Thay vì đến bệnh viện hay trạm y tế, nhiều sản phụ ở các xã miền núi tự sinh ở nhà. Đây là một thực trạng rất đáng báo động cho sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh ở 3 huyện miền núi: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh.
Giảm không đáng kể
Năm 2007, Quỹ Dân số Liên hiệp quốc đã tiến hành đợt điều tra về thực trạng sinh đẻ của cộng đồng dân tộc thiểu số tại 3 huyện miền núi của tỉnh Bình Định. Kết quả cho thấy, ngay tại huyện Vân Canh, số ca sinh tại nhà không có hỗ trợ của cán bộ y tế chiếm đến 60% số ca sinh. Đến năm 2010, thống kê của Trung tâm Y tế Vân Canh có 364 sản phụ sinh con, trong đó có 81 trường hợp đẻ tại nhà không có nhân viên y tế đỡ, chiếm 22,3%; năm 2011 tỉ lệ này giảm còn 47/445 trường hợp, chiếm 10,6%. Ông Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế Vân Canh, cho rằng đó là kết quả của những giải pháp can thiệp tích cực từ nhiều năm qua.
|
Tình trạng sản phụ vượt tuyến lên thẳng Trung tâm Y tế huyện khá phổ biến.
- Trong ảnh: Sản phụ sinh tại Trung tâm Y tế huyện Vân Canh. |
Vân Canh có 7 xã, thị trấn, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) khoảng 6.000 người. Dịch vụ đẻ tại trạm mới chỉ thực hiện được ở 2 xã Canh Hiển và Canh Vinh- nơi người Kinh chiếm đại đa số- và một vài ca ở xã Canh Thuận. Trong số 4 xã, thị trấn còn lại thì ở thị trấn Vân Canh người dân chọn giải pháp sử dụng dịch vụ tuyến trên, còn 3 xã Canh Liên, Canh Hiệp, Canh Hòa chủ yếu vẫn là đẻ tại nhà.
Ông Ngọ cho rằng, trên thực tế số ca đẻ tại nhà của các sản phụ còn cao hơn. Tại xã Canh Liên, tỉ lệ sản phụ sinh con tại nhà gần như 100%, xã Canh Hiệp khoảng 50% và Canh Hòa khoảng 40%.
Nữ hộ sinh Trần Thị Lệ Nguyên, Trạm y tế xã Canh Hiệp, cho biết: bình quân mỗi năm Canh Hiệp có chừng 50 trẻ chào đời, một phần sinh tại Trung tâm Y tế huyện phần nữa sinh tại nhà, tuyệt nhiên không có ai sinh tại trạm. Vì thế, phòng sinh và phòng hậu sinh của Trạm y tế xã được xây mới năm 2009 không phát huy được công năng. Một số trang thiết bị của phòng sinh được trạm mượn dùng làm thủ thuật kế hoạch hóa gia đình. Theo chị Nguyên, nguyên nhân của tình trạng này một phần do Canh Hiệp gần trung tâm huyện, phần nữa là sự trở ngại từ tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ e ngại sự có mặt của người ngoài gia đình trong quá trình sinh nở. “Có khi nhân viên y tế đang khám thai hay khám phụ khoa, lỡ có ai vào, sản phụ cũng kiên quyết không khám tiếp”, chị Nguyên nói.
Ở một khía cạnh khác, ông Ngọ cho rằng tình trạng sản phụ vượt tuyến lên thẳng Trung tâm Y tế huyện khá phổ biến, bởi tin vào chất lượng dịch vụ và đội ngũ cán bộ y tế tại huyện hơn trạm y tế xã.
Cần sự đồng bộ
Ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết, vài năm trở lại đây tình trạng sản phụ sinh con tại nhà ở các xã miền núi trong tỉnh đã giảm, nhưng chưa đáng kể. Trong đó, huyện Vân Canh và An Lão là những địa bàn chiếm tỉ lệ cao. Nguyên nhân là điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn sinh con tại nhà của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tiếp theo là trình độ học vấn, phong tục tập quán của đồng bào.
Song, tình trạng này cũng có nguyên nhân từ những bất cập của ngành Y tế. Cách đây vài năm, Bình Định đã áp dụng mô hình “cô đỡ thôn bản” tại các xã miền núi; nhưng thực tế họ chỉ hoạt động bằng sự nhiệt tình, ngoài ra không có bất kỳ cơ chế hỗ trợ hay cơ sở pháp lý. Trong khi đó, trạm y tế có nữ hộ sinh, hoặc y sĩ sản nhi thì chưa tạo được niềm tin với dân. Vì thế, các trung tâm y tế thường khuyến khích người dân đến bệnh viện để sinh, còn trạm y tế chỉ làm nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh.
Các số liệu của ngành Y tế cho thấy, mỗi năm số mắc 5 tai biến sản khoa và tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh ở tỉnh ta khoảng vài chục trường hợp. Tuy nhiên, đây chỉ mới là “phần nổi của tảng băng”, bởi còn bao nhiêu trường hợp khác nằm bên ngoài các cơ sở y tế không thể thống kê được.
Ông Ngọ cho biết: “Việc sinh con tại nhà rất nguy hiểm. Nếu gặp phải trường hợp sinh không thuận, sản phụ dễ bị băng huyết hoặc không đảm bảo sự vô trùng, có thể bị nhiễm trùng… Hơn nữa, sau khi sinh, sức khỏe bà mẹ còn rất yếu, nếu sinh tại cơ sở y tế có nhân viên y tế theo dõi sẽ đảm bảo hơn cho sức khỏe của sản phụ. Các trạm đã được trang bị đầy đủ các thiết bị y khoa như: bộ đỡ đẻ, bộ kiểm tra cổ tử cung, bộ hồi sức sơ sinh… để hạn chế các tình huống xấu xảy ra đối với sản phụ”.
Theo ông Hùng, sinh con tại nhà đối với đồng bào dân tộc thiểu số là thách thức rất lớn đối với công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản của các huyện miền núi. Để giải quyết tình trạng này cần phải có thời gian, đi liền với sự đồng bộ của nhiều yếu tố từ điều kiện kinh tế - xã hội, nhận thức của người dân cho đến sự sẵn sàng của dịch vụ y tế cơ sở.
|