằng Châu “Không có tội phạm và tệ nạn xã hội”  (19/05/2012)
Tấm băng mừng sinh nhật Bác trong vùng địch  (19/05/2012)
Đi dọc bờ sóng   (19/05/2012)
Gặp mặt truyền thống Cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công 409  (19/05/2012)
Hơn 20 tỉ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người  (18/05/2012)
Tập huấn diễn tập phòng thủ năm 2012  (18/05/2012)
Nâng cao kiến thức, thêm kinh nghiệm  (18/05/2012)
Chia sẻ khó khăn với người lao động  (18/05/2012)
Huyền thoại đường Trường Sơn  (18/05/2012)
Học theo gương Bác  (18/05/2012)
Đề xuất thành lập mới 4 sở, ban cấp tỉnh  (18/05/2012)
Cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học  (18/05/2012)
Tự phê và phê có ý nghĩa then chốt  (18/05/2012)
1.773 thí sinh đạt giải  (17/05/2012)