Sau ba năm phát động trong toàn ngành giáo dục, phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” đang lan tỏa mạnh mẽ, song vẫn còn nhiều việc phải làm khi mới chỉ có bề rộng chứ chưa đi vào chiều sâu.
Nhiều chuyển biến
Đến tháng 3.2012, 630/630 trường trong tỉnh đã đăng ký tham gia phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đạt tỉ lệ 100%. 5 tiêu chí gồm: trường lớp xanh - sạch - đẹp và an toàn; dạy học có hiệu quả; rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; tổ chức hoạt động tập thể, văn hóa văn nghệ; tham gia tìm hiểu, chăm sóc di tích, được tích cực xây dựng rộng khắp.
|
Trường THCS Nguyễn Huệ (Quy Nhơn) rợp bóng cây xanh. |
Chuyển biến thấy rõ nhất là bộ mặt trường lớp đã khang trang, đẹp đẽ hơn. Năm học 2011-2012, 612 trường có khuôn viên cây xanh tạo cảnh quan sạch, đẹp và bóng mát để học sinh vui chơi trong giờ giải lao. 588 trường có công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. 100% trường đã đảm bảo “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho tất cả học sinh. Ông Huỳnh Đăng Khanh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: “Hàng năm, ngành giáo dục phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức nhiều hoạt động “Tiếp sức đến trường” như trao học bổng, cấp dụng cụ học tập, quần áo, sách vở cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn và học sinh nghèo ở các huyện miền núi, xã đảo. Nhờ vậy, tỉ lệ học sinh bỏ học do có hoàn cảnh khó khăn giảm hẳn, hiện chỉ chiếm gần 5% trong tổng số học sinh bỏ học (khoảng 90 trên tổng số 1.200 học sinh bỏ học).
Đến nay, 479/630 trường và các cơ sở giáo dục đã kết nối internet và đang ứng dụng các phần mềm dạy - học hiệu quả như Emis, Pmis, Misa Net 2009, VanPro, phần mềm quản lý học sinh, phần mềm chia thời khóa biểu, phần mềm quản lý điểm E.Mark… Trong đó, 445 trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh. 3 năm qua, 13.902/15.918 giáo viên đã tham dự các lớp tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá kết quả học tập của học sinh. Từ đó, nhiều giáo viên bước đầu đã tích cực ứng dụng vào từng tiết lên lớp, giúp học sinh hứng thú, tích cực và chủ động hơn trong học tập.
Thông qua phong trào này, các giáo viên đã tích hợp, lồng ghép, giới thiệu kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh trong từng tiết dạy; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh. Hiện 529 trường đã sưu tầm hơn 100 trò chơi dân gian và phổ biến đến học sinh. Số trường nhận chăm sóc di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, nghĩa trang liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sĩ… tăng dần theo từng năm. Công tác giáo dục an toàn giao thông, phòng chống vi phạm pháp luật trong học sinh cũng được chú trọng.
Cần đi vào chiều sâu
Mục đích của phong trào này là tạo môi trường học tập thân thiện, giúp học sinh không chỉ được tiếp nhận kiến thức mà còn được rèn luyện kỹ năng sống. Tuy nhiên, dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn đang là bài toán chưa có lời giải, vì không có giáo trình cụ thể, phần lớn giáo viên phải tự lo liệu nên kết quả “được chăng hay chớ”.
Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường xây dựng “Quy tắc ứng xử văn hóa” giữa các thành viên trong nhà trường và có biện pháp giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện. Thế nhưng, hiện chỉ khoảng 70% số trường xây dựng Quy tắc quan trọng này, tập trung chủ yếu ở các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn. Công tác “Tổ chức tư vấn” hỗ trợ kiến thức về kỹ năng sống cho học sinh cũng chưa được nhiều trường chú trọng thực hiện.
Về nội dung chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương, đến nay, chỉ mới 13 trên tổng số 33 di tích quốc gia của tỉnh được các trường nhận chăm sóc. Một chuyên viên của Sở GD-ĐT cho biết: “Hầu hết các trường đều sẵn sàng nhận chăm sóc di tích. Nhưng mối liên hệ phối hợp lâu nay giữa ngành, trường học và đơn vị quản lý di tích chưa chặt chẽ, chưa có kế hoạch cụ thể về những phần việc cần làm tại di tích nên chưa phát huy hết ý nghĩa của công việc này”.
Phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” mang tính lâu dài, bởi ý nghĩa của phong trào hướng đến mọi mặt phát triển của nhà trường và giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh việc lan tỏa phong trào, ngành cần chú trọng đi vào chiều sâu, tránh sự xuê xoa, dễ dãi trong đánh giá, bình xét danh hiệu, để phong trào không phải là chuyện “hô khẩu hiệu”!
|