(BĐ) - Sáng 8.1, tại Hà Nội, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các sở, ngành liên quan và các Ban của HĐND tỉnh cùng tham dự.
Hiến pháp năm 1992 được ban hành tạo cơ sở chính trị pháp lý quan trọng cho việc thực hiện công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, đã đến lúc cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để phù hợp với tình hình thay đổi trong nước và thế giới.
Căn cứ vào Cương lĩnh, các văn kiện khác của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, kết luận Hội nghị Trung ương 5 và Nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở quán triệt mục đích, yêu cầu và các quan điểm về sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định được 9 nội dung cơ bản sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Dự thảo Hiến pháp sau khi sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi giảm 1 chương, 21 điều, 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới.
Các nội dung lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bao gồm: Lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến vào toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn của mình tập trung ý kiến sâu về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi hoạt động của ngành và những vấn đề mà mình quan tâm. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 2.1.2013 và kết thúc vào ngày 31.3.2013.
|