Sáng chế đồ dùng dạy học tại Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn:
Ứng dụng tốt, hiệu quả cao
20:53', 25/5/ 2012 (GMT+7)

Để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, những năm gần đây, các giáo viên Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn luôn hưởng ứng phong trào, tự làm các thiết bị dạy nghề và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tiết kiệm, tiện ích

Từ khi đồ dùng dạy học mang tên “Cải tiến và làm mới đầu dao phay mặt đầu” của giáo viên Huỳnh Văn Trưng, Phó Khoa cơ khí, được đưa vào ứng dụng trong giảng dạy, học sinh của trường có được những tiết thực hành sinh động. Đồ dùng dạy học này có ưu điểm dễ chế tạo, độ bền cao, mở rộng phạm vi sử dụng đáp ứng yêu cầu cơ bản ngành cắt gọt. Bộ dao gồm 3 mũi với nhiều ưu điểm, thay thế cho bộ dao đang sử dụng là dao phay mặt đầu với 8 mũi do Hàn Quốc sản xuất, có giá thành cao, tìm mua khó và độ bền không cao.

 

Thầy Trưng đang xem học sinh thực hành trên đồ dùng dạy học mới do mình sáng tạo nên.

Nói về quá trình cho ra đời đồ dùng giảng dạy này, thầy Trưng cho biết: “Ý tưởng thay thế loại dao phay do Hàn Quốc sản xuất (tài trợ cho trường từ năm 1998 - PV) có từ năm 2000. Trong quá trình sử dụng, đồ dùng khó lắp ráp, nhanh hỏng. Tôi đã vẽ thiết kế và cùng với học sinh mày mò làm suốt hai năm mới thành công. Nhờ tận dụng những vật liệu có sẵn ở thị trường trong tỉnh nên giá thành đồ dùng này cũng khá rẻ, chỉ 800 ngàn đồng/bộ. Trong khi đó, nếu mua một bộ dao phay của Hàn Quốc để thay thế với tính năng thấp hơn có giá gần 8 triệu đồng/ bộ”.

Còn thầy Lý Xuân Hàn, Tổ trưởng bộ môn Hàn cùng thầy Phạm Minh Nghĩa, Khoa Cơ khí, đã sáng chế thiết bị “Máy vát mép ống” với giá 4 triệu đồng (rẻ gấp 1/10 với máy cùng loại ngoài thị trường). Đặc biệt, thiết bị này có nhiều ưu điểm vượt trội như giảm phần mua thiết bị cắt gọt, giảm thời gian thực hành sản phẩm, máy làm việc không gây ồn, độ chính xác tương đối cao, thao tác vận hành đơn giản… Thầy Lý Xuân Hàn cho biết: “ Ý tưởng này xuất phát từ những bất cập trong quá trình dạy học. Chỉ trong 4 tuần mày mò tự làm từng thiết bị lớn, nhỏ, vận hành thử nghiệm… tôi đã thành công”.  

Nâng cao chất lượng dạy nghề

Từ năm 1999, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn đã phát động phong trào tự làm thiết bị dạy học, góp phần rất lớn vào việc dạy nghề. Nhiều thiết bị trên thị trường, hay được nước ngoài viện trợ, thường chỉ để cho học sinh xem, tham khảo. Nếu có thực hành, người học cũng chỉ được thực hành một cách riêng lẻ từng hệ thống, nên giữa việc học và ứng dụng vào thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Thầy Ngô Xuân Thủy cho biết: Hàng năm, nhà trường có gần 20 sáng chế đồ dùng, thiết bị mới phục vụ nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên, học sinh; góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng tỉ đồng; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và chất lượng học nghề của học sinh.

Thầy Ngô Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, cho biết: “Yêu cầu của trường là phải thực hành trên thiết bị, đồ dùng dạy học. Có như vậy khi ra trường học sinh không bỡ ngỡ trước thực tế. Trong điều kiện kinh phí dành cho việc mua sắm trang thiết bị của trường còn hạn chế, những đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm có giá thành thấp nhưng hiệu quả dạy và học cao nên trường luôn khuyến khích đội ngũ giáo viên tự làm thiết bị phục vụ giảng dạy. Hầu hết các thiết bị đều sử dụng các vật liệu dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô trong ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, tại hội thi vừa được diễn ra vào đầu tháng 5 này, ngoài việc nâng cao tính sư phạm, ứng dụng khoa học hiện đại, các thiết bị dự thi đã quan tâm đến tính thẩm mỹ, nhiều thiết bị có kết cấu, hình thức đẹp, giá thành rẻ hơn nhiều những thiết bị bán ngoài thị trường. Có khoa, thiết bị tự làm lại là thiết bị chủ lực trong giảng dạy như khoa Điện, khoa Cơ khí, khoa Điện tử …”

Cụ thể, đồ dùng dạy học “Cải tiến và làm mới đầu dao phay mặt đầu” của thầy Huỳnh Văn Trưng có giá rẻ, dễ làm nên thầy trò đã tạo ra 3 bộ mũi dao lắp vào 3 máy giúp học sinh thực hành nhiều hơn, đúng thời hạn mà giáo viên cũng thoải mái trong các giờ thực hành. Bạn Văn Xuân Đại, lớp trung cấp nghề K5, tâm sự: “Trước kia, trường chỉ có một máy nên mỗi giờ thực hành, 30 bạn phải chờ đợi lần lượt mới tới lượt mình. Hiện nay, tụi mình được thực hành nhiều hơn, bộ dao mới nhẹ và dễ lắp ráp, vận hành hơn”.

Các sáng tạo thiết bị, đồ dùng trên đã được Hội đồng giám khảo Hội thi Thiết bị, đồ dùng dạy học tự làm đánh giá là mang tính khoa học - kỹ thuật cao và sẽ được chọn dự thi Hội thi Thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh và Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định năm 2012.  

  • HẢI YẾN
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Có nên học chữ trước khi vào lớp một?  (25/05/2012)
Xuất hiện ổ dịch nghi sốt xuất huyết ở xã Cát Tài (Phù Cát)  (25/05/2012)
Thỏa thuận hợp tác thông tin toàn diện với TTXVN   (25/05/2012)
Phát động cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam”  (25/05/2012)
“Chân đồng, vai sắt, đánh giỏi, bắn trúng”  (25/05/2012)
Quyền và nghĩa vụ của công dân  (24/05/2012)
Vướng vì không có kinh phí và quỹ đất  (24/05/2012)
21.180 hồ sơ đăng ký thi vào Trường Đại học Quy Nhơn  (24/05/2012)
Trợ cấp khó khăn đột xuất cho 5 trường hợp  (24/05/2012)
Thăm, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn  (24/05/2012)
Công chức sẽ được thuê nhà giá 5.700 đồng/tháng/m2  (24/05/2012)
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra việc thực hiện Dự án KfW6 ở Hoài Nhơn  (23/05/2012)
Thách thức ở các huyện miền núi  (23/05/2012)
Kênh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật quan trọng   (23/05/2012)
Nhức nhối nạn tảo hôn  (23/05/2012)