Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi):
Bổ sung nguyên tắc xác định lương tối thiểu
15:30', 23/5/ 2012 (GMT+7)

Sáng nay, 23-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước tiện theo dõi.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, sau khi chỉnh lý, dự thảo Bộ luật gồm 244 điều, 17 chương. Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Bộ luật Lao động đã bổ sung các nguyên tắc đối với tiền lương tối thiểu theo tháng, tuần, ngày, giờ (được xác lập theo vùng, theo ngành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để phù hợp với thị trường lao động, tình hình thực tiễn của từng ngành, nghề, loại công việc trong từng thời kỳ. Điều 92 của dự thảo Bộ luật cũng đã quy định nguyên tắc xác định tiền lương tối thiểu theo hai nhóm yếu tố, đó là điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động.

Về thời giờ làm thêm, hiện vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Luồng ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ nguyên quy định của Bộ luật lao động hiện hành, làm thêm giờ nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Luồng ý kiến thứ hai, đề nghị quy định thời giờ làm thêm là 200 giờ trong một năm, đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm nhưng tối đa không quá 360 giờ trong một năm. Ủy ban thường vụ Quốc hội trình hai phương án về quy định này, song tán thành phương án 1.

Về một số chính sách đối với lao động nữ, trong đó có thời gian nghỉ thai sản, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị quy định người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Về tuổi nghỉ hưu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo quy định về tuổi nghỉ hưu cơ bản giữ như hiện hành, nhưng đã cho phép có thể điều chỉnh đối với nhóm lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc ở vùng cao, biên giới, hải đảo do bị suy giảm sức lao động được nghỉ hưu trước thời gian quy định và quy định cụ thể thời gian tăng tuổi nghỉ hưu, đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý, dự thảo đã thể hiện theo hướng có thể kéo dài thời gian làm việc (nhưng không quá 5 năm) nếu tự nguyện, có sức khỏe và nhu cầu lao động để tùy theo điều kiện trong từng giai đoạn, Chính phủ có thể xem xét quy định cụ thể tuổi nghỉ hưu của các nhóm lao động này, tạo điều kiện thực tiễn để xem xét tổng thể tuổi nghỉ hưu trong tương lai.

Đối với việc nghỉ Tết âm lịch, theo đề nghị của các đại biểu Quốc hội đã  được điều chỉnh để tăng quy định về thời gian nghỉ tết âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày.

Đa số ý kiến tại phiên họp bày tỏ đồng tình với hầu hết các phương án lựa chọn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mở màn cho các ý kiến phát biểu tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa – Vũng Tàu) phân tích thêm: “Hợp đồng lao động thiết lập thời hạn quá dài cũng bất lợi cho người lao động, vì hạn chế cơ hội để họ tìm kiếm công việc mới với đãi ngộ tốt hơn, nhất là trong điều kiện thị trường lao động hiện nay biến động thường xuyên, liên tục”. Liên quan đến thời giờ làm thêm, Đại biểu Tuyết cũng ủng hộ phương án 1. Ông cho biết thêm, theo kinh nghiệm của nhiều nước, làm thêm giờ càng nhiều thì năng suất lao động càng giảm sút. 

Chia sẻ quan điểm của Đại biểu Tuyết, Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) cũng ủng hộ phương án xác định thời gian tối đa của hợp đồng lao động là 36 tháng với lý do: “Dự thảo Bộ luật đã thiết kế những điều khoản bảo vệ được người lao động nếu họ muốn tiếp tục làm việc lâu dài, chẳng hạn như sau hai lần ký hợp đồng xác định thời hạn thì hợp đồng lần thứ 3 là không thời hạn”… Về tuổi nghỉ hưu, ông Hoàng lưu ý rằng, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. “Tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng không quá 5 năm đối với nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; nhóm lao động làm công tác quản lý là hợp lý”, ông nói.

