|
Do chưa thiết lập được BĐĐC nên việc quản lý, sử dụng đất tại xã Nhơn Hải gặp không ít khó khăn, trở ngại. |
Đến nay, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) vẫn chưa có bản đồ địa chính (BĐĐC) phục vụ công tác quản lý, sử dụng đất đai. Điều này gây không ít khó khăn, vướng mắc cho chính quyền địa phương trong quản lý đất đai cũng như giải quyết quyền lợi cho người dân.
Làm việc với chính quyền địa phương, ông Ngô Đức Tình, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: “Vào thời điểm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng - nay là Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 364/CT ngày 6.11.1991, toàn xã Nhơn Hải có 1.200 ha. Hiện nay, xã có 4 thôn, gồm: Hải Đông, Hải Giang, Hải Nam, Hải Bắc với 1.345 hộ và 6.196 nhân khẩu. Với diện tích và số dân như vậy nhưng địa phương chưa có cơ sở pháp lý nào về mặt hành chính Nhà nước trong việc quản lý đất đai, bởi xã chưa được thiết lập BĐĐC. Điều này gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc quy hoạch, quản lý và sử dụng đất”.
Vì chưa có BĐĐC nên chính quyền xã Nhơn Hải phải căn cứ vào các “mốc giới” đã có từ trước đây như hàng rào, cây dừa, cọc tre... để xác định ranh giới giữa các thửa đất; diện tích đất giữa các hộ dân. Những năm trước đây, khi dân số của xã còn ít và “tấc đất” chưa là “tấc vàng”, việc lấn chiếm, tranh chấp đất của người dân hầu như ít xảy ra.
Từ năm 2000 trở lại đây, khi địa phương đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống đường giao thông; đặc biệt, việc dân số ngày càng tăng nhưng đất đai không “đẻ thêm” nên đã nảy sinh nhiều phức tạp trong quản lý, sử dụng đất. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng người dân tự ý lấn chiếm đất phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở. Trong khi xã Nhơn Hải chưa có BĐĐC, việc quản lý đất chỉ dựa vào phương pháp thủ công là chính nên việc xử lý các trường hợp vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cùng đó, tất cả các hộ dân có nhà, đất và hiện đang cư trú tại đây cũng chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các hộ dân trong vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Người dân địa phương không thể thế chấp số tài sản họ đang sở hữu hợp pháp (nhà, đất) để vay vốn ngân hàng bởi những tài sản này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận nên các tổ chức tín dụng không có căn cứ để xem xét, giải ngân vốn. Hiện nay, người dân có nhu cầu vay vốn chỉ được vay tối đa 20 triệu đồng và phải có sự bảo lãnh của chính quyền địa phương. Với số tiền này, họ khó mà đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất quy mô để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, người dân Nhơn Hải cũng gặp không ít khó khăn về mặt pháp lý khi có vụ việc liên quan đến vấn đề đất đai, nhà cửa; đặc biệt là những tranh chấp về đất và tài sản gắn liền với đất. Ông Lương Văn Công, cán bộ Địa chính xã Nhơn Hải, cho biết: “Theo quy định, khi có tranh chấp về đất đai và tài sản gắn liền với đất, UBND xã chỉ đứng ra hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì địa phương chuyển hồ sơ đến cơ quan cấp trên (ngành Tài nguyên- Môi trường và Tòa án-PV) giải quyết. Tuy nhiên, do tài sản tranh chấp chưa có giấy tờ hợp pháp chứng minh nên cơ quan có thẩm quyền không thể thụ lý. Vì vậy, vụ việc bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, cũng như tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.
Trước những vướng mắc, khó khăn trên, ông Ngô Đức Tình kiến nghị: “Chúng tôi mong ngành chức năng của TP Quy Nhơn sớm tiến hành đo đạc, thiết lập BĐĐC xã Nhơn Hải phục vụ nhiệm vụ quản lý, sử dụng đất đai. Bởi một khi chưa có BĐĐC, chúng tôi thiếu cơ sở thực hiện tốt công tác quản lý đất đai. Thực tế hiện nay, địa phương chưa thể áp dụng Quyết định 15/2008/QĐ-UBND ngày 18.3.2008 của UBND tỉnh vào việc xử lý lấn, chiếm đất đai cũng bởi chưa có BĐĐC. Đồng thời, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, diện tích đất tại địa phương không có tờ bản đồ, số thửa, loại đất cụ thể thì việc chỉnh trang, quy hoạch đất phục vụ công tác xây dựng nông thôn mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
|