Xử phạt hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) theo Nghị định 60/2009/NĐ-CP là một trong những biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác THADS. Tuy nhiên, ngoài một vài lý do khách quan, việc thực thi Nghị định chưa đạt kết quả cao do thiếu sự kiên quyết và phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng.
Từ trì hoãn đến không thi hành án
Hiện nay, việc người phải thi hành án (THA), người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã nhận được thông báo nhưng cố tình không đến làm việc với cơ quan chức năng diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, hành vi “có điều kiện THA nhưng không thực hiện nghĩa vụ” và “tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ THA” là những hành vi vi phạm thường gặp. Những hành vi này gây không ít khó khăn cho cơ quan THA và là một trong những nguyên nhân khiến số việc THA bị tồn đọng nhiều.
|
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh làm việc với Chi cục THADS thị xã An Nhơn về công tác THADS. |
Điển hình cho hành vi nói trên là trường hợp của ông Trần Thanh Hải và bà Trịnh Thị Bích Liễu (ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn). Ông bà này chẳng những không chấp hành bản án của tòa mà còn tự ý tháo dỡ niêm phong, tẩu tán tài sản với mục đích trốn THA. Hay như Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Nhà Xanh (TP Quy Nhơn) bị tòa phúc thẩm TAND tỉnh tuyên buộc phải trả số tiền trên 300 triệu đồng cho bà Phan Thị Trúc (ở huyện Phù Cát) nhưng đã 2 năm trôi qua mà bà Trúc vẫn chưa nhận được tiền vì bị đơn cố tình trốn tránh, chây ỳ dù vẫn có khả năng THA.
Cần kiên quyết
Điều 7 Nghị định 60/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp nêu rõ:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng đối với hành vi đã nhận giấy báo, giấy triệu tập lần thứ hai của người có thẩm quyền thi hành án nhưng không đến địa điểm ghi trong giấy báo, giấy triệu tập để thực hiện việc thi hành án mà không có lý do chính đáng.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định phạt tới 500 ngàn đồng đối với hành vi có điều kiện thi hành án nhưng cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ; phạt đến 5 triệu đồng đối với hành vi tẩu tán hoặc làm hư hỏng tài sản thuộc diện kê biên để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án. |
Theo một chấp hành viên đang công tác tại Cục THADS tỉnh, mặt tích cực của Nghị định 60/2009/NĐ-CP là răn đe, xử phạt nghiêm các đối tượng chây ỳ, không chịu thực hiện THA. Nhưng trong thực tế, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân, đặc biệt là người phải THA chưa cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng án tồn đọng nhiều. Dù biết đương sự cố tình chây ỳ, trì hoãn việc THA hoặc tìm cách tẩu tán tài sản nhưng để xử phạt hành chính họ theo quy định tại Nghị định 60/2009/NĐ-CP cũng rất khó. Bởi một khi đã cố tình trốn tránh, trì hoãn việc THA, họ biết chắc sẽ bị cơ quan THADS ra quyết định xử phạt hành chính. Thậm chí, trong một số trường hợp, mức phạt do chậm THA trở nên vô nghĩa bởi lợi ích của việc trì hoãn lớn hơn rất nhiều.
Để Nghị định 60/2009/NĐ-CP thực sự phát huy hiệu lực, theo một chấp hành viên thuộc Chi cục THADS huyện Tây Sơn, cơ quan THADS rất cần các cơ quan chức năng như viện kiểm sát, công an phối hợp nhịp nhàng, đặc biệt là trong vấn đề xử lý các đối tượng chây ỳ không chịu THA; khi cần thiết nên xem xét xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật hình sự.
|