Mặc dù ngành chức năng và chính quyền huyện Vĩnh Thạnh có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhưng hiện nay, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra khá nhiều tại làng K4, xã Vĩnh Sơn.
Trong đợt tham gia cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước tỉnh đi trợ giúp lưu động tại làng K4 (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) mới đây, chúng tôi thật sự lo lắng trước tình trạng tảo hôn đang xảy ra tại địa phương này.
|
Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình để người dân nhận thức được và thực hiện theo đúng quy định. - Trong ảnh: Tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân làng K4, Vĩnh Sơn. |
Theo ông Đinh Bắc, Trưởng làng K4, làng có 184 hộ, đa số là người Bana, trong đó hiện có 7 cặp “vợ chồng non” đều là người Bana. Các cặp này tổ chức cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Điển hình như trường hợp của Đinh Hình và Đinh Thị Thương, tổ chức kết hôn vào năm 2011 khi cô dâu mới 14 tuổi, còn chú rể thì lớn hơn vợ... 2 tuổi. Các cặp khác cũng tổ chức đám cưới khi cả hai mới 16 - 17 tuổi.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, tại địa phương này, việc cha mẹ thúc giục, tạo điều kiện để con cái kết hôn khi mới 15 - 16 tuổi để sớm “yên bề gia thất” là chuyện không còn xa lạ. Người ngoài đến làng có thể bắt gặp hình ảnh những cô bé mới 16 - 17 nhưng đã tay bồng tay bế.
Tảo hôn là một tệ nạn xã hội nên pháp luật về hôn nhân và gia đình của nước ta có nhiều quy định, chế tài xử phạt đối với hành vi này. Cụ thể: Điểm b Điều 6 Nghị định 87/2001/NĐ-CP quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn. Tảo hôn, tổ chức tảo hôn cũng bị coi là những tội phạm hình sự theo quy định tại Điều 148 BLHS sửa đổi, bổ sung năm 2009... |
Ông Đinh Bắc cho biết: “Lối nghĩ lấy vợ, lấy chồng sớm để có “con đàn cháu đống” đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây nên việc tuyên truyền, vận động, giáo dục họ từ bỏ là bài toán khó đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng; nhất là khi bà con không nhận thức được hậu quả mà nạn tảo hôn để lại”.
Còn theo ông Phan Văn Hùng, Trợ giúp viên pháp lý - Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, bên cạnh nguyên nhân trên, sự lạc hậu về đời sống tinh thần của một bộ phận thanh thiếu niên; vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức… cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn ở đây trở nên nhức nhối hơn.
Sau khi kết hôn, hầu hết các đôi vợ chồng “nhí” ở làng K4 thường chưa thể sống tự lập vì tuổi còn quá trẻ. Nhiều trường hợp khi ra ở riêng, không sống được với nhau dẫn đến ly hôn, gây khó khăn cho gia đình và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, con cái của những cặp vợ chồng này khi sinh ra không được đăng ký khai sinh kịp thời cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quyền trẻ em của những đứa trẻ này.
Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;
2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở...
(trích Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000) |
Một thực tế không thể phủ nhận, nạn tảo hôn vẫn còn “đất sống” như hiện nay tại làng K4 có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể. Nhiều trường hợp, địa phương biết việc kết hôn của các đôi “vợ chồng non” là vi phạm pháp luật nhưng không cương quyết ngăn cản. Khi đám cưới đã tổ chức xong, chính quyền gọi những đối tượng này tới để khiển trách, nhắc nhở rồi lại cho về... tiếp tục cuộc sống vợ chồng.
Để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, xóa bỏ hủ tục này tại làng K4, các cấp, ngành có liên quan cần kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số; các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đồng thời kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
|