Ruổi rong cùng máy cắt
21:22', 1/1/ 2013 (GMT+7)

Nghề phát dọn chồi rẫy đã mang lại thu nhập khá cho người dân Hoài Ân.

Không kể nắng mưa, hễ có người thuê là họ miệt mài trên khắp đồi núi, bờ bãi, mong kiếm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống. Đó là những người nông dân sống bằng nghề phát dọn chồi rẫy bằng máy cắt ở Hoài Ân.

Hoài Ân có trên 55.000 ha đất lâm nghiệp, là lợi thế lớn để phát triển kinh tế vườn đồi. Những năm gần đây, giá keo nguyên liệu tăng nhanh, nhiều gia đình đầu tư khai hoang trồng keo. Từ đó, công việc phát dọn chồi rẫy thuê đã thực sự trở thành nghề kiếm sống của nhiều người và chiếc máy cắt được xem như cần câu cơm của họ.

Vào nghề

Trước đây, bà con nông dân chủ yếu dùng rựa để khai hoang, phát dọn chồi rẫy. Từ khi chiếc máy cắt được sử dụng rộng rãi, nó đã trở thành công cụ lao động không thể thiếu với người làm rẫy. Tiếng máy nổ ì è của những chiếc máy cắt đã trở nên quen thuộc trên khắp nẻo đường rừng. Thoạt đầu, một số người mua máy cắt về để cắt chồi cho rẫy nhà. Dần dà, họ trở thành thợ cắt chồi thuê cho các hộ có diện tích rừng lớn, hay các công ty trồng rừng đóng trên địa bàn huyện. Anh Nguyễn Văn Dũng, thợ cắt ở thôn Nhơn Sơn, xã Ân Nghĩa, cho biết: “Cánh thợ chúng tôi đều có rẫy, xong việc nhà mới đi làm thuê. Không chỉ lên các rẫy keo phát chồi, chúng tôi còn xuống bờ xuống bãi cắt cỏ”.

Để vào nghề, yêu cầu đầu tiên tất nhiên là phải có máy cắt. Giá một chiếc máy cắt từ 2 - 3,5 triệu đồng, chủ yếu là những chiếc máy cắt đã qua sử dụng được đại tu. Sau đó, phải “thực hành” qua 5-7 rẫy mới có thể tự tin thành “thợ”, vác máy đi kiếm tiền. Anh Trần Quang Thủ, một tay cắt thâm niên ở thôn An Thường 1, xã Ân Thạnh, cho biết: “Một chiếc máy cắt phát dọn rẫy bằng 4 công lao động dùng rựa trong cùng một thời gian. Tùy theo rẫy gần rẫy xa, chồi lớn chồi nhỏ mà tính tiền công khác nhau. Sau khi trừ chi phí xăng, nhớt, trung bình mỗi ngày cũng kiếm được 200-300 ngàn đồng”.

Không chỉ làm thuê trên địa bàn huyện Hoài Ân, những người phát chồi thuê còn hành nghề ở các địa phương khác. Nhiều người có máy cắt lập thành từng nhóm, mỗi nhóm 3-5 người, nhận khoán các rẫy ở các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Gia Lai… “Mỗi chuyến đi thường kéo dài 10-15 ngày, mỗi người kiếm được 2-3 triệu đồng. Đó là khoản thu nhập đáng kể đối với những người không có việc làm ổn định”, anh Thủ chia sẻ.

Dường như suốt thời gian trong năm, chiếc máy cắt làm việc không ngừng nghỉ. Mùa nắng, chủ yếu phát dọn chồi ở những rẫy keo lớn 3-4 năm tuổi; mùa mưa phát dọn chồi cho những rẫy keo chuẩn bị trồng mới, hoặc rẫy 1-2 năm tuổi để bón phân cho cây. Hết lên núi, ra bãi bồi, rồi xuống đồng…

