Thời phong kiến đã xa lắc lơ, thế nên ắt hẳn nhiều người sẽ tròn mắt ngạc nhiên khi nghe nhắc đến thói quan lại ở làng quê ngày nay. Nhưng thật buồn là, hiện tượng lộng hành của những người có chức vụ ở cấp thôn, làng vẫn hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày.
Trước đây, bà làm ở tận tòa án huyện, nhưng vì dính “xì căng đan” lăng nhăng, nên được cho ra khỏi ngành. Về làng, với mác quan chức, bà ngồi ngay vào cái ghế phó trưởng thôn, kiêm nhiều công việc có tên và không tên khác. Sẽ thật là ấu trĩ nếu ai đó cho rằng các quan ở thôn chỉ có mặt cho “đủ mâm đủ bát”. Bởi ở nơi trực tiếp tiếp xúc với người dân này, những vị quan có cái tâm không lấy gì sáng sủa sẽ dễ dàng hạch sách, vụ lợi.
Làm tổ trưởng tổ vay vốn ưu đãi, bà thẳng thừng từ chối những người “không ưa mắt” có nhu cầu và đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Tiền cho vay ba chục triệu, bà chỉ đưa hai chục, bắt người ta ký nhận đủ ba chục. Phần còn lại, bà cho người khác vay với lãi suất cao hơn để kiếm lãi. Khi ai đó thắc mắc, bà sẵn sàng lớn tiếng: “Cho ai vay, không cho ai vay là quyền của tao. Đã cho vay tiền còn không biết ơn (!?)”. Người nông dân năm nắng mười sương, nói năng vốn câu lành câu cụt, trước thái độ phủ đầu của quan bà, chỉ biết ngậm bồ hòn làm ngọt.
Là người có trình độ, nên việc giấy má, tiền bạc của thôn đều qua tay bà. Ở cái xóm nhỏ bên bờ sông này, trước đây chả ai để ý đến tờ biên lai màu gì, hình dạng ra sao. Khi thu tiền đóng góp làm đường bê tông nông thôn, quan bà hay “truy thu” năm trước. Nhiều người khăng khăng năm ngoái nộp rồi, bà bảo đem biên lai ra đối chứng. Đến khi đó, họ mới bật ngửa, hồi giờ có ai nghĩ đến chuyện nộp tiền phải hỏi biên lai rồi đem cất kỹ…
“Cấp trên” chỉ thực sự nghe tiếng tăm của quan bà khi lác đác có vài người lên than phiền, sao con tôi 2 tuổi, bà ngoại tôi 83 tuổi rồi mà không có cái thẻ bảo hiểm đi khám bệnh. Khi cán bộ xã gọi xuống, bà cười giả lả: “Chắc để quên đâu đó”. Khi dân quyết liệt phản đối bà giữ các chức vụ liên quan đến tiền bạc ở thôn, cực chẳng đã, bà phải nhảy sang các công việc ít “quyền lực”. Vậy mà, thói tật khó sửa, bà vẫn tìm được cách hạch sách những người cùng làng cùng xóm với mình…
Khi làng xóm nào đó có một quan như bà, những thiệt hại về vật chất của người dân chỉ là “chuyện nhỏ”. Đằng sau nó là những tổn thất về tinh thần, những bất đồng không đáng có trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, người dân sẽ cảm thấy bất mãn với chính quyền khi còn trực tiếp tiếp xúc với một “đại diện” xấu nết như thế…
|