Trước thực trạng thiết bị dạy học (TBDH) mua về nhập kho, nhiều thiết bị không được sử dụng, thầy Lê Ngọc Ẩn, Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Phù Cát (huyện Phù Cát), đã có sáng kiến số hóa TBDH để nâng cao chất lượng quản lý và sử dụng, hỗ trợ đắc lực cho việc dạy và học.
TBDH là công cụ hỗ trợ đắc lực trong trường hợp ngôn ngữ dạy học của giáo viên không diễn tả hết ý tưởng khoa học cốt lõi của một định luật vật lý, phản ứng hóa học hay bài học lịch sử… Theo quy định, số thiết bị này được cấp bổ sung hằng năm cho các trường phổ thông.
|
Một tiết học sử dụng TBDH ở Trường THPT số 1 Phù Cát. |
Không để lãng phí
Tuy nhiên, tình trạng khá phổ biến là TBDH nhận về, vào sổ, rồi nhập kho. Hiện nay, ở hầu hết các trường phổ thông, giáo viên kiêm nhiệm việc quản lý TBDH. Thêm vào đó, nhiều giáo viên bộ môn ít quan tâm đến TBDH do quen với cách dạy truyền thống, buộc học sinh chấp nhận kết quả thí nghiệm đã được mô tả trong sách giáo khoa. Hệ quả là sự lãng phí về TBDH vô cùng lớn, không ít thiết bị mua về cho đến khi hư hỏng phải thanh lý chưa hề được sử dụng.
Để chấm dứt tình trạng này, thầy Lê Ngọc Ẩn đã yêu cầu giáo viên bộ môn của trường nghiên cứu kỹ nội dung sách giáo khoa, phân phối chương trình của Sở GD&ĐT cho các khối lớp. Thống kê thực tế số TBDH hiện có trong kho và lập danh mục gắn TBDH theo tiết phân phối chương trình của Sở theo từng khối lớp, theo từng ban hoặc có thể dùng chung cho ban Cơ bản và ban Nâng cao hay dùng chung cho cả 3 khối lớp.
Thầy Ẩn giải thích: “Số hóa TBDH là dùng mẫu tự A, B, C hay a, b, c hoặc các chữ số 0, 1, 2, 3… tạo thành chuỗi ký tự gán cho một TBDH tương ứng để tiện quản lý và mượn sử dụng. Yêu cầu của công tác số hóa là TBDH thuộc bộ môn nào, sử dụng cho khối lớp nào, trong tiết học nào của phân phối chương trình, mang số thứ tự trong sổ danh mục TBDH tối thiểu của bộ môn. Những TBDH cùng tên được đánh số thứ tự để giáo viên dạy cùng lúc có thể mượn cùng loại TBDH”.
Khi chuẩn bị thiết kế bài giảng trên lớp, giáo viên chỉ cần tra cứu vào danh mục TBDH đã được số hóa. Căn cứ nội dung chương trình tiết dạy, giáo viên bộ môn tự đăng ký. Cán bộ quản lý TBDH lưu danh sách giáo viên mượn TBDH vào sổ theo dõi, chuẩn bị sẵn TBDH cần mượn theo đăng ký của giáo viên. Nhờ đó, thời gian mỗi lần mượn TBDH được rút ngắn, không quá 5 phút.
Phát huy tính tích cực của giáo viên và học sinh
Để khuyến khích giáo viên sử dụng TBDH, Ban giám hiệu nhà trường quy định: khi lãnh đạo, giáo viên dự giờ, nếu trong tiết dạy có quy định sử dụng TBDH mà giáo viên bộ môn không sử dụng thì tiết học dù tốt mấy cũng chỉ đánh giá ở mức đạt yêu cầu. Sau một thời gian ngắn triển khai, chính các giáo viên là người nhận thấy sự thay đổi ở học sinh trong tiếp thu bài qua từng tiết dạy có sử dụng TBDH.
Thầy Trần Ngọc Hải, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT số 1 Phù Cát, cho biết: “Với những giờ học sử dụng TBDH, học sinh dễ tiếp cận kiến thức mới. Đó là một trong những yếu tố tích cực để tiết học sôi nổi, học sinh hào hứng tham gia xây dựng bài”.
Kết quả, trong ba năm học qua tại Trường THPT số 1 Phù Cát, bộ môn tiếng Anh mượn TBDH nhiều nhất với 106,7 lượt/giáo viên/năm. Bộ môn Sinh học sử dụng máy chiếu projector nhiều nhất với 11,2 lượt/giáo viên/năm. Bình quân sử dụng máy chiếu projector của giáo viên nhà trường là 3,4 lượt/giáo viên/năm; một số giáo viên Vật lý, Hóa học sử dụng thành thạo phần mềm các thí nghiệm ảo thông qua máy chiếu.
Ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT, đánh giá: “Sử dụng TBDH là một yêu cầu bắt buộc trong đổi mới phương pháp dạy học. Việc số hóa TBDH theo sáng kiến của thầy Lê Ngọc Ẩn đã tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên sử dụng, khai thác tốt đa TBDH, giúp nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng dạy-học. Đây là cách làm đơn giản có thể triển khai rộng rãi cho các trường phổ thông trong tỉnh”.
|