Đề xuất xây dựng Luật Đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư (*)
22:34', 5/6/ 2012 (GMT+7)

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Cảnh, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đã báo cáo đề xuất xây dựng Luật Đền bù, hỗ trợ, thu hồi đất và tái định cư (ĐBHTTHĐ-TĐC). Dưới đây là bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh.

 

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH NAM

 

Cần xây dựng Luật ĐBHTTHĐ-TĐC

Tham gia vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013, tôi xin được đề xuất xây dựng Luật ĐBHTTHĐ-TĐC, với những lý do cần thiết cho việc xây dựng dự án Luật này như sau:

Những năm gần đây, với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc thực hiện quy hoạch đất có rất nhiều thay đổi. Trong đó có việc quy hoạch các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ sở hạ tầng cho văn hóa, giáo dục, y tế, đặc biệt là về hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, đã luôn được Nhà nước quan tâm. Với mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì thời gian không còn xa. Vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, góp phần chỉnh trang đô thị, thống nhất quy hoạch là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, do không có sự thống nhất về việc bồi thường, thu hồi đất, hỗ trợ, TĐC giữa chính quyền, người dân và nhà đầu tư nên nhiều quy hoạch, dự án không thể thực hiện đúng như phê duyệt cả về thời gian và diện tích mà phần lớn là do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, nhiều trường hợp phải cưỡng chế, gây hậu quả nghiêm trọng và đang là vấn đề rất bức xúc, được toàn xã hội quan tâm. Mặc dù chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, giải thích, song cơ chế thực hiện công tác đền bù vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp; chính sách bồi thường chưa đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Sự không thống nhất trong công tác đền bù, giải tỏa đã làm cho đời sống, việc làm, thu nhập thường xuyên của nhiều người dân có đất bị thu hồi bị ảnh hưởng tiêu cực; các chủ dự án cũng gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; kế hoạch phát triển của địa phương có dự án chậm trễ cũng bị ảnh hưởng; làm mất đi tính đồng bộ trong quy hoạch phát triển của địa phương; làm cho địa phương phải tốn kém nhiều thời gian và chi phí để tổ chức giải quyết các tranh chấp, khiếu nại có liên quan; ảnh hưởng đến công tác của chính quyền cho các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Hiện nay, các văn bản dưới Luật quy định về đền bù, giải tỏa, TĐC và giá cả đền bù luôn phải điều chỉnh. Để đưa ra một quyết định ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất, có địa phương phải căn cứ hơn 10 Nghị định của Chính phủ, gần 10 Thông tư và Thông tư liên tịch của các Bộ, và nhiều văn bản khác có liên quan ở địa phương. Điều này cũng cho thấy sự phức tạp, chồng chéo trong các quy định về công tác đền bù, là nguyên nhân phổ biến dẫn đến sự không đồng bộ và khó khăn khi thực hiện công tác đền bù ở các địa phương.

Việc để đất không sử dụng do dự án bị kéo dài là lãng phí tài nguyên đất, những nguồn thu có được từ việc sử dụng đất và các tài sản trên đất. Lãng phí không chỉ là đất đai không được sử dụng hiệu quả, địa phương không phát huy hết tiềm năng, gây ảnh hưởng chung trong quy hoạch của địa phương, các nhà đầu tư bị động trong kế hoạch kinh doanh, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, mà đặc biệt hơn là đời sống, sinh hoạt của người dân có đất trong diện đền bù không được ổn định để tập trung phát triển sản xuất. Dù là việc chậm trễ do ai, thiệt hại do dự án bị chậm trễ ảnh hưởng đến đối tượng nào, thì đây cũng là sự lãng phí, thiệt hại chung về kinh tế - xã hội của địa phương, của toàn xã hội. Vì vậy, theo tôi việc xây dựng một DA Luật riêng để điều chỉnh việc ĐBHTTHĐ-TĐC là hết sức cần thiết, để tạo sự thống nhất cao hơn nữa về chủ trương, chính sách từ trung ương đến địa phương trong công tác đền bù, TĐC.

