Hen phế quản là một bệnh mạn tính của đường hô hấp, biểu hiện bằng sự co thắt phế quản, thâm nhiễm tế bào viêm và tăng tiết chất nhầy niêm mạc phế quản, khiến trẻ khó thở.
Một số yếu tố làm khởi phát cơn hen bao gồm: thay đổi thời tiết từ ấm sang lạnh, hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm mũi họng, VA, viêm phế quản, tiểu phế quản); thức ăn (tôm, cua, ốc...); lông của một số động vật nuôi trong nhà (chó, mèo...); côn trùng. Ngoài ra, một số loại dược phẩm, hoạt động gắng sức, khói thuốc lá, khói bếp… cũng làm khởi phát cơn hen.
Gần đây, khi thời tiết chuyển lạnh, mỗi ngày, khoa Nhi (BVĐK tỉnh) tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhi bị viêm đường hô hấp, trong số đó bệnh hen phế quản chiếm 5-7%. Đối với cơn hen phế quản nhẹ, trẻ khò khè, không hoặc khó thở nhẹ. Với cơn hen phế quản trung bình, trẻ khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Còn cơn hen phế quản nặng, trẻ khò khè, co kéo cơ ức đòn chủm, không ăn uống được, nói từng từ. Nặng nhất là cơn hen phế quản dọa ngưng thở, lúc này trẻ khó thở dữ dội, tím tái, vật vã, hôn mê.
Khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh hen phế quản, cha mẹ cần đưa đi khám bệnh ở bác sĩ chuyên khoa, có kinh nghiệm về hen phế quản ở trẻ em, để được điều trị và tư vấn. Nếu cơn hen nhẹ và trung bình, phải cho trẻ dùng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh như: ventolin, bricanyl... Các loại thuốc này có thể dùng ở dạng khí dung hoặc bình xịt định liều 3 lần mỗi 30 phút cho đến khi cắt cơn. Liều lượng thuốc dùng sẽ được bác sĩ chỉ định tùy theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ. Ventolin: liều tối thiểu 1,25mg/lần, liều tối đa 5mg/lần. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, thuốc hít phải dùng qua mặt nạ, hay buồng đệm để có hiệu quả tốt hơn, giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ (lắng đọng thuốc ở họng, miệng). Cơn hen phế quản trung bình có thể phối hợp thêm corticoide đường uống (prednisone 1-2mg/kg/ngày).
Nếu cơn hen phế quản nặng và dọa ngưng thở cần đưa ngay trẻ vào bệnh viện để được điều trị cấp cứu tích cực, tránh nguy hiểm tính mạng. Trong những trường hợp hen bội nhiễm phải cho trẻ uống kết hợp thêm kháng sinh.
Phòng cơn hen phế quản đối với trẻ có tiền sử hen phế quản dùng thuốc kiểm soát cơn hen bao gồm 2 loại thuốc chính: thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Hiện nay, thường được sử dụng là các loại corticoid hít dưới dạng đơn chất flixotide hoặc phối hợp seretide... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kiểm soát cơn hen cho trẻ cần có chỉ định, tư vấn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Cần mặc ấm cho trẻ về mùa lạnh, nhất là khi đi ra khỏi nhà. Tắm cho trẻ ở buồng không có gió lùa, nước ấm, tắm nhanh, tắm xong phải lau khô người cho trẻ và mặc ngay quần áo. Không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc… Người lớn không nên hút thuốc; không nuôi chó, mèo trong nhà; phơi nắng chăn, gối, đệm và đảm bảo nhà cửa thông thoáng.
|