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) quan tâm đến các tổ chức cung cấp dịch vụ việc làm và cho rằng nên bổ sung chức năng này cho một số tổ chức trong hệ thống chính quyền để giới thiệu việc làm cho số đông người dân có nhu cầu việc làm nhưng không có khả năng chi trả phí dịch vụ. Đại biểu Vinh đưa ra một đề nghị mới mẻ khi nhận định rằng, truyền thống của người Việt Nam là các bậc làm cha mẹ có trách nhiệm rất cao với tương lai của con cái: “Đề nghị cho phép người lao động có con cái kết hôn được nghỉ 02 ngày”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) nhận xét, mặc dù đã đảm bảo cho người lao động nhiều quyền lơi, nhưng dự thảo Bộ luật chưa có chế định tạo điều kiện cho người lao động phấn đấu vươn lên, nâng cao trình độ, nắm giữ các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. ĐB cho rằng nên bổ sung những quy định theo hướng này, đơn cử như cho người lao động được nghỉ có hưởng lương khi đi thi cử…

Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) băn khoăn, do nghỉ hưu trước 5 năm, nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ bị hạn chế. “Nên chăng có quy định nam 3 năm tăng một bậc lương, nữ 2,5 năm tăng một bậc lương. Về lâu dài, tôi cho rằng nên quy định tuổi nghỉ hưu như nhau giữa nam và nữ, phù hợp với nội dung của Công ước xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)”, bà Ngô Thị Minh phát biểu.

. Theo SGGP, TTXVN, TTO

Chế độ thai sản cho sản phụ nông thôn?

Là một trong những ý kiến mà Hội LHPN Việt Nam gửi đến Quốc Hội, được ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (chủ tịch Hội LHPN VN) phát biểu tại buổi thảo luận góp ý dự thảo Bộ luật Lao động sáng nay. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa nên có chế độ thai sản cho phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, phụ nữ thất nghiệp, không có bảo hiểm xã hội… Hiện trong dự thảo Bộ luật lao động chỉ mới quy định chế độ thai sản với những phụ nữ có bảo hiểm xã hội. Trong khi đó việc quy định chế độ thai sản mới là 6 tháng như dự thảo luật còn nhằm bảo đảm cả sức khỏe trẻ sơ sinh, bảo vệ quyền lợi của trẻ em. Do đó với những phụ nữ nông thôn, vùng sâu vùng xa, thất nghiệp, việc không có bảo hiểm xã hội cũng đồng nghĩa với việc con mình đẻ ra không được hưởng các chế độ như những đứa trẻ khác.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đề xuất nên trợ cấp cho các những sản phụ là lao động tự do không có bảo hiểm xã hội. “có thể là một tháng lương cơ bản” - ông Nguyễn Văn vẻ đề xuất.

 

Chính phủ cần lắng nghe hơn nữa

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) - chủ tịch Liên đoàn lao động Việt Nam: “Mức lương tối thiểu hiện chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu tối thiểu cuộc sống. Chính phủ cần lắng nghe hơn nữa, bởi với mức lương mà Chính phủ quy định, vô tình Chính phủ đã vi phạm khoản 1 - điều 92 của dự thảo là lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”. Ông Tùng cũng đề xuất nên kiểm soát chặt thang bảng lương của doanh nghiệp, yêu cầu đưa mức bù trượt giá vào lương và quy định mức thưởng vào luật, để tránh trường hợp doanh nghiệp cứ báo lỗ để “trốn” thưởng cho người lao động.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Prudential Việt Nam tặng quà cho phụ nữ nghèo thị xã An Nhơn  (23/05/2012)
Chưa điều chỉnh mức phí hỗ trợ  (23/05/2012)
Trù phú Ân Tường Đông  (22/05/2012)
Lần đầu tiên khởi kiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH  (22/05/2012)
108 triệu đồng tặng quà cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn  (22/05/2012)
Quốc hội thảo luận về việc lập quỹ phòng chống tác hại thuốc lá  (22/05/2012)
Ưu tiên tái cơ cấu thị trường tài chính, đầu tư và DNNN   (22/05/2012)
Mới có 3.264 người thuộc diện cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế  (21/05/2012)
Thăm, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn  (21/05/2012)
Giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị về lĩnh vực đất đai  (21/05/2012)
Phổ biến nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XI)  (21/05/2012)
“Ngọn đuốc sáng soi con chữ” giữa đại ngàn Vĩnh Sơn  (21/05/2012)
Rộng nhưng chưa sâu  (21/05/2012)
Cán bộ y tế được đào tạo lại về chẩn đoán, xử lý cấp cứu sản khoa  (21/05/2012)
Tăng lương chưa phải là hướng cải cách  (21/05/2012)