Hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng trong cộng đồng, trong khi lượng bệnh nhân đang quá tải tại nhiều cơ sở y tế. Vì vậy, nhiều gia đình bệnh nhân đã nhờ bác sĩ về nhà thăm khám và điều trị bệnh. Có cầu ắt có cung, cách làm này phát triển thành dịch vụ bác sĩ tại gia.
Thực tế, một bộ phận bác sĩ chuyên khoa đang làm việc ở một số bệnh viện lớn trong tỉnh đã và đang tổ chức khám và điều trị bệnh tại nhà cho những bệnh nhân có nhu cầu. Đặc biệt, dịch vụ này rất phù hợp với những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính, cần được chăm sóc và điều trị lâu dài.
Tiện cho bệnh nhân
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, cho biết: “Mẹ tôi bị bệnh tai biến mạch máu não điều trị tại BVĐK tỉnh hơn 1 tháng. Bệnh này cần điều trị lâu dài nên tôi đã mời bác sĩ đến nhà. Mỗi ngày, bác sĩ đến nhà kiểm tra sức khỏe, châm cứu, điều trị thuốc. Điều này rất có lợi cho sức khỏe của mẹ tôi, từ bệnh nặng phải nằm một chỗ đến nay mức độ phục hồi tai biến nhanh hơn, nói được, ăn được”.
|
Mô hình bác sĩ điều trị và chăm sóc bệnh nhân tại nhà thuận tiện cho nhiều bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. (ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Nhiều gia đình thuê bác sĩ điều trị tại nhà cho bệnh nhân đều có chung chia sẻ, dịch vụ bác sĩ tại gia không chỉ giúp bệnh nhân đỡ việc di chuyển, thời gian chờ đợi ở bệnh viện, mà chính người nhà cũng cảm thấy yên tâm hơn. “Bệnh mẹ tôi khá nặng, phải điều trị lâu dài nên khoản chi trả cũng tốn kém. Vì thế, tôi mời bác sĩ về nhà trong vòng 1-2 tháng, tiền công và thuốc điều trị là 300 ngàn đồng/ngày”, chị Tâm cho biết thêm.
Theo bác sĩ Phan Nam Hùng, Phó Trưởng khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh, hiện có một số bác sĩ làm việc tại nhà bệnh nhân theo nhu cầu của gia đình bệnh nhân, hoặc qua kênh người quen giới thiệu. Nhu cầu xã hội phát triển rất cần đến mô hình bác sĩ gia đình. Những gia đình bệnh nhân có điều kiện rất thích dịch vụ bác sĩ theo dõi, khám bệnh và điều trị tại nhà. “Dịch vụ bác sĩ chăm sóc tại nhà khá thuận lợi cho nhiều dạng bệnh, đặc biệt với những bệnh mạn tính. Ngoài thăm khám, điều trị, bác sĩ còn giúp tư vấn cho người nhà của bệnh nhân về cách chăm sóc để hỗ trợ điều trị hiệu quả nhất. Chưa kể, nhiều bệnh nhân bị liệt nửa người, việc di chuyển đến các bệnh viện rất khó khăn, tốn kém thời gian, nên sẽ tiện hơn nhiều khi bác sĩ đến thăm hỏi tại nhà”, bác sĩ Hùng cho biết.
Người bệnh được theo dõi toàn diện
Bác sĩ gia đình có nhiệm vụ theo dõi điều trị bệnh nhân tại nhà, đồng nghĩa với việc bệnh nhân được tầm soát kỹ về nhiều bệnh. Với kinh nghiệm lâm sàng của mình, các bác sĩ sẽ phát hiện và điều trị bước đầu các bệnh liên quan đến chuyên khoa, sau đó tư vấn cho bệnh nhân đi đúng chuyên khoa trong tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn.
Hiện ở các bệnh viện, do quá tải, bác sĩ chỉ dành cho mỗi bệnh nhân vài phút để khám và kê đơn thuốc. Nhiều người muốn được tư vấn về sức khỏe của mình hoặc người thân nhưng không có thời gian. Anh Phan Ngọc V., ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn, cho rằng: “Tôi rất thích mô hình bác sĩ chăm sóc và điều trị bệnh nhân tại nhà, dù khoản chi phí bỏ ra lớn hơn so với đến bệnh viện. Vợ chồng tôi đều có bệnh nên rất ngán chuyện chờ chực để được khám tại bệnh viện”.
Theo bác sĩ Hùng, ở nước ta, mô hình bác sĩ gia đình vẫn chưa thống nhất, cơ quan chức năng chưa có quy định tiêu chuẩn hành nghề bác sĩ gia đình, chưa phân biệt hoạt động bác sĩ gia đình giữa phòng mạch tư và cơ sở y tế... Mô hình bác sĩ gia đình nằm trong hệ thống của ngành Y tế, chịu sự quản lý của Sở Y tế. Nếu có sự liên kết giữa các bác sĩ và các bệnh viện tuyến thì việc theo dõi sức khỏe bệnh nhân sẽ tốt hơn. Điều này cũng góp phần giảm quá tải bệnh viện như hiện nay.
Với các nước phát triển, mô hình bác sĩ gia đình đã tạo sự thân thiện, hiểu biết, nắm được tiền căn sức khỏe bệnh nhân. Bệnh nhân chọn gói dịch vụ bác sĩ gia đình sẽ được làm hồ sơ cho từng cá nhân trong gia đình, hồ sơ này rất chi tiết và rõ ràng để dễ dàng theo dõi tình trạng khách hàng. Mỗi bệnh nhân sẽ được theo dõi toàn diện, cập nhật liên tục diễn biến sức khỏe, bệnh tật từ lúc sinh ra cho đến cuối đời, kể cả phòng bệnh.
Tại Việt Nam, bác sĩ gia đình đã xuất hiện từ nhiều năm nay, nhưng chưa thành mô hình. Mới đây, Bộ Y tế đã tiến hành lấy ý kiến về Đề án xây dựng mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2012-2016, với mục tiêu hình thành các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. Theo đó, tại các tỉnh, thành phố này, sẽ có tối thiểu 50% bệnh viện tuyến Trung ương, 100% số cơ sở y tế tuyến quận, huyện, thị trấn và 10% phòng khám tư nhân tham gia triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.
|