Một số đề xuất liên quan

Tại văn bản số 97 ngày 5.2.2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các ĐBQH góp ý xây dựng Luật, tôi đã đề xuất xây dựng dự án Luật này, trong đó có nội dung về mục đích, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, những quan điểm, chính sách cơ bản. Theo chương trình dự kiến thì Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được chuyển sang kỳ họp thứ 5 để thảo luận và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 6. Để có tính kế thừa từ DA Luật Đất đai (sửa đổi) và các nghị định liên quan đến chính sách đền bù, TĐC khi xây dựng Luật ĐBHTTHĐ-TĐC, tôi đề nghị ngay khi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo dự kiến, thì Luật ĐBHTTHĐ-TĐC cũng sẽ được xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7. Và cũng để tạo sự thống nhất về mặt nội dung của Luật này với Luật Đất đai (sửa đổi) và tạo thuận lợi trong việc xây dựng dự án Luật này, tôi đề nghị ban soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiến hành soạn thảo Luật ĐBHTTHĐ-TĐC.

Từ nay đến kỳ họp thứ 6 là khoảng thời gian để Quốc hội nghiên cứu đánh giá việc thực hiện công tác ĐBHTTHĐ - TĐC trong cả một giai đoạn vừa qua, qua đó sẽ tiếp thu những ý kiến từ người dân, từ các bộ ngành, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư trên phạm vi cả nước. Quốc hội sẽ phân tích để xây dựng một dự án Luật riêng có tính pháp lý cao nhất cho lĩnh vực ĐBHTTHĐ-TĐC. Từ đó đưa ra những chính sách, đáp ứng được yêu cầu thực tế trên phạm vi cả nước, mà vẫn có giá trị áp dụng lâu dài. Luật ban hành cũng để chính quyền, các nhà đầu tư và người dân ý thức hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tốt những quy hoạch, kế hoạch đầu tư của Nhà nước, người dân sớm ổn định cuộc sống, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Luật sớm ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý cao hơn cho người dân, chính quyền và doanh nghiệp trong việc đánh giá về lợi ích sẽ mang lại từ việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Người dân biết trước được cuộc sống của mình sẽ như thế nào khi dự án được thực hiện; chính quyền địa phương sẽ có kế hoạch tốt hơn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; và chủ đầu tư cũng sẽ sử dụng hiệu quả hơn nguồn đầu tư của mình khi tiến độ và vốn đầu tư cho dự án đã lên kế hoạch được đảm bảo.

Vì những lý do như trên, tôi rất mong các vị ĐBQH cùng chia sẻ và ủng hộ việc xây dựng dự án Luật ĐBHTTHĐ-TĐC, xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2013, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và thông qua tại kỳ họp thứ 7.

  • ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH

(*) Tít bài và các tít con do Tòa soạn đặt.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các doanh nghiệp cần tuyển 500 lao động  (05/06/2012)
Hỗ trợ 14 tỉ đồng cho ngư dân đánh bắt xa bờ  (05/06/2012)
Đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê  (05/06/2012)
Giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị về lĩnh vực THADS tại huyện Tây Sơn  (05/06/2012)
Tư vấn pháp luật miễn phí về lĩnh vực đất đai   (04/06/2012)
Hội nghị trực báo HĐND tỉnh với HĐND các huyện, thị xã, thành phố  (04/06/2012)
Mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi   (04/06/2012)
Thành công về nhiều mặt  (04/06/2012)
Không có trường hợp nào vi phạm quy chế  (04/06/2012)
Đảm bảo tính độc lập, phản biện khi thẩm tra dự án luật  (04/06/2012)
Lãnh đạo công tác phòng chống tội phạm hiệu quả  (03/06/2012)
Không có thí sinh vi phạm quy chế thi  (03/06/2012)
Thể lệ Cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam”  (03/06/2012)
Thời tiết mát mẻ, thi nghiêm túc  (03/06/2012)
“Quan làng”  (02/06/2012)