Họ đồng hành cùng những người mẹ đang mong ngóng bé con chào đời, hiểu từng cơn đau quặn thắt. Họ chung niềm vui cùng gia đình sản phụ khi mẹ tròn con vuông, rơi nước mắt khi rủi ro đến bất ngờ. Vẫn thầm lặng với công việc của mình với tất cả nụ cười lẫn nước mắt - họ là những bác sĩ, nữ hộ sinh ở khoa Sản.
Tôi đến khoa Sản, BVĐK tỉnh, để cảm nhận nhịp độ làm việc rất khẩn trương của các bác sĩ, nữ hộ sinh nơi đây. Gia đình người bệnh nhanh chóng đưa sản phụ vào khoa để được tư vấn và theo dõi. Người lên xuống cầu thang tấp nập. Loanh quanh hai tầng nhà của khoa chật kín người. Còn các bác sĩ, nữ hộ sinh thì nhận bệnh, xử lý nhanh các tình huống khó để đưa sản phụ vào cuộc “vượt cạn”.
Làm gấp đôi, gấp ba
Chuyện không mới, nhưng có lẽ các nữ hộ sinh và bác sĩ ở khoa Sản chịu nhiều áp lực hơn từ sự quá tải bệnh nhân. Nhân lực mỏng, cả khoa chỉ có hơn 70 bác sĩ, nữ hộ sinh phải điều trị và chăm sóc cho hơn 150 bệnh nhân mỗi ngày, cộng với xấp xỉ ngần ấy trẻ sơ sinh.
|
Công việc nhiều, ranh giới sự sống và cái chết mong manh, nên chỉ cần thấy sản phụ vượt cạn an toàn, bé sinh ra đời được lành lặn là niềm vui vô bờ bến với các bác sĩ, nữ hộ sinh ở khoa Sản. |
Một bác sĩ (giấu tên) cho biết: “Tâm lý muốn lên tuyến trên cho “an toàn” là một trong những nguyên nhân khiến khoa Sản của bệnh viện quá tải. Năm ngoái, với tâm lý chuộng có con tuổi Thìn, số ca khám bệnh, sinh tại bệnh viện tăng nhiều. Bình quân mỗi ngày khoa có 40 ca, đó là chưa kể số ca bệnh vào mỗi ngày…”.
Các bác sĩ làm việc tất bật, linh hoạt trong thao tác, chẩn đoán và xử trí với những tai biến sản khoa. Nhiều trường hợp sản phụ vượt qua lằn ranh sinh tử nhờ máu của y, bác sĩ. Có những bác sĩ mổ cấp cứu 2 ca liên tiếp trong nhiều giờ liền… Chuyện trực tua hai, tua ba đã trở thành chuyện thường ngày ở đây. Những đêm thức trắng để tiếp nhận, tư vấn, thăm khám và điều trị bệnh nhân thăm khám cứ thế kéo dài ra, những giấc ngủ trở nên hiếm hoi hơn.
Công tác 15 năm trong nghề, nhưng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Út không khỏi xúc động trong những lần đỡ đẻ cho các sản phụ và đón nhận tiếng khóc chào đời của những đứa trẻ. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Út tâm sự: “Đặc thù khoa Sản là chăm sóc lượng bệnh nhân gấp đôi vì không chỉ chăm sóc bà mẹ mà còn cả em bé”.
Nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Hòa Hưng kể: “Tôi vốn chỉ nhìn thấy máu không thôi là đã rất sợ. Nhưng rồi “nghề chọn người”. Tôi thi vào trường y, đi học, thực tập … rồi ra trường, rồi đi làm… đến giờ chẳng rời việc ra được nữa!”.
Niềm vui, nỗi buồn
Mỗi lần “vượt cạn” là một lần sản phụ đối diện giữa sự sống và cái chết. Vì thế, không chỉ sản phụ căng thẳng, lo lắng, mà ngay chính các bác sĩ, nữ hộ sinh cũng phải đối diện với nhiều áp lực. Những sản phụ quặn thắt đau đớn khi chuyển dạ, tiếng hét pha lẫn tiếng khóc của họ được các bác sĩ, nữ hộ sinh chia sẻ, an ủi và đồng cảm. Chỉ khi những tiếng khóc đầu tiên của bé cất lên, sản phụ mới thở phào nhẹ nhõm. Còn các bác sĩ, nữ hộ sinh vẫn tất bật với công việc cắt rốn, quấn khăn trùm kín cơ thể bé, vệ sinh sạch sẽ để đưa bé vào giường giữ ấm thân nhiệt.
Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Út chia sẻ: “Công việc nhiều, một cuộc đẻ của sản phụ cũng rất căng thẳng nên chúng tôi chịu rất nhiều áp lực. Nhưng chỉ cần thấy những bà mẹ vượt cạn an toàn, bé sinh ra đời được lành lặn là niềm vui không thể tả. Những lúc như thế, chúng tôi quên hết cả mệt mỏi”. Đó là niềm vui chung của tất cả các bác sĩ, nữ hộ sinh ở khoa Sản.
Nữ hộ sinh trưởng Nguyễn Thị Hòa Hưng còn nhớ như in lần cấp cứu cho một sản phụ ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vào nhập viện ở khoa. “Sản phụ sinh con thứ hai, không thể sinh thường nên được chỉ định mổ. Trong quá trình tiêm thuốc, sản phụ bị sốc thuốc rất nặng, chúng tôi rất lo lắng, căng thẳng. Bên ngoài, người nhà lo một thì bên trong chúng tôi sốt ruột đến mười phần. Mọi người cùng lao vào cấp cứu, cuối cùng sản phụ cũng vượt qua cơn nguy kịch. Hôm chị xuất viện với nụ cười tươi, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”.
Công việc ở đây là thế, “đỡ đẻ” hết ca này đến ca khác, nhưng mỗi một cuộc vượt cạn thành công cũng khiến cho những người thầy thuốc nơi này thấy hạnh phúc. Bởi họ biết rằng mình đang làm công việc đầy ý nghĩa phục vụ cho người bệnh và hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó.
|