Trù phú Ân Tường Đông
20:40', 22/5/ 2012 (GMT+7)

Xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) hiện ra trước mắt chúng tôi miên man một màu xanh thẳm của vườn, rừng. Những luống tiêu vươn dài, những hàng keo thẳng mượt dọc triền núi tạo cảm giác ấm áp, giàu có…

 

Tuyến đường 631 được nâng cấp đi ngang qua Ân Tường Đông nối với trung tâm của huyện và thị trấn Phù Mỹ, giúp người dân giao thương thuận lợi.

 

Ân Tường Đông vốn là vùng chiến sự ác liệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Một thời, đất nơi đây cằn khô, cây rừng cháy rụi, đỏ quạch, xơ xác. Sau giải phóng, người Ân Tường Đông bắt tay xây dựng quê hương. Sức người bền bĩ đã dần biến vùng đất chết thành nơi thẳm xanh, trù phú.

Xã đẹp, dân giàu lên

Chừng mươi năm gần đây, hệ thống đường giao thông ở xã đã được bê tông thông suốt, trường học khang trang, nhà ngói, tường xây xuất hiện ngày càng nhiều… Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, chia sẻ: “Đảng bộ xã xác định việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông đồng thời với việc phát triển chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện và thổ nhưỡng địa phương là những ưu tiên đầu tiên”. Từ nguồn vốn ngân sách của huyện và nhân dân đóng góp, hàng trăm công trình đã được đầu tư triển khai với tổng kinh phí gần 17 tỉ đồng. Cơ sở hạ tầng trong xã được xây dựng khá đồng bộ. Ngoài việc bê tông xi măng gần 15 km đường, 3 cây cầu bê tông kiên cố, xã đã xây dựng mới các công trình chợ trung tâm xã, nhà bia ghi tên liệt sĩ, 46 phòng học, trạm y tế, trụ sở UBND xã, nhà văn hóa...

Cùng với các công trình hạ tầng cơ sở, đời sống của người dân trong xã cũng ngày càng thay đổi, phát triển. Nếu thu nhập bình quân đầu người năm 1999 chỉ 2,4 triệu đồng thì nay đã vượt qua mốc 9 triệu đồng/người/năm.

Ông Ngô Trung Thư, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hệ thống hạ tầng được đầu tư khang trang, tạo thuận lợi cho người dân trong giao thương, hưởng thụ văn hóa. Đời sống của người dân cũng ngày càng phát triển. Nhiều hộ gia đình đã sắm sửa được nhiều vật dụng, trang thiết bị hiện đại phục vụ sinh hoạt. Hiện trong xã có hơn 30 ngôi nhà xây trị giá vài trăm triệu đồng, có nhà trị giá cả tỉ đồng…”.

Theo chân ông Thư, tôi ghé thăm vài trang trại, gia đình ăn nên làm ra ở xã Ân Tường Đông. Nơi đến đầu tiên là nhà anh Đỗ Thành Long, 47 tuổi, ở thôn Thạch Long 1. Ở vùng quê như thế này, sự hiện diện của ngôi nhà với chi phí xây dựng hơn 1 tỉ đồng thuộc hàng hiếm hoi. Song gặp anh Long vai vác cuốc, quần ống cao ống thấp mới biết, anh là một “tỉ phú chân đất”. Anh Long bộc bạch: “Lớn lên ở miền quê này, hơn chục năm trước, như bao thanh niên khác, tôi cũng định rời làng mà đi. Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ, chẳng lẽ đất quê không nuôi nổi mình. Bởi thế, từ năm 2000, tôi bắt tay vào việc trồng tiêu, nuôi heo rồi trồng keo”. Đất không phụ người. Với trang trại gồm 5 ha keo, 600 gốc tiêu và hàng trăm con heo, anh Long không chỉ nuôi 3 người con học đại học mà còn xây nhà, mua sắm trang thiết bị hiện đại cho gia đình.

Ở Ân Tường Đông, thu nhập mỗi năm cả tỉ đồng từ kinh tế trang trại không chỉ có mình gia đình anh Long. Đến nhà anh Hoàng Anh Dũng, ở thôn Tân Thạnh 1, chứng kiến đàn heo gần 3.000 con nuôi theo quy trình khép kín, chuồng trại hiện đại, tôi mới hiểu chuyện làm giàu ở Ân Tường Đông không còn lạ. Anh Dũng tâm sự: “Giờ đây, các gia đình ở xã đều học hỏi nhau nuôi heo, trồng tiêu, trồng keo, nên ai cũng khấm khá!”. 

Số hộ gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng/năm cứ đông dần lên như các hộ: Phạm Văn Hưng, Phạm Văn Bích (ở thôn Lộc Giang); Nguyễn Xuân Thạnh, Nguyễn Minh Trung (ở thôn Tân Thành)…

 

Vườn tiêu 600 gốc của anh Đỗ Thành Long.

 

Mở rộng kinh tế trang trại

Ông Trương Văn Khẩn, Bí thư Đảng ủy xã Ân Tường Đông, cho biết: “Xã đang và sẽ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, phấn đấu năm 2015 giá trị thu nhập từ chăn nuôi chiếm 55% tổng giá trị ngành nông - lâm nghiệp. Đồng thời, tiếp tục khai thác lợi thế đất đai để phát triển kinh tế trang trại. UBND xã sẽ nhân rộng những mô hình trang trại có hiệu quả; cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vốn để khuyến khích trang trại phát triển”. Cũng theo ông Khẩn, Đảng ủy và UBND xã sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình mở rộng trang trại, hoạt động dịch vụ. Nghị quyết của Đảng bộ xã đặt mục tiêu đến năm 2015, thu nhập bình quân đầu người là 15,7 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo còn dưới 7% và trên 50% làng đạt danh hiệu văn hóa…

Chia tay mảnh đất Ân Tường Đông, chia tay khoảng trời xanh bạt ngàn, chúng tôi mang theo niềm tin rằng, những mục tiêu mà Ân Tường Đông đặt ra sẽ thành hiện thực trong thời gian không xa.

  • HẢI YẾN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lần đầu tiên khởi kiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH  (22/05/2012)
108 triệu đồng tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (22/05/2012)
Quốc hội thảo luận về việc lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá  (22/05/2012)
Ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, đầu tư và DNNN   (22/05/2012)
Mới có 3.264 người thuộc diện cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế  (21/05/2012)
Thăm, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn  (21/05/2012)
Giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị về lĩnh vực đất đai  (21/05/2012)
Phổ biến nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI)  (21/05/2012)
“Ngọn đuốc sáng soi con chữ” giữa đại ngàn Vĩnh Sơn  (21/05/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (21/05/2012)
Cán bộ y tế được đào tạo lại về chẩn đoán, xử lý cấp cứu sản khoa  (21/05/2012)
Tăng lương chưa phải là hướng cải cách  (21/05/2012)
Dân sống chung với bụi gỗ  (21/05/2012)
Sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế  (21/05/2012)
11.382 hộ vay 91 tỉ đồng để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh  (20/05/2012)