Tâm huyết truyền nghề cho bộ đội xuất ngũ
23:3', 11/1/ 2013 (GMT+7)

Với mong muốn học viên sau khi ra trường có tay nghề vững, những giáo viên dạy nghề ở Trường Cao đẳng nghề số 5 (Quân khu 5, đóng trên địa bàn TP Ðà Nẵng và 4 chi nhánh đóng ở các tỉnh) luôn tìm tòi, học hỏi để mở rộng kiến thức, truyền nghề lại cho học viên.

Đã hơn 5 giờ chiều, thầy giáo trẻ Hoàng Trọng Hiếu (khoa Cơ khí động lực, Trường Cao đẳng nghề số 5) vẫn cặm cụi bên chiếc máy hàn MIC/MAG để nghiên cứu cải tiến thành máy hàn tự động trong môi trường khí bảo vệ.

 

Học viên trường Cao đẳng nghề số 5 thực hành sửa chữa xe gắn máy. Ảnh: NGỌC DIỆP

Gắn bó với trường nghề từ năm 2007, người thầy tốt nghiệp ĐH Bách khoa Đà Nẵng này hiểu “học trò” của mình đa số là những quân nhân xuất ngũ, hoàn cảnh khó khăn, có em vừa học vừa tranh thủ làm thêm kiếm sống… Vì vậy, câu hỏi khiến thầy Hiếu luôn trăn trở là làm thế nào để người học vững tin, đi theo nghề nghiệp đã chọn. 

Với suy nghĩ, muốn “truyền lửa” cho đàn em, khiến họ “say” với nghề thì trước hết mình phải có kiến thức rộng, thầy Hiếu tranh thủ thời gian ban đêm học thêm vi tính, ngoại ngữ, hoàn thành chương trình cao học công nghệ chế tạo máy tại ĐH Đà Nẵng. Nền tảng đó đã giúp anh nghiên cứu, cải tiến thành công nhiều mô hình học cụ có giá trị, sưu tầm nhiều video clip sinh động minh họa cho bài giảng; kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền đạt lý thuyết với hướng dẫn thực hành. Những cố gắng đó đưa đến kết quả, những bài giảng của anh thường hấp dẫn, lôi cuốn người học.

Đồng nghiệp của thầy Hiếu, thầy Phan Thanh Bình, Trưởng bộ môn Điện (khoa Điện-Điện tử) tâm niệm “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Do đó, anh Bình không chỉ thuyết phục người học bằng con số học sinh tốt nghiệp các khóa trước đang thành đạt, khẳng định chỗ đứng tại các cơ sở sản xuất kinh doanh danh tiếng, mà còn tạo điều kiện cho học trò vận dụng kiến thức được trang bị tham gia đảm nhận một số phần việc phù hợp với trình độ và khả năng, giúp học viên tích lũy thêm kinh nghiệm và có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Dày công nghiên cứu, nắm bắt, đón đầu nhu cầu của nhà tuyển dụng, anh Bình cùng đồng nghiệp chú trọng trang bị những kiến thức học viên cần chứ không phải những gì mình đang có, góp phần nâng cao tỉ lệ học viên ra trường sớm có việc làm ổn định.

Trường Cao đẳng nghề số 5 đảm nhận đào tạo nghề ở 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp cho quân nhân xuất ngũ và các đối tượng khác có nhu cầu học nghề, với các nghề: Ðiện dân dụng, Ðiện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Hàn, Ðiện tử viễn thông, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Tin học viễn thông ứng dụng, Lái xe ô tô các hạng, Vận hành xe máy công trình… Mỗi năm, nhà trường tuyển sinh, đào tạo 7.000 học viên, trong đó gần 60% là bộ đội xuất ngũ của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Riêng chi nhánh của Trường là Trung tâm đào tạo nghề Bình Ðịnh (đường Nguyễn Thị Ðịnh, TP Quy Nhơn), trong năm 2012 đã đào tạo được 325 học viên là bộ đội xuất ngũ học các nghề: Lái xe ô tô, Sửa chữa ô tô và Kỹ thuật hàn. Nhiều học viên là bộ đội xuất ngũ của Bình Ðịnh theo học tại Trường  ra nghề đều có việc làm ổn định.

Còn với thầy giáo Hà Thái Quang, giáo viên thực hành lái xe của Trung tâm đào tạo nghề Bình Định (chi nhánh Trường Cao đẳng nghề số 5), bí quyết thành công trong đào tạo lái xe được khởi nguồn bằng những việc làm đơn giản, thiết thực: Nỗ lực đổi mới phương pháp dạy-học phù hợp với từng đối tượng; giữ tốt dùng bền và phát huy có hiệu quả trang thiết bị dạy nghề hiện có; thường xuyên bám hình, bám bãi, bám học viên; “chuyển giao” cho học viên kỹ năng xử lý hiệu quả các tình huống xảy ra khi lưu thông trên đường; giáo dục văn hóa giao thông, tuân thủ đúng luật lệ quy định, bảo đảm tuyệt đối an toàn người và phương tiện.

Đại tá Nguyễn Hữu Hoàng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề số 5, nhận xét: “Đội ngũ giáo viên yêu nghề, ngày càng được chuẩn hóa là một thế mạnh cơ bản của trường. Trong gần 30 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ giáo viên luôn nỗ lực trau dồi phẩm chất đạo đức, kỹ năng sư phạm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy vai trò chủ thể sáng tạo của người học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với trang thiết bị dạy nghề ngày càng được đầu tư nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện, thực hiện chính sách ưu đãi (miễn 100% học phí và chỗ ở nội trú cho bộ đội xuất ngũ học nghề, hỗ trợ chỗ ở nội trú, ưu tiên giới thiệu việc làm...), nhà trường đã và đang khẳng định uy tín của một trường dạy nghề quân đội”.     

  • NGỌC DIỆP

 

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quản lý và sử dụng hiệu quả  (11/01/2013)
Khống chế một ổ dịch sốt xuất huyết ở thị trấn Diêu Trì  (11/01/2013)
Ông Nguyễn Bá Thanh: “Nhiều cán bộ vừa ăn vừa phá”  (11/01/2013)
Đài Loan thăm dò dầu khí tại đảo Ba Bình là phi pháp  (11/01/2013)
Tiếp tục bị “xẻ thịt”  (10/01/2013)
Tổng Thanh tra Chính phủ dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung  (10/01/2013)
Quan tâm đời sống tinh thần hội viên  (10/01/2013)
Làm theo gương Bác gắn với nhiệm vụ cụ thể   (10/01/2013)
1.000 suất quà Tết cho người nghèo  (10/01/2013)
3 doanh nghiệp nợ hơn 2,4 tỉ đồng tiền lương của người lao động  (10/01/2013)
Hiệp định Paris qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu Nga  (10/01/2013)
Doanh nghiệp TNTM Quốc Tú tặng 900 suất quà cho đồng bào nghèo  (10/01/2013)
Mức thưởng Tết cao nhất là 50 triệu đồng  (09/01/2013)
Nhiều chủ phương tiện chưa thông  (09/01/2013)
UBND tỉnh phát động phong trào toàn dân tham gia diệt chuột  (09/01/2013)