Thực hiện quy định của Thông tư 197/2012/TT-BTC (TT 197) ngày 15.11.2012 của Bộ Tài chính, hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, kể từ ngày 1.1.2013; qua 10 ngày thực hiện thu phí sử dụng đường bộ qua đăng kiểm ô tô, tại Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy bộ (TTĐKPTTB) Bình Định, đã thấy có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều chủ phương tiện chưa nắm rõ quy định.
|
Các chủ phương tiện giao thông nộp phí sử dụng đường bộ tại Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy bộ Bình Định.
|
Trước đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13.3.2012 về Quỹ bảo trì đường bộ với mục tiêu thực hiện bảo dưỡng và sửa chữa đường bộ. TT 197 là bước tiếp theo để thực hiện về quản lý và sử dụng số tiền phí thu được, nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, theo đầu phương tiện. Theo đó, các phương tiện giao thông đường bộ, như: mô tô do HĐND cấp tỉnh quy định mức thu phù hợp, UBND xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí đối với mô tô của tổ chức và cá nhân trên địa bàn; đối với ô tô do TTĐKPTTB của tỉnh tổ chức thu khi kiểm định phương tiện.
Ông Võ Bá Trọng, Giám đốc TTĐKPTTB Bình Định, cho biết: Nhận thêm nhiệm vụ thu phí sử dụng đường bộ, Trung tâm đã phải cố gắng rất nhiều trong công tác chuẩn bị và đã hoàn tất trước ngày 1.1.2013. Trung tâm cũng đã tập huấn kỹ cho cán bộ, nhân viên làm công tác thu phí.
Hiện nay, 2 cơ sở của Trung tâm (ở Quy Nhơn và ở Phù Mỹ) thu phí sử dụng đường bộ trung bình mỗi ngày 90 phương tiện, mức thu khoảng 200 triệu đồng. Đã có hơn 10 chủ phương tiện dù chưa đến kỳ đăng kiểm, nhưng đã tự giác đến nộp phí sử dụng đường bộ.
Thời gian đầu thực hiện thu phí sử dụng đường bộ, Trung tâm và các chủ phương tiện đã gặp không ít khó khăn. Đối với phương tiện chưa đến kỳ hạn đăng kiểm, nhưng đến thời hạn phải nộp phí sử dụng đường bộ, thì chủ phương tiện phải mang phương tiện đến Trung tâm để nộp phí và được cán bộ đăng kiểm dán tem lên xe. Do Cục Đăng kiểm Việt Nam quy định không cấp phát tem cho chủ phương tiện tự dán, nên nhiều khi chủ phương tiện bị đau bệnh dài ngày, hoặc chết mà phương tiện chưa chuyển nhượng được, gây không ít khó khăn, phiền phức cho chủ phương tiện.
Ông Võ Bá Trọng cho biết thêm: “Lần đầu đi đóng phí sử dụng đường bộ, nhiều chủ phương tiện chưa biết nộp bao nhiêu tiền và nộp như thế nào cho từng loại phương tiện nên nhân viên thu phí phải giải thích đi, giải thích lại nhiều lần; như, xe chở người thì quy định số ghế để thu, xe tải thì căn cứ theo tổng trọng lượng của xe, căn cứ vào hồ sơ kiểm định…”.
Việc chênh lệch giữa các mức phí cũng đã gây bức xúc cho các chủ phương tiện. Ông Trần Ngọc Hùng (SN 1970, ở tổ 10, phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn), người vừa đóng phí sử dụng đường bộ, cho rằng: “Đối với xe tải có trọng lượng dưới 8,5 tấn mức phí chỉ 270 ngàn đồng/tháng, trong khi xe tải từ 8,5 tấn trở lên đóng 390 ngàn đồng/tháng là không công bằng”. Còn bà Nguyễn Thị Hiền, chủ 2 chiếc xe tải 77C 00158 và 77C 02398, thì cho biết: “Nếu chi phí quá lớn, thì buộc lòng chúng tôi phải tăng phí vận chuyển, cuối cùng khách hàng và hành khách vẫn là người chịu thiệt. Mặt khác, hiện nay có quá nhiều trạm thu phí đường bộ, chúng tôi đang phải chịu phí chồng lên phí!”.
Biểu mức thu phí sử dụng đường bộ theo TT 197:
- Xe mô-tô có dung tích xi lanh đến 100cm3 có mức thu phí từ 50 đến 100 ngàn đồng/năm; loại có dung tích xi lanh trên 100cm3 từ 100 đến 150 ngàn đồng/năm.
- Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân: 1,56 triệu đồng/năm;
- Xe chở người dưới 10 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân); xe tải, rơ moóc và ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ dưới 4.000 kg: 2,16 triệu đồng/năm;
- Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 13.000 kg: 2,76 triệu đồng/năm;
- Xe chở người từ 10 chỗ đến dưới 25 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 4.000 kg đến dưới 8.500 kg; xe đầu kéo có trọng lượng bản thân dưới 8.500 kg: 3,24 triệu đồng/năm;
- Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg: 4,2 triệu đồng/năm;
- Xe chở người từ 25 chỗ đến dưới 40 chỗ; xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 8.500 kg đến dưới 13.000 kg; xe đầu kéo có trọng lượng từ 8.500 kg trở lên: 4,68 triệu đồng/năm;
- Rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg; Sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ dưới 27.000 kg: 5,16 triệu đồng/năm;
- Xe chở người từ 40 chỗ trở lên; xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 13.000 kg đến dưới 19.000 kg: 7,08 triệu đồng/năm;
- Rơ moóc, sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên: 7,74 triệu đồng/năm;
- Xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 19.000 kg đến dưới 27.000 kg: 8,64 triệu đồng/năm;
- Xe tải, ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên:12,48 triệu đồng/năm. |
|