Khi còn sống, họ mang số phận không may: kẻ quên quên nhớ nhớ, người tật nguyền bị bỏ rơi. Nhưng khi lìa trần, họ vẫn có được nơi yên nghỉ ấm áp từ sự nỗ lực của những người làm công tác bảo trợ xã hội (BTXH)…
|
Nhà hương khói của Trung tâm BTXH tỉnh. |
Không chỉ là nắm đất…
Nghĩa địa của xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn nằm trên một gò đất trống ở thôn Phụng Du 1. Nơi đó có nhiều ngôi mộ được xây cất khang trang, dán gạch men, gắn bia đá. Nếu không để ý, nhiều người chẳng thể nhận ra 10 ngôi mộ nằm cạnh nhau ngay hàng thẳng lối. Đó là phần mộ của những người tâm thần. Mỗi ngôi mộ được xây giản đơn, với tấm bia xi măng có khắc những dòng tên.
Lúc thắp hương cho từng ngôi mộ, ông Nguyễn Minh Châu, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn (NDNTTHN), cho biết: “Đây là khu nghĩa địa mới của Trung tâm. Chúng tôi rất muốn xây tường rào khang trang, nhưng vì kinh phí hạn hẹp nên chưa thực hiện được. Khu nghĩa địa cũ còn 18 mộ, nằm trong khu quy hoạch nên sắp tới chắc sẽ được di dời”.
Trong khi đó, ở Trung tâm BTXH tỉnh (phường Bình Định, thị xã An Nhơn), ngay từ những ngày mới thành lập, lãnh đạo Trung tâm đã xin đất làm nơi chôn cất đối tượng quá cố. Cuối năm 1995, Trung tâm được UBND xã Nhơn Hòa cấp cho 800m2 đất ở thôn Phú Sơn để làm nghĩa địa riêng. Từ đó đến nay, đã có trên 100 người lìa trần tại Trung tâm BTXH tỉnh, chỉ có 44 trường hợp được gia đình đưa về mai táng, còn lại đều được chôn cất ở nghĩa địa này. Khu nghĩa địa có tường rào, trên cổng ghi rõ: “Trung tâm BTXH Bình Định: Khu phần mộ dành cho các đối tượng xã hội”.
Hiện nay, khu phần mộ này chỉ còn đủ chỗ chôn khoảng 20 người chết. Làm sao xin được đất để làm nghĩa địa là một trong những tâm niệm của ông Nguyễn Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm, trước khi ông nghỉ hưu vào cuối năm 2013.
|
Bàn thờ trong nhà tang lễ của Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. |
Tiếp nối tình thương
Hiện nay, theo quy định chung, mai táng phí cho đối tượng BTXH là 4 triệu đồng, trong đó có 1 triệu đồng dành cho việc xây mộ. Theo ông Nguyễn Minh Châu, công xây mộ theo thời giá khoảng 280 ngàn đồng/người/ngày. Một ngôi mộ đơn giản nhất, 2 người phải làm cả ngày mới xong. Rồi giá vật tư xây dựng cũng tăng nhanh, nên để có được ngôi mộ cho đối tượng, Trung tâm NDNTTHN phải huy động công sức của cán bộ, nhân viên, cộng với phần hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Trong khi đó, Trung tâm BTXH tỉnh phải để dồn 4-5 phần mộ mới xây một lần nhằm giảm các chi phí phát sinh.
Mỗi lần có người qua đời, bà con đang sống trong Trung tâm BTXH tỉnh đều tham gia đưa tiễn. 3 ngày sau tang lễ, Trung tâm tổ chức cúng mở cửa mả. Vào các ngày 14, Rằm, 30, mùng Một âm lịch hàng tháng, bàn thờ ở nhà lại đầy trái cây, nhang đèn lên hương khói. 20 tháng Chạp hàng năm, Trung tâm lại tổ chức chạp mả, tôn tạo, quét vôi mới cho từng ngôi mộ.
Gắn bó với Trung tâm BTXH tỉnh từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Thanh Châu vẫn nhớ rõ những tang lễ đặc biệt được tổ chức ở đây. Tháng 2 âm lịch năm 2011, chỉ trong 1 buổi sáng có 2 cụ ra đi, cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải tất bật để kịp tổ chức tang lễ trước khi trời tối. Trước đó, có 2 cụ già ra đi đúng 30 Tết, trong đó có một cụ mất lúc 13 giờ 30. Toàn bộ cán bộ, nhân viên của Trung tâm được huy động để lo ma chay, chôn cất cho người quá cố. Đến 19 giờ, mọi người mới được về nhà, sửa soạn đón giao thừa.
“Điều đáng quý là những người được nuôi dưỡng tại Trung tâm còn vận động được đều tích cực góp công vào việc tổ chức tang lễ, từ đó mối quan hệ giữa những người còn sống cũng ngày càng khắng khít hơn. Hơn nữa, khi được dự lễ tang trang trọng, các cụ sẽ cảm thấy yên lòng hơn. Một cụ già ở chỗ chúng tôi từng nói: “Nếu tui ở nhà chắc không được mồ yên mả đẹp giống như vầy đâu”!”- ông Châu tâm sự.
Khi vào thăm nhà tang lễ của Trung tâm NDNTTHN, tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy ngay trước bàn thờ là thùng “Hương nhu”, nơi đựng những đồng tiền đóng góp để hương khói cho những người bất hạnh đã khuất. Trên vách tường là danh sách 26 doanh nghiệp, cá nhân đóng góp tu sửa nhà tang lễ của Trung tâm được đóng khung trang trọng. Mỗi lần tổ chức bữa ăn ngon từ thiện cho người tâm thần, các nhà hảo tâm không quên đặt lễ cúng lên bàn thờ. Thế mới biết, tình thương của cộng đồng dành cho những số phận không may mắn không chỉ dừng lại khi họ còn sống mà còn tiếp nối khi họ đã lìa xa cuộc đời…
|