Điều trị các rối loạn tâm thần do rượu:
Mới giải quyết được “phần ngọn”
21:58', 30/5/ 2012 (GMT+7)

Từ năm 2011 đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã triển khai điều trị các rối loạn tâm thần và hành vi trên một số bệnh nhân nghiện rượu. Tuy nhiên, những nỗ lực điều trị cho các bệnh nhân này cũng chỉ giải quyết được “phần ngọn”.

Gia tăng rối loạn tâm thần do rượu

Tình trạng lạm dụng rượu khiến không ít người bị nghiện và rối loạn tâm thần. Thống kê tại Bệnh viện Tâm thần, số người nhập viện bởi tác động của rượu trong 3 năm 2008-2010 lên đến 207 bệnh nhân.

Hơn 40 tuổi, N.Đ.T (Tây Sơn) vào viện với những cơn hoang tưởng lẫn lộn. Trong phút tĩnh trí hiếm hoi, anh bảo có hôm đang ngủ thì cảm giác ong ong trong đầu buộc phải ngồi dậy uống rượu.

 

Tình trạng bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu phải nhập viện ngày càng tăng cao.

Bác sĩ Võ Văn Thống, khoa Điều trị I, cho biết mỗi ngày có 4-5 bệnh nhân xin điều trị các rối loạn tâm thần và hành vi do rượu. Họ đều thuộc dạng nghiện rượu nặng, có người đã uống rượu 15-20 năm. Một số người nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, luôn có cảm giác hoang tưởng, ảo giác; hoặc bị rối loạn hành vi, không kiểm soát được bản thân, có cảm giác bất an, cảm thấy ai đó tấn công mình và rất muốn tấn công người khác hoặc có hành vi bạo lực với vợ con, hàng xóm.

Gần tháng trước, ông Đinh K. (51 tuổi, ở huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai) có biểu hiện hoang tưởng, ảo giác hay cáu gắt, gây gổ trong nhà và hàng xóm láng giềng nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Tâm thần Bình Định. Các bác sĩ ở đây cho biết, ông K. bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu. Sau nửa tháng điều trị, chiều 29.5, ông K. đã được xuất viện. Ông K. đã uống rượu gần 15 năm nay. Người nhà cho biết không có rượu thi thoảng ông ấy lại hét ầm lên, rồi hoảng loạn, đập phá nhà cửa, đồ đạc, chửi bới mọi người… Ông kể: “Mỗi buổi sáng thức dậy là mình thèm rượu, thiếu rượu là trong người bứt rứt, khó chịu, đờ đẫn như người mất hồn”.

Một nghiên cứu của bác sĩ Châu Văn Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần, cho thấy trong số 58 bệnh nhân nhập viện điều trị loạn thần do rượu năm 2011 đều là nam giới, chủ yếu là nông dân, công nhân và người buôn bán. Lý do bệnh nhân vào viện thường gặp là rối loạn hình thức tư duy 51,79%, mất ngủ 57,14%, kích động 44,64%.

Mới giải quyết được “phần ngọn”

Tình trạng bệnh nhân loạn thần do rượu phải nhập viện ngày càng tăng cao. Các nhà chuyên môn đã xác định loạn thần do lạm dụng rượu cao gần gấp đôi loại bệnh đứng hàng thứ 2 là trầm cảm hay rối loạn lo âu.

Tuy nhiên, trước đây nhiều bệnh nhân và người thân của họ muốn được cai rượu tại bệnh viện, nhưng chưa được đáp ứng, do chưa triển khai phác đồ cai rượu và không đủ bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa.

Năm 2011, Bệnh viện Tâm thần đưa vào sử dụng thuốc Naltrexone điều trị trên 19 bệnh nhân có các rối loạn tâm thần và hành vi do rượu để phòng chống tái nghiện trên một số bệnh nhân. Bác sĩ Châu Văn Tuấn cho biết, dùng Naltrexone sẽ ức chế tất cả các thụ cảm thể morphin trên não bệnh nhân, vì thế morphin nội sinh có nguồn gốc từ rượu sẽ không còn gắn kết được với các thụ cảm thể morphin trên não được nữa và không tạo ra khoái cảm thích thú, tiếp tục uống rượu. Quá trình này kéo dài vài tháng trở lên thì bệnh nhân sẽ chán rượu, giảm dần lượng uống và bỏ rượu. Naltrexone có ưu điểm là bệnh nhân không cần ngừng rượu đột ngột, bệnh nhân thích nghi được do hiệu quả gây chán uống rượu của thuốc xuất hiện từ từ trong 3 tháng, thuốc cũng không gây ra tác dụng phụ.

Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khẳng định việc điều trị các rối loạn tâm thần và hành vi do rượu cũng chỉ giải quyết được “phần ngọn”, cốt lõi vẫn là bệnh nhân phải đoạn tuyệt với “ma men”. Bác sĩ Võ Văn Thống cho biết: Việc điều trị nghiện rượu vô cùng khó khăn. Nguyên nhân là một phần bệnh nhân không quyết tâm, phần khác do rượu được bán tràn lan và quá rẻ. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là họ bị những người xung quanh khích bác, trêu chọc…

“Điều trị nghiện rượu là cả một quá trình dày công và muốn có kết quả đòi hỏi sự tự giác của người bệnh, sự phối hợp của gia đình và cộng đồng. Giai đoạn điều trị nội trú trong bệnh viện thường dành cho người nghiện với hội chứng cai, các rối loạn tâm thần. Giai đoạn quan trọng và khó khăn hơn nhiều là duy trì, chống tái nghiện ở cộng đồng”, bác sĩ Châu Văn Tuấn khẳng định.   

  • HIỀN LÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hỗ trợ 450 triệu đồng xây nhà tình thương cho NKT  (30/05/2012)
Giám sát công tác quản lý đất đai tại huyện Phù Cát  (30/05/2012)
Doanh nghiệp nhà nước lỗ gấp 12 lần doanh nghiệp dân doanh  (30/05/2012)
“Tra tấn” cư dân đến bao giờ?  (30/05/2012)
Vướng mắc vì chưa có bản đồ địa chính  (29/05/2012)
Quyết liệt trước mắt, bền vững lâu dài  (29/05/2012)
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại Phù Cát, Phù Mỹ  (29/05/2012)
Nhiều hoạt động nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6  (29/05/2012)
Đề nghị bình ổn giá phân bón, thuốc trừ sâu...  (29/05/2012)
Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị các kỳ thi năm 2012 trên địa bàn tỉnh  (28/05/2012)
Khẩn trương ngăn chặn  (28/05/2012)
Một số địa phương không có ca mắc mới bệnh tay - chân - miệng  (28/05/2012)
Huy động các cấp, ngành và toàn xã hội tham gia phòng, chống sốt xuất huyết  (28/05/2012)
Giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị của HĐND tỉnh tại huyện Tây Sơn  (28/05/2012)
Lương thấp, bộ máy cồng kềnh dễ phát sinh tiêu cực  (28/05/2012)