Cuối cùng, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh đã đưa đơn kiện Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) với lý do nợ đọng BHXH nhiều năm liền. Đây là lần đầu tiên BHXH tỉnh khởi kiện doanh nghiệp nợ tiền BHXH, nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho người lao động.
|
Trụ sở Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp. Ảnh: VĂN LƯU
|
Tiền thân Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp là Trung tâm Dịch vụ các khu công nghiệp Bình Định. Trước những khó khăn về cơ chế hoạt động và tài chính, ngày 13.11.2008, UBND tỉnh có Quyết định số 636 phê duyệt đề án chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ các khu công nghiệp Bình Định thành Công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 2.1.2009.
Người lao động trích nộp, doanh nghiệp vẫn nợ
Theo đơn kiện của BHXH tỉnh, Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp đã liên tục để nợ quỹ bảo hiểm xã hội - bảo hiểm y tế - bảo hiểm thất nghiệp (BHXH-BHYT-BHTN) và lãi chậm đóng kéo dài, dù được kiểm tra, thông báo hàng tháng. Từ năm 2009 đến cuối tháng 3.2012, Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp nợ 39 tháng tiền đóng BHXH-BHYT-BHTN cho 16 lao động và lãi chậm đóng, với số tiền hơn 619,5 triệu đồng.
Trong thời gian này, BHXH tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu đơn vị trích nộp; các cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần tổ chức các đoàn kiểm tra công tác quản lý BHXH tại Công ty. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm, việc thu hồi nợ đọng và giải quyết chế độ BHXH cho người lao động tại Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp vẫn bị ách tắc, gây những dư luận không tốt.
BHXH tỉnh đã báo cáo tình hình nợ xấu của Công ty đến các cơ quan chức năng. Nhiều cuộc họp của liên ngành đề xuất các biện pháp tháo gỡ nhưng đến nay, tình trạng trên không có chuyển biến. Điều đáng nói, hàng tháng Công ty này vẫn khấu trừ tiền lương, tiền công của người lao động trích nộp BHXH-BHYT-BHTN.
Trao đổi với PV Báo Bình Định về vấn đề này, ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết hàng tháng người lao động vẫn bị khấu trừ tiền công để đóng các khoản BHXH-BHYT-BHTN nhưng không được Công ty trích nộp. Rõ ràng, đây là hành động vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, gây khó khăn cho việc giải quyết kịp thời các chế độ.
Đến hẹn lại… hẹn
Từ ngày thành lập, Trung tâm Dịch vụ các khu công nghiệp Bình Định nay là Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp chỉ chuyển trả và trích nộp 50 triệu đồng BHXH cho người lao động, gồm 20 triệu đồng năm 2008 và 30 triệu đồng vào năm 2009.
Ngày 28.7.2010, kết quả kiểm tra của BHXH tỉnh cho thấy, Công ty đã nộp tiền BHXH đến hết tháng 12.2008 và BHTN đến tháng 8.2009; đồng thời, đề nghị Công ty nộp BHXH kịp thời hàng tháng theo quy định. Ngày 1.12.2010, đoàn công tác liên ngành (Thanh tra tỉnh, Sở Tài chính và BHXH tỉnh) kiểm tra, khảo sát việc thực hiện chính sách BHXH-BHYT-BHTN cho người lao động, đã xác định có 20 lao động có mặt làm việc tại Công ty nhưng chỉ 18 người được đóng BHXH. Và thực tế, Công ty này không thực hiện đúng cam kết, không chuyển trả hết nợ cũ và tiền phát sinh hàng tháng. Trong biên bản kiểm tra lần này, đại diện Công ty giải thích: “Tiền thân đơn vị là Trung tâm Dịch vụ các khu công nghiệp, là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn, quá trình hoạt động hoàn toàn bế tắc. Đơn vị được chuyển thành Công ty cổ phần từ tháng 1.2009, bước đầu hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Từ tháng 3.2010 mới chính thức mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Đến 15.1.2011, đơn vị sẽ chuyển trả 40% nợ BHXH-BHYT-BHTN”.