Nhiều rủi ro, bất trắc

Lưỡi cắt trần, không có bất cứ một thiết bị che chắn nào, dụng cụ bảo hộ đối với người thợ chỉ có mỗi chiếc kính đeo mắt. Trong khi đó, lực cắt của máy rất mạnh (lưỡi cắt quay với tốc độ hơn 140 vòng/phút), tạo ra nhiều mảnh dăm rất dễ bắn vào cơ thể. Đặc biệt, khi làm việc ở rẫy keo có nhiều đá sỏi, thường xuất hiện dăm đá, dăm lưỡi cắt bắn vào người, gây hậu quả khôn lường. Anh Phạm Minh Nhu, một thợ cắt chuyên nghiệp ở xã Ân Thạnh, cho biết: “Đối với thợ cắt chồi thì chuyện bị dăm bắn vào người là bình thường. Nguy hiểm nhất là khi lưỡi cắt bị nứt gãy mà không phát hiện được, chỉ cần đưa tay một đường là lưỡi cắt bay ra cắm vào người ngay… Nói chung, rất nguy hiểm nhưng phải làm, vì kế sinh nhai”.

Những thợ cắt giàu kinh nghiệm có thể phát hiện âm thanh bất thường khi lưỡi cắt bị hỏng để kịp thời xử lý. Lưỡi cắt hay bị nứt, nhất là đoạn gần trục quay, bình thường khó phát hiện do lớp bụi của chồi bám vào. “Khi nghi ngờ thì dừng ngay, lấy giũa mài qua một đường kiểm tra, thấy lưỡi hỏng dù một chút cũng bỏ ngay, chứ cắt nữa coi chừng toi mạng. Bữa rồi, anh bạn của tôi không cẩn thận, lưỡi cắt lướt qua cằm, thoát chết trong gang tấc. Đối với người mới vào nghề, nguy cơ bị tai nạn rất cao. Hầu như tất cả các thợ cắt không ít thì nhiều cũng in dấu tai nạn trên cơ thể”, vừa nói anh Nhu vừa chỉ cho tôi xem những “dấu ấn” để lại trên người lúc hành nghề.

Nguy hiểm với dân “xách máy” không dừng lại ở đó. Để đến được những rẫy xa, họ phải băng qua những đoạn đường cheo leo mới mở. Gặp những lúc bất ngờ trời mưa, trơn trượt, xe xảy ra sự cố thì cả người lẫn xe đổ nhào xuống hố là chuyện có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Võ Hồng Tiến, thôn Gia Đức, xã Ân Đức, tâm sự: “Đời sống khó khăn, nên chúng tôi mới chấp nhận làm đủ nghề để kiếm sống. Rong ruổi cùng chiếc máy cắt, chúng tôi chấp nhận những rủi ro có thể xảy ra, chỉ cố tự nhủ mình, nhắc bạn phải cẩn thận mọi việc”.

  • NGUYỄN HỒNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phát huy truyền thống TNXP, tham gia các phong trào thi đua yêu nước  (01/01/2013)
“Quan hệ hợp tác chiến lược Nhật-Việt là tất yếu”  (01/01/2013)
“Giáo viên không chỉ là người gieo chữ…”  (30/12/2012)
Thành phố Quy Nhơn trang hoàng chào năm mới 2013  (30/12/2012)
Thư chúc mừng năm mới 2013 của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định  (30/12/2012)
Quy Nhơn huy động trên 4,5 tỉ đồng hỗ trợ cho các hoạt động an sinh xã hội  (30/12/2012)
Tàu thuyền của ngư dân đang di chuyển tránh trú áp thấp nhiệt đới  (30/12/2012)
Hấp dẫn thú chơi ca-nô mô hình  (30/12/2012)
Niềm vui xây chợ mới  (30/12/2012)
Ấm áp nghĩa tình đồng đội  (29/12/2012)
624 thanh niên Quy Nhơn có sức khỏe đủ điều kiện nhập ngũ  (29/12/2012)
Ga Diêu Trì tăng cường thêm tàu phục vụ Tết  (29/12/2012)
Kỷ niệm 10 năm thành lập Báo Bình Định điện tử  (28/12/2012)
Ngôi nhà thứ hai của trẻ  (28/12/2012)
Góp phần đưa chính sách, pháp luật đến với người lao động  (28/12/2012)