“Ngọn đuốc sáng soi con chữ” giữa đại ngàn Vĩnh Sơn
18:22', 21/5/ 2012 (GMT+7)

Với suy nghĩ “chỗ nào có dân làng, có trẻ em đúng độ tuổi đến trường thì chỗ đó có học sinh, có lớp, có trường”, ông đã kiên trì và nỗ lực không mệt mỏi trong cuộc chiến xóa mù chữ cho đồng bào mình. Ông là Đinh Hồng Rức, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS bán trú Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh).

Năm 1980, tốt nghiệp Trường Sư phạm miền núi Nghĩa Bình, Đinh Hồng Rức được phân về “nơi chôn rau cắt rốn” là làng K4, xã Vĩnh Sơn công tác. Làng chưa có trường nên cứ sau giờ học, thầy trò lại kéo nhau vào rừng cắt lá may rồi đan để lợp mái; đan tre, nứa, lá làm vách; tận dụng bìa gỗ hoặc lấy dây mây đan, bện thành bàn ghế. Sau đó, ông được chuyển về dạy ở làng K8.

 

Ông Rức (thứ hai hàng trên, từ trái qua) và thầy trò điểm trường K4 của Trường THCS bán trú Vĩnh Sơn.

Nhận thấy, lớp học ở các làng chưa thật hiệu quả vì một tuần học sinh chỉ học 2-3 buổi, giáo viên nhiệt tình thì dạy đủ tiết, không ít người dạy cho có; năm 1983, Đinh Hồng Rức vận động thành lập trường bán trú xã. Mô hình bán trú dân nuôi này khá hiệu quả, khi chất lượng dạy và học được nâng lên. Số học sinh, theo đó tăng dần, từ 20 em ban đầu, 4 năm sau (năm 1986) đã có 100 em. Nhưng đúng lúc đó, trường phải giải thể vì nằm trong lòng hồ của Công trình thủy điện Vĩnh Sơn.

Ông được phân về làng K4 làm quản lý kiêm dạy học, nhưng lòng luôn phập phồng lo sợ: dạy ở làng, chữ được chữ mất, cứ kiểu này về sau, Vĩnh Sơn sẽ không còn ai đi học. Năm 1988, Đinh Hồng Rức xuống trường nội trú huyện xin mở chi nhánh cho Vĩnh Sơn đặt tại làng K4. Lúc đầu chỉ có 30 học sinh, 4 năm sau có đến 92 học sinh. Nhưng thời gian sau hoạt động quá khó khăn đành phải giải thể.

Hai lần xây trường, hai lần giải thể. Nhiều đêm trằn trọc không ngủ được, ông quyết tâm phải mở lại trường bán trú. Thế rồi năm 1996, Trường THCS bán trú Vĩnh Sơn hình thành, thu nhận học sinh lớp 2, 3 và 4. Trụ sở trường là ngôi nhà ván, tận dụng nhà cơ quan cũ. Hoạt động đi vào ổn định, ông đề nghị đầu tư xây các dãy phòng mới. Ông vừa làm công tác quản lý vừa đứng lớp cho đến khi về hưu năm 2007.

Những ai từng tiếp xúc, làm việc với Đinh Hồng Rức, từ cái thời ông còn là du kích xã tham gia chống Mỹ cứu nước, đến khi học sư phạm, làm giáo viên, hiệu phó rồi hiệu trưởng, đều ấn tượng về sự nhiệt tình, tính kiên trì, cách làm việc đầy trách nhiệm, đặc biệt là sự tâm huyết dành cho giáo dục miền núi của ông. Ông Đinh Y Nam, nguyên Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, khẳng định: “Tôi cho rằng, nhiều khó khăn, cản trở thời ấy, nếu không phải là Đinh Hồng Rức thì giáo dục Vĩnh Sơn không có được ngày hôm nay. Ông giống như ngọn đuốc, soi sáng con chữ cho đồng bào giữa đại ngàn”. Bao thế hệ học trò của ông giờ đã thành danh và quay về làm việc giúp làng như Bá Vân, bí thư xã; Bá Duẩn, công an xã; và một số giáo viên Trường THCS bán trú Vĩnh Sơn.                          

  • PHAN TRƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rộng nhưng chưa sâu  (21/05/2012)
Cán bộ y tế được đào tạo lại về chẩn đoán, xử lý cấp cứu sản khoa  (21/05/2012)
Tăng lương chưa phải là hướng cải cách  (21/05/2012)
Dân sống chung với bụi gỗ  (21/05/2012)
Sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế  (21/05/2012)
11.382 hộ vay 91 tỉ đồng để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh  (20/05/2012)
Cần nâng cao hiệu quả cải cách hành chính  (20/05/2012)
Khai giảng từ ngày 1.8.2012, kết thúc trước ngày 31.5.2013  (20/05/2012)
Họ Nguyễn ở Bằng Châu “Không có tội phạm và tệ nạn xã hội”  (19/05/2012)
Tấm băng mừng sinh nhật Bác trong vùng địch  (19/05/2012)
Đi dọc bờ sóng   (19/05/2012)
Gặp mặt truyền thống Cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công 409  (19/05/2012)
Hơn 20 tỉ đồng hỗ trợ phòng, chống dịch cúm gia cầm, cúm ở người  (18/05/2012)
Tập huấn diễn tập phòng thủ năm 2012  (18/05/2012)
Nâng cao kiến thức, thêm kinh nghiệm  (18/05/2012)