Tai nạn bỏng ở trẻ em:
Chỉ một tích tắc lơ là của người lớn
20:17', 13/6/ 2012 (GMT+7)

Các bác sĩ khoa Ngoại Chấn thương-Bỏng, BVĐK tỉnh, cho biết trong số bệnh nhân bỏng nhập viện điều trị hết 60% là trẻ em, mà nguyên nhân đôi khi chỉ là một tích tắc lơ là của người lớn.

Lấy xăng tưới vào củi, đốt để nướng bánh tráng, bé Rah Lan Tiết (6 tuổi, ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phải nhập viện trong tình trạng bỏng 60%; toàn bộ phần da vùng ngực bụng, đùi cẳng chân hai bên, tay bên trái và bộ phận sinh dục đã phù nề, tiết dịch.

Trẻ nguy kịch

Sáng 13.6, bác sĩ Huỳnh Phùng, Trưởng Phòng điều trị Ngoại Bỏng của Khoa Ngoại Chấn thương-Bỏng, cho biết bệnh nhân nhập viện ngày 1.6, trong tình trạng sốc do bỏng nặng. Ngay sau khi tiếp nhận, các y bác sĩ của bệnh viện đã tập trung hồi sức, cấp cứu chống sốc, truyền dịch, kháng sinh giảm đau cho bé. Ngày 12.6, bệnh nhi đã được cắt lọc phần da bị hoại tử để chờ ngày vá da.

 

Bệnh nhi Rơh Lan Tiết đau đớn do các vết bỏng xăng sâu và rộng.

Đến nay, diễn biến sức khỏe bệnh nhi Rơh Lan Tiết có phần khá hơn. Nhưng phần lớn cơ thể bị bỏng nặng và sâu nên bệnh nhi rất đau đớn. Sáng 13.6, khi thấy các điều dưỡng vào thay băng, bé Rơh Lan Tiết khóc thét và liên tục nói “đừng thay nữa, đau lắm!”. Một điều dưỡng cho biết, mấy ngày nay hễ thấy điều dưỡng đẩy xe dụng cụ thay băng và làm thuốc là cháu rất sợ.

Nói về vụ tai nạn của cậu con trai Rơh Lan Tiết, anh Rơh Lan Biên (34 tuổi), vẫn chưa hết bàng hoàng. Mấy ngày nay, anh cùng với một người em gái và một cháu trai túc trực tại BVĐK tỉnh. Anh Rơh Lan Biên kể: “Chiều 31.5, hai vợ chồng tôi lên rừng làm rẫy, cháu ở nhà với bà nội. Bà lụi cụi làm trong nhà thì cháu lấy can xăng ra vườn đốt củi nướng bánh tráng, rồi xảy ra cớ sự”.

Bác sĩ Huỳnh Phùng nói, bệnh nhi phải trải qua cuộc phẫu thuật vá da, nhưng do phần da bị bỏng rộng nên cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Giải pháp duy nhất là vá từng mảng da nhỏ vào các vết bỏng này. Nhưng do bỏng sâu nên việc co cơ hoặc sẹo là điều khó tránh khỏi.

Phòng điều trị Ngoại Bỏng, BVĐK tỉnh, có 13 bệnh nhân thì hết 8 trường hợp là trẻ em từ 6 tuổi trở xuống; trong đó, nguyên nhân chủ yếu là bỏng do nước sôi, còn bỏng do xăng và điện khoảng 15-20%. Hiện vẫn còn 2 bệnh nhi bỏng nặng với 60% phần da của cơ thể đang điều trị tại đây là bé Rơh Lan Tiết và bé Trần Quốc Nam (1 tuổi, ở xã Cát Tân, huyện Phù Cát) bỏng do nước sôi.

Do người lớn bất cẩn

Nghe bác sĩ thông báo con đã qua cơn nguy kịch, chờ vết thương ổn rồi sẽ tiến hành ghép phần da đã bị hoại tử, anh Rơh Lan Biên cũng đỡ lo lắng. Nhưng nhìn con nằm trên giường bệnh khóc đau đớn, Rơh Lan Biên trầm ngâm: “Lỗi cũng tại tôi, can xăng đi làm rẫy về còn chừng nửa lít vẫn để dưới đất nên mới ra nông nỗi này”.

