Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang quản lý 3 Trung tâm bảo trợ xã hội (BTXH): Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần (ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn), Trung tâm Chăm sóc người có công tỉnh (ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), Trung tâm BTXH tỉnh (ở phường Bình Định, thị xã An Nhơn). Trước thực tế đời sống của cán bộ, viên chức ở những nơi này còn khó khăn, việc thực hiện phụ cấp theo nghề cho họ đang được quan tâm triển khai.
Chật vật vì thu nhập thấp
Một ngày làm việc của chị Nguyễn Thị Hồng Hoa, y tá của Trung tâm Chăm sóc người có công tỉnh, bắt đầu từ 6 giờ sáng, khi chị đi mua đồ ăn sáng cho các cụ không còn khả năng vận động. Đến 6 giờ 30, chị bắt đầu đi đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe một lượt cho các cụ. Sau đó, chị tham gia dọn vệ sinh, phụ giúp chị em cấp dưỡng chuẩn bị cơm trưa. “Tuy làm nhiệm vụ của một y tá, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên kiêm thêm công việc của hộ lý. Không chỉ đo, tiêm, truyền… mà còn chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cụ. Mỗi khi có cụ bệnh nặng phải nằm viện điều trị, tôi lại thường xuyên túc trực bên cạnh” - chị Hoa tâm sự.
|
Đời sống của cán bộ, viên chức các Trung tâm BTXH còn nhiều khó khăn do thu nhập thấp.
- Trong ảnh: Chuẩn bị cơm trưa tại Trung tâm BTXH tỉnh. |
23 năm trong nghề, chỉ còn hơn 1 năm nữa là nghỉ hưu, nhưng hiện nay, thu nhập hằng tháng của chị Hoa gói gọn trong khoản lương tròm trèm 4,1 triệu đồng. Chồng chị Hoa làm thợ mộc, việc làm và thu nhập không ổn định; con gái năm nay lên lớp 12, chi phí học hành tốn kém làm đời sống kinh tế của gia đình chị ngày càng khó khăn.
Theo bà Hoàng Thị Êm, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc người có công tỉnh, chị Hoa là người có thâm niên trong nghề, thu nhập như vậy là khá cao. Những cán bộ nhân viên có thâm niên ít hơn, thu nhập còn thấp hơn rất nhiều. Đặc thù công việc của cán bộ, viên chức ở Trung tâm không nặng nhọc, nhưng đòi hỏi phải chịu khó, phải chăm sóc các cụ từ việc ăn ngủ đến dọn vệ sinh. Có cán bộ trẻ mới về Trung tâm đã rục rịch xin đi, Ban giám đốc phải động viên mãi mới ở lại. “Là đơn vị sự nghiệp, nên hoạt động của Trung tâm hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Mấy năm trước, chị em còn tổ chức nuôi heo, nuôi gà cải thiện, nhưng rồi Trung tâm nằm giữa khu dân cư, người dân nói ra nói vào nên thôi” - bà Êm chia sẻ.
Trong khi đó, tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, tình hình cũng không khả quan hơn. Ông Nguyễn Quỳnh, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Dù có phụ cấp độc hại, nhưng đời sống của cán bộ, viên chức vẫn rất chật vật vì thu nhập ít ỏi. Những người trẻ càng vất vả hơn vì hệ số lương thấp”.
Trông đợi vào phụ cấp theo nghề
"Tổng kinh phí đề nghị bổ sung để thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho năm 2012 là hơn 290 triệu đồng" |
Theo ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, các Trung tâm BTXH có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng các đối tượng yếu thế trong xã hội như người bị bệnh tâm thần nặng, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già yếu không tự phục vụ, chăm sóc cho bản thân được. Hiện nay, số đối tượng được nuôi dưỡng tại các Trung tâm BTXH ngày càng nhiều, nhưng biên chế của các trung tâm không tăng, bậc lương cán bộ, viên chức thấp. Ngoài tiền lương theo hệ số lương, các cán bộ, viên chức không còn khoản thu nhập nào khác, đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và tâm lý phục vụ.
“Vào các dịp lễ, tết, lãnh đạo tỉnh đều đến thăm các Trung tâm BTXH, động viên cán bộ, viên chức công tác tốt. Cán bộ, viên chức cũng đã phản ánh tâm tư nguyện vọng của mình về mức thu nhập hiện nay. Lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các trung tâm trình các cấp về việc vận dụng chính sách liên quan để áp dụng các chế độ phụ cấp đặc thù, phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi theo nghề… cho cán bộ, viên chức, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác” - ông Hải cho biết.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn hiện có 87 cán bộ, viên chức; trong đó được đề nghị hưởng mức phụ cấp theo nghề 40% có 49 người, mức 30% có 38 người. Trung tâm BTXH tỉnh có 32 cán bộ, viên chức; trong đó được đề nghị hưởng phụ cấp theo nghề 40% có 3 người, hưởng 30% có 11 người, hưởng 20% có 18 người. Trung tâm Nuôi dưỡng người có công tỉnh có 10 cán bộ, viên chức được đề nghị hưởng phụ cấp theo nghề, mức 40% có 4 người, mức 30% có 6 người. |
Ngày 6.6 vừa qua, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức cuộc họp, với sự tham gia của đại diện các sở: Tài chính, Nội vụ, Y tế, các phòng liên quan của Sở LĐ-TB&XH và Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, Trung tâm BTXH tỉnh, Trung tâm Chăm sóc Người có công tỉnh. Những người tham gia cuộc họp đã đề xuất vận dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho cán bộ, viên chức đang công tác tại các đơn vị BTXH do Sở quản lý.
Sau buổi làm việc này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh đã có tờ trình gửi UBND tỉnh về việc áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề cho cán bộ, viên chức đang công tác tại các Trung tâm BTXH thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý. Theo đó, thời gian áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề là từ tháng 7.2012 trở đi. “Tổng kinh phí đề nghị bổ sung để thực hiện cho năm 2012 là hơn 290 triệu đồng, được sử dụng từ nguồn đảm bảo xã hội cân đối cho ngành LĐ-TB&XH năm 2012”. Từ năm 2013, kinh phí này sẽ bố trí trong dự toán hằng năm của đơn vị.
“Mức phụ cấp đưa ra phù hợp với tình hình thực tế, là mong mỏi của nhiều người công tác trên lĩnh vực BTXH. Chúng tôi mong mức phụ cấp này sớm được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện để giúp anh chị em giảm bớt khó khăn, tạo động lực cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ”- bà Hoàng Thị Êm bày tỏ.
|