Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vương Đình Huệ - Bộ trưởng Bộ Tài chính, thành viên Đoàn ĐBQH Bình Định - đã phát biểu đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012. Dưới đây là bài phát biểu của đại biểu Vương Đình Huệ.
|
ĐBQH Vương Đình Huệ đang phát biểu tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH NAM
|
Tình hình tập đoàn và tổng công ty nhà nước
Vấn đề này đã được nêu trong báo cáo, xin nói ngắn gọn như sau: Tính đến cuối năm 2010 các tập đoàn và tổng công ty (TĐ-TCT) nhà nước có tổng tài sản 1.799 nghìn tỉ đồng, trong đó nợ phải trả là 1.088 nghìn tỉ. Tổng tài sản trừ đi phải trả vốn chủ sở hữu đến 31.12.2010 vẫn là 654 nghìn tỉ, tức là vốn của chủ sở hữu còn 40%. Tỷ lệ này cứ 100 đồng thì 40 đồng hoàn toàn của Nhà nước, còn 60 đồng là đi vay ngân hàng và vay các đối tượng khác, đây là một tỷ lệ chưa cao, chưa phải như mong muốn; nhưng nếu xét trong nền kinh tế đang phát triển và các doanh nghiệp (DN) nói chung, tỷ lệ này cũng không phải là thấp, và vốn chủ sở hữu vẫn còn ở mức 40%.
Về lợi nhuận của TĐ-TCT năm 2010 là 162.910 tỉ, tăng 66% so với thực hiện năm 2009. Một số các TĐ có phát sinh lỗ trong năm 2010 với mức lỗ 1.116 tỉ và lỗ lũy kế đến 31.12.2010 là 26.153 tỉ. Trong khi đó có một số DN lỗ thực tế do làm ăn yếu kém mà chúng ta đã biết từ lâu như TCT Dâu tằm tơ, TCT Xây dựng giao thông đường thủy Vinawaco… Cũng có những DN lỗ chủ yếu là do chính sách giá, như TĐ Điện lực Việt Nam còn treo lại lỗ vì chưa điều chỉnh giá điện và lỗ chênh lệch tỷ giá. Chúng tôi được biết, theo chỉ đạo của Chính phủ (CP), sẽ có những báo cáo bổ sung đối với TĐ-TCT nhà nước đến Quốc hội.
Về chính sách tài khóa
Tôi rất đồng tình với ý kiến của ĐBQH là dư địa về chính sách tài khóa của chúng ta còn lớn; đồng thời giải thích thêm về ý kiến cho rằng giải ngân đầu tư công chậm. Riêng về vượt thu, CP đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phương án về đánh giá tài chính ngân sách năm 2011 và đánh giá bổ sung quý I.2012 theo đúng quy định là tháng 3, sau tháng 3 mới có được báo cáo về xác định tổng vượt thu, trong tháng 3 đã báo cáo với CP và tháng 4 đã báo cáo với Ủy ban Tài chính ngân sách, cuối tháng 4 Ủy ban Tài chính ngân sách đã trình Thường vụ Quốc hội và có nghị quyết ban hành trong tháng 5, tiến độ này cũng bình thường như các năm, không phải chậm hơn.
Riêng đối với đầu tư công, vấn đề này theo phân công chắc đồng chí Bộ trưởng KH-ĐT sẽ nói kỹ hơn, nhưng chúng ta cũng biết rằng trái phiếu Chính phủ và đầu tư công năm nay và mục tiêu quốc gia là có đổi mới, tức là đã có phân bổ theo trung hạn, trái phiếu CP đang phân bổ 4 năm. Do đó, thời gian phân bổ thì tất nhiên và chúng ta phải soát, xét theo trình tự 1792 của CP là để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các danh mục để tránh phân tán và dàn trải. Vì vậy, tháng 3 mới phân bổ được trái phiếu CP và tháng 4 mới phân bổ được chương trình mục tiêu quốc gia. Chính vì thế chậm hơn so với năm trước, chúng tôi nghĩ việc chậm trễ là không tốt, nhưng có mặt tốt khác là chúng ta phân bổ theo trung hạn mà sắp xếp được theo đúng công trình và dự án cần thiết thì chắc chắn đầu tư tới đây sẽ tập trung và hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn.
Chúng tôi cũng tính toán, nếu 5 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng chúng ta mới chỉ giải ngân được khoảng 18.500 tỉ đồng thì dư địa còn lại của 7 tháng cuối năm, mỗi tháng có thể giải ngân 21.500 tỉ, tức là trên 1 tỉ đô la/tháng. Đây là một dư địa để chúng ta tăng cường tăng trưởng cùng với việc dư địa về tăng quỹ tín dụng khoảng 2% mức tăng trưởng 1 tháng. Tất cả sự tăng trưởng này là tăng trong những cái gì mà Quốc hội đã duyệt và trong phạm vi kế hoạch của chúng ta, chứ chưa có một cái gì ở bên ngoài ngoại trừ Nghị quyết 13 là có thêm 2 nghìn tỉ cho vay kiên cố hóa kênh mương và hạ tầng thủy sản và cánh đồng mẫu lớn… Cho nên, chúng ta không sợ là việc tăng đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến lạm phát.