Nhiều phụ huynh chăm con, cháu bị bỏng tại khoa Ngoại Chấn thương-Bỏng có chung nỗi niềm như anh Rơh Lan Biên. Bà N.T.M (Quy Nhơn) đang chăm cháu nội một tuổi bị bỏng nước sôi ở chân và tay chia sẻ: “Mẹ cháu vừa để ca nước nóng trên bàn, thằng nhỏ loay hoay với lấy, rồi làm đổ ra người. Cũng tại người lớn bất cẩn!”.

Các bác sĩ lưu ý: Khi trẻ bị bỏng, phải nhanh chóng dùng nước lạnh để rửa vết thương, làm giảm sự đau đớn, phù nề tiết dịch. Nhanh chóng bỏ quần áo ở vùng bị bỏng ra, không để quần áo dính vào vết thương tránh gây ra những trầy xước. Dùng băng, gạc mỏng hoặc vải mỏng sạch băng hờ bên ngoài vùng bỏng; không nên dùng cách chữa dân gian như nước mắm, kem đánh răng… vì rất dễ gây nhiễm trùng. Sau đó, đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa bỏng nơi gần nhất để cấp cứu.

Theo bác sĩ Phùng, có rất nhiều tình huống trong sinh hoạt hằng ngày có thể khiến trẻ bị bỏng, như: làm đổ nước sôi, ngã vào nồi canh, đút tay vào ổ cắm điện… Hầu hết tai nạn bỏng ở trẻ em rơi vào trẻ 1-3 tuổi, do sự bất cẩn của người lớn. Ở độ tuổi này, trẻ chưa nhận thức được những nguy hiểm xung quanh, lại hay bắt chước. Trong khi đó, cha mẹ, người lớn trong nhà mải làm, hoặc cũng không nhận thức được những nguy cơ gây bỏng bất ngờ cho trẻ. Điều này thêm một lần nữa cảnh báo các gia đình cần chú trọng hơn nữa trong việc trông coi trẻ nhỏ.

Bỏng là một trong những nguyên nhân tai nạn thương tích hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Bác sĩ Phùng khẳng định, so với người lớn, tai nạn bỏng ở trẻ nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi sức đề kháng của trẻ còn kém và dễ bội nhiễm. Với trẻ, chỉ cần vết bỏng chiếm khoảng 10% phần da cơ thể là nặng. Việc điều trị bỏng cho trẻ đã khó, nhưng điều trị di chứng do bỏng sâu, nặng để lại càng khó hơn.  

Bác sĩ Huỳnh Phùng khuyến cáo bỏng ở trẻ em do người lớn gây ra, nhưng để lại gánh nặng thể chất, tinh thần rất lớn cho trẻ. Trẻ bị bỏng rất nguy hiểm, điều trị tốn kém nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Các bậc phụ huynh có con nhỏ cần phải hết sức chú ý trông nom trẻ, không để các vật dụng dễ gây bỏng cho trẻ như nước sôi, nồi canh nóng, phích nước, ổ cắm điện, xăng… trong tầm với của trẻ.

  • HIỀN LÊ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giao lưu “Tìm hiểu kiến thức cán bộ phụ nữ thôn, xã”  (13/06/2012)
Trình dự án kéo điện lưới quốc gia ra đảo Nhơn Châu  (13/06/2012)
Một mô hình có hiệu quả  (13/06/2012)
Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP Quy Nhơn  (12/06/2012)
Khi cả nhà hiến máu  (12/06/2012)
31 tác phẩm đoạt Giải thưởng Báo chí tỉnh Bình Định năm 2012  (12/06/2012)
Một số vấn đề về tài chính, ngân sách nhà nước (*)  (10/06/2012)
Cần tăng cường hậu giám sát  (10/06/2012)
Tập huấn cộng đồng ứng phó với thảm họa  (10/06/2012)
LÀM LỄ TRUY ĐIỆU VÀ AN TÁNG 3 HÀI CỐT LIỆT SĨ  (10/06/2012)
Rủ nhau thêu tranh chữ thập  (09/06/2012)
Mít tinh kỷ niệm Ngày Đại dương thế giới và Chiến dịch ra quân làm sạch bãi biển Quy Nhơn  (09/06/2012)
Đầu tư hơn 40 tỉ đồng rà phá bom mìn  (09/06/2012)
Phát động tham dự Liên hoan phim về TTATGT  (09/06/2012)
Gắn với thực tế đời sống, hiệu quả kinh tế cao  (08/06/2012)