Ngày 28.5, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp Trung tâm Y tế Phù Cát tổ chức phun hóa chất bằng đội máy phun ULV cỡ lớn đặt trên ô tô và máy mang vai tại 8/8 thôn của xã Cát Tài, nhằm khẩn trương ngăn chặn sự phát triển và lan rộng ổ dịch nghi sốt xuất huyết Dengue tại đây.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết sau xử lý bằng hóa chất, ngành Y tế sẽ tiếp tục theo dõi ca bệnh và giám sát các chỉ số muỗi và bọ gậy tại địa bàn, có thể phun hóa chất lần hai trong 7-10 ngày tới.
|
Bệnh nhân sốt xuất huyết ở xã Cát Tài điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Phù Cát. |
Để đảm bảo việc phun hóa chất có hiệu quả, trước đó ngày 25.5, bác sĩ Trần Văn Hòa, Đội trưởng Đội Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế Phù Cát đã làm việc với đại diện lãnh đạo UBND xã, Trạm y tế và nhân viên y tế thôn của xã Cát Tài. Trong hai ngày 26 và 27.5, UBND xã Cát Tài đã chỉ đạo và huy động toàn thể cộng đồng tham gia chiến dịch diệt bọ gậy và vệ sinh môi trường. Xã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy tại các thôn, gồm có trưởng thôn, dân phòng, cộng tác viên phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, học sinh... trong đó nhân viên y tế thôn là người hướng dẫn đi đến từng hộ gia đình kiểm tra, yêu cầu loại trừ ngay các ổ bọ gậy.
Mục tiêu của chiến dịch diệt bọ gậy, kết hợp phun hóa chất do Trung tâm Y tế Phù Cát phối hợp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện tại xã Cát Tài đảm bảo giảm ít nhất 80-90% chỉ số mật độ muỗi; 100% hộ gia đình tại các thôn được tuyên truyền và tham gia hưởng ứng chiến dịch.
Ngày 7.5, Trung tâm Y tế Phù Cát tiếp nhận điều trị 2 ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên đến từ xã Cát Tài. Đó là trường hợp của anh T.N.T (36 tuổi, ở thôn Hòa Hiệp) và chị N.T.N (28 tuổi, ở thôn Thái Thuận). Sau đó 12 ngày, Cát Tài tiếp tục ghi nhận nhiều ca bệnh với các triệu chứng nghi sốt xuất huyết Dengue. Điều đáng nói, chỉ trong vòng một tuần, Cát Tài có đến 11 trường hợp mắc bệnh ở 3 thôn: Thái Bình, Thái Thuận và Thái Phú. Như vậy, trong vòng 20 ngày (từ 4.5 đến 25.5), Cát Tài đã có 13 ca nghi mắc sốt xuất huyết điều trị tại Trung tâm Y tế Phù Cát và 4 trường hợp có sốt điều trị tại nhà. Đến thời điểm này, y tế địa phương đã ghi nhận số bệnh nhân nghi sốt xuất huyết tại 4/8 thôn của Cát Tài, gồm: Hòa Hiệp, Thái Thuận, Thái Bình, Thái Phú.
Ngày 20.5 và 24.5, kết quả điều tra côn trùng của y tế tại xóm Nam (thôn Thái Bình), đội 1 và 3 (thôn Thái Thuận), đội 3 (thôn Thái Phú) cho thấy, các chỉ số muỗi và chỉ số bọ gậy rất cao so với ngưỡng cho phép. Trung tâm Y tế Phù Cát đã giám sát và khoanh vùng xử lý hóa chất theo cụm tại nơi có ca bệnh, gồm: xóm Nam và Bắc (thôn Thái Bình), đội 1, 2, 3 (thôn Thái Thuận) và đội 3 (thôn Thái Phú); đồng thời phối hợp tuyên truyền về bệnh và các yếu tố nguy cơ.
Trên thực tế, 100% ca bệnh sốt xuất huyết của Cát Tài được ghi nhận khi bệnh nhân nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế huyện; trong đó, 4/13 bệnh nhân nặng phải chuyển viện. Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết một số bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng do đã có thời gian điều trị tại nhà. Trước tình hình này, trong cuộc họp giao ban y tế thôn ngày 25.5, bác sĩ Võ Văn Minh, Trưởng Trạm y tế Cát Tài đã yêu cầu tuyệt đối không được “giữ” điều trị bệnh nhân có sốt tại nhà.
Chiều 28.5, ông Lê Quang Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế đã kiểm tra tình hình và các khâu chẩn đoán, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại huyện Phù Cát. Ông Hùng cho biết, Sở đã chỉ đạo y tế địa phương khẩn trương dập dịch bằng cách đẩy nhanh các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết trong cộng đồng, khẩn trương xử lý ổ dịch nhỏ, phun hóa chất diệt muỗi, vận động người dân vệ sinh môi trường…
|