Về việc giảm thuế VAT
Đối với thuế giá trị gia tăng (VAT), chúng tôi đã nghiên cứu 111 nước theo hội nghị toàn cầu về thuế tổ chức tại Italia, có 87 nước/111 nước là thuế suất VAT từ 12-25%, trong đó có 74 nước thuế suất từ 15% trở lên đến 25%, có 15/111 nước thuế suất VAT bằng 10% như Việt Nam, chỉ có 8 nước thuế suất từ 5-7%, nhiều ĐBQH cũng đề nghị phải giảm ngay 50% VAT, thuế VAT là thuế gián thu, nếu chúng ta giảm 50% thuế VAT, hạ từ 10% xuống 5% thì tất cả thu ngân sách của năm 2012 lập tức giảm ngay 115.180 tỉ, bằng 15,6% tổng thu ngân sách theo dự toán Quốc hội đã quyết định, nếu là 50% chắc khoảng hơn 70.000 tỉ. Tôi nghĩ không có khoản nào bù đắp các khoản này trong khi bội chi ngân sách Quốc hội không cho tăng thêm, các khoản chi đặc biệt là khoản chi an sinh xã hội không những không giảm mà khả năng còn có thể phát sinh từ nay cho đến cuối năm.
Vấn đề thứ hai, nếu chúng ta chỉ giảm thuế VAT trong nước, không giảm thuế VAT hàng nhập khẩu thì chúng ta sẽ vi phạm những cam kết của WTO là phân biệt đối xử với hàng hóa.
Vấn đề nữa, qua thực tế thực hiện năm 2009, việc giảm thuế để kéo giá bán xuống, bối cảnh lúc đó đang lạm phát rất cao - hơn 20%, chúng ta mới áp dụng biện pháp này vì VAT là thuế gián thu, có khấu trừ liên tục. Bây giờ trong điều kiện lạm phát chỉ có 2,6% của 5 tháng, nếu chúng ta áp dụng biện pháp tương tự thì không phù hợp. Thực tế trong năm 2009, đã giảm thuế nhưng DN cũng không giảm giá bán để người tiêu dùng được hưởng. Việc giảm giá bán này không rõ rệt, chúng ta cũng không có chế tài nào, cơ chế gì để bắt buộc DN phải giảm giá khi giảm thuế. Cho nên phương án giảm thuế VAT là phương án CP đang tiếp tục giao cho Bộ Tài chính báo cáo tiếp, nghiên cứu tiếp để trình CP trong kỳ họp tháng 6 này, và theo hướng giảm một số phân khúc nào đó giống như đã làm năm 2009, giảm 19 nhóm mặt hàng. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để báo cáo CP và sẽ trình Quốc hội.
Về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), trong chiến lược cải cách thuế đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020 mới giảm xuống 20%. Điều tra ở 83 nước trên thế giới thì có đến 48/83 nước là thuế suất thuế TNDN từ 26-45%. Trong đó, 36 nước thuế suất trên 30%, 12 nước thuế suất 25% như Việt Nam. Trung bình tất cả các nước trên thế giới thì thuế suất là 27%. Các nước phát triển là 29% và các nước đang phát triển là 27%. Như vậy thuế suất của chúng ta 25% là ở mức thấp so với mức trung bình của thế giới. Chiến lược là sẽ giảm dần đến năm 2020 sẽ kéo xuống mức khoảng 20%. Trong chương trình xây dựng pháp luật sang năm thì đã dự kiến trình luật bổ sung của Luật Thuế TNDN. Luật này sẽ được trình và sẽ dự kiến thông qua tại một kỳ họp. Dự kiến Bộ Tài chính trình với CP để CP trình với Quốc hội là trước mắt sẽ giảm xuống đến 22-23%.
Thực tế hiện nay, nếu chúng ta giảm 30% thuế suất TNDN cho các DN vừa và nhỏ thì thực tế thuế suất cũng đã xuống đến mức 17,5%. Nếu chúng ta giảm như đề nghị của ĐBQH là giảm ngay 25% xuống 20% cho năm nay thì ngân sách năm 2012 sẽ giảm 20.442 tỉ đồng. Nếu chỉ giảm 6 tháng thôi thì ngân sách sẽ giảm mất 10.221 tỉ đồng. Nếu giảm với số lớn như vậy, trong điều kiện ngân sách của 5 tháng có mức độ thu rất thấp so với khoảng 5 năm trở lại đây thì khả năng cân đối ngân sách là rất khó. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng ý với một số ĐBQH rằng có thể qua kỳ họp này, Quốc hội sẽ có một tuyên bố về chính sách, tức là sang năm sẽ có chuyện chúng ta nghiên cứu để đưa thuế suất TNDN xuống mức phù hợp khoảng 20-23%.
(*) Tít bài và các tít con do Tòa soạn đặt. |