Tiếp tục ngày 7.6.2011, BHXH tỉnh có văn bản số 241 “chốt” nợ và đề nghị Công ty chuyển trả nợ đọng tiền BHXH-BHYT-BHTN và lãi chậm đóng là hơn 436,6 triệu đồng trước ngày 25.6.2011. Nếu đơn vị không thực hiện, BHXH tỉnh sẽ tạm dừng tiếp nhận hồ sơ giải quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, hay khởi kiện ra tòa theo quy định. Tháng 6.2011, Công ty đã có văn bản gửi BHXH tỉnh trình bày lý do và một số kiến nghị, đồng thời, cho biết sẽ “nộp số tiền nợ trên vào tài khoản của BHXH sớm khi hoàn thành các thủ tục được trích hoàn thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế (đã làm xong chờ thẩm tra)”.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Dịch vụ các khu công nghiệp về tình hình lao động và quỹ tiền lương tham gia và thực hiện chính sách về BHXH-BHYT-BHTN, tổng số lao động của Công ty tham gia BHXH-BHYT-BHTN là 16/18 lao động có mặt làm việc tại Công ty. Trong đó, số tiền BHXH-BHYT-BHTN phải nộp tính đến 30.11.2011 là gần 530 triệu đồng, nhưng Công ty vẫn chưa nộp.
Theo Biên bản kiểm tra ngày 27.12.2011 của đoàn thanh tra liên ngành, do ông Huỳnh Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, thuộc Sở LĐ-TB&XH làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và BHXH tỉnh: Căn cứ báo cáo quyết toán tài chính của đơn vị, tình hình kinh doanh năm 2009, 2010 tương đối ổn định. Năm 2011, tình hình kinh doanh của đơn vị trong 6 tháng đầu năm bình thường, 6 tháng cuối năm có khó khăn; đơn vị đã trả lương và trích các khoản BHXH-BHYT-BHTN đến tháng 6.2011. Nhưng từ tháng 4.2009, đơn vị hoàn toàn không trích nộp BHXH-BHYT-BHTN cho người lao động. Dù vậy, trong thời gian này cơ quan BHXH vẫn cấp phát thẻ BHYT đầy đủ cho người lao động.
Ngày 16.4.2012, BHXH tỉnh tiếp tục gửi văn bản 259/BHXH-PT đề nghị Công ty trả nợ đọng tiền BHXH-BHYT-BHTN và lãi chậm đóng đến ngày 29.2.2012 là hơn 597,6 triệu đồng (thời gian nợ 38 tháng). Ngày 20.4, Công ty có văn bản 29 đề nghị BHXH tỉnh “cho phép chậm nộp và giãn thời gian nộp số tiền theo văn bản 259”; đồng thời, lặp lại lời hứa lần trước: “Công ty chịu trách nhiệm nộp số tiền nợ trên vào tài khoản của BHXH sớm sau khi hoàn thành các thủ tục được trích hoàn thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế (đã làm xong chờ thẩm tra)”.
Trong cuộc làm việc sau đó 10 ngày giữa BHXH tỉnh và Công ty, hai bên thống nhất thời hạn là 15.5.2012, Công ty trích nộp 50% trên tổng số hơn 619,5 triệu đồng nợ. Mặt khác, để tạo điều kiện cho Công ty trong giai đoạn khó khăn, số nợ còn lại phân bổ nộp hàng tháng đến 30.9.2012 cùng với số tiền phát sinh mới. Nhưng đến ngày 15.5, chưa thấy Công ty này chuyển tiền như đã hẹn.
PV Báo Bình Định nhiều lần điện thoại để liên hệ làm việc với Giám đốc Công ty về vấn đề này nhưng đều không có tín hiệu, trong khi bộ phận hành chính cho biết Giám đốc đang đi công tác.
DN không thể chiếm dụng tiền trích nộp BHXH của người lao động
Ông Phạm Mai, Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Chuyện doanh ngiệp (DN) nợ BHXH với thời gian và số tiền lớn không phải chỉ có mình Công ty này. Trước đây, Bình Định cũng từng có đơn vị nợ BHXH đến 4 tỉ đồng, nhưng đơn vị có “thiện chí” phối hợp rất tốt với cơ quan BHXH tháo gỡ và trả dần trong 2 năm là hết.
BHXH tỉnh có trách nhiệm giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn về nợ BHXH. Trước khi đưa đơn kiện ra TAND TP Quy Nhơn, BHXH tỉnh đã mời họ làm việc nhiều lần, nhưng DN này thiếu thiện chí. Cơ quan BHXH kiện DN để tòa xem xét giải quyết, buộc Công ty chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về BHXH, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, có ý kiến đồng tình với việc BHXH tỉnh khởi kiện DN nợ kéo dài BHXH. Số tiền trích nộp BHXH-BHYT-BHTN của người lao động đã được Công ty khấu trừ vào tiền lương, tiền công hàng tháng. Vì thế, DN phải có trách nhiệm nộp đầy đủ cho cơ quan BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chứ không thể chiếm dụng được.
T.B | |