Ở phiên thảo luận về Báo cáo quyết toán (BCQT) ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2010 tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Đức - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, đã tham gia phát biểu ý kiến về nội dung trên. Sau đây là bài phát biểu của ĐBQH Nguyễn Hữu Đức.
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, cho đến nay, việc chấp hành quy định về quyết toán NSNN hàng năm ngày càng đi vào nề nếp, bám sát Luật NSNN. Các BCQT ở các cơ quan Trung ương (TƯ) và địa phương đều được cấp có thẩm quyền thẩm định. Đặc biệt, cơ quan Kiểm toán nhà nước tham gia chặt chẽ, có trách nhiệm đối với quyết toán NSNN. Tuy có một vài khiếm khuyết về chậm mở sổ sách, thuyết minh quyết toán, nhưng không làm giảm sự nghiêm túc của BCQT NSNN trình Quốc hội lần này.
Thứ hai, tôi cũng chia sẻ với trăn trở của nhiều chuyên gia, cử tri về tính xác thực của các thông tin, số liệu do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp trong nhiều năm qua, xem xét BCQT năm 2010 tôi thấy có 4 điểm cần quan tâm:
Một: Kinh tế tăng trưởng, nhưng chủ yếu bỏ ra nhiều vốn, tỷ lệ lạm phát tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách năm 2010 vượt 27,5% so với dự toán, song thu nhập thực tế của dân cư không tăng, tính bền vững của nguồn thu ngân sách không cao. Vậy thì kết quả tăng trưởng đó rất cần đánh giá đúng thực chất? Có lẽ cần rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng dự toán ngân sách hàng năm; phân tích, dự báo toàn diện và đầy đủ hơn các nhân tố tác động đến nguồn thu ngân sách, nhất là giá thế giới khi xây dựng dự toán, để số vượt thu phản ánh thực chất từ tăng trưởng nội tại của nền kinh tế, không phải do dự báo chưa sát tình hình.
Hai: Nghịch lý xảy ra ở một số địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách TƯ nhưng lại kết dư lớn, thậm chí lớn hơn nhiều số bổ sung cân đối từ TƯ. Năm 2010 kết dư ngân sách địa phương tăng gần 7.200 tỉ đồng so với năm 2009. Vậy thì hiệu quả sử dụng NSNN được đánh giá thực chất thế nào? Nguồn lực bỏ ra nhiều song hiệu quả không cao. Trách nhiệm ở đây thế nào?
Ba: Thu ngân sách vượt cao so dự toán song nợ đọng thuế còn rất lớn. Đến 31.12.2010, số nợ đọng thuế nội địa gần 27.000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2009; số nợ thuế quá hạn do cơ quan hải quan quản lý cũng gần 5.800 tỉ đồng, tăng hơn 9% so với năm 2009. Đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu đôn đốc, truy thu các khoản nợ đọng này.
Bốn: Chưa có số liệu tổng hợp chính thức về nợ đọng xây dựng cơ bản đến cuối năm 2010 và các giải pháp xử lý, chưa nói đến thời điểm hiện nay. Điều này làm giảm sự sát thực của bức tranh ngân sách hàng năm.
Những đánh giá, kiến nghị trên, có nội dung đã được nêu nhiều lần trong các báo cáo của cơ quan Quốc hội song sự khắc phục, chuyển biến chưa nhiều, nhất là những yếu tố thuộc về chủ quan.
|