Gia đình anh Ðỗ Văn Song và chị Ðặng Thị Mai Thủy - ở thôn Ðịnh An, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh - là một trong những gia đình tiêu biểu trong phong trào “Gia đình hạnh phúc, tiến bộ, nuôi con khỏe dạy con ngoan”. Kinh nghiệm gìn giữ gia đình “trong ấm ngoài êm” đã được anh chị chia sẻ trong bài thi đạt giải Nhất, cuộc thi viết tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, lần đầu tiên được tổ chức toàn tỉnh.
1. 20 năm trước, anh và chị đều “bỏ biển lên rừng”, từ Quy Nhơn lên nhận công tác tại Trường THPT Vĩnh Thạnh. Nhân duyên kết họ thành đôi, chị là giáo viên dạy Văn đầy cá tính, năng động; anh dạy thể dục, hiền lành, kiệm lời.
|
Chị Đặng Thị Mai Thủy (thứ hai từ phải sang) nhận giải Nhất tại Lễ trao giải. |
Dân thị thành lên rừng lập nghiệp, đối mặt với bao xa lạ, đồng lương giáo viên còm cõi những năm 1992, 1993 khiến cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khó khăn muôn phần. Chị kể: “Thực đơn chính khi ấy là mắm ruốc và rau rừng. Để cải thiện bữa ăn, hai vợ chồng ra sông bắt ốc, rồi trồng rau, nuôi gà. Những ngày cận Tết, chúng tôi cùng thức làm bánh mứt bán, hè thì ép đậu phụng ra dầu bỏ bạn hàng”.
Khi căn nhà tập thể chưa đầy 30m2 có tiếng khóc của trẻ con cũng là lúc gánh sinh nhai càng oằn nặng trên vai đôi vợ chồng trẻ, nhưng họ đã nỗ lực vượt qua tất cả để chăm chút gìn giữ hạnh phúc gia đình và nuôi con khôn lớn, học hành thành đạt. Con gái lớn của anh chị hiện là sinh viên Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cậu con trai nhỏ đang học lớp 6.
Chị kể về những ngày gian khó, giọng nghẹn ngào, nước mắt đong đầy nhưng lại cười hạnh phúc, bởi họ chỉ thiếu thốn vật chất, còn lòng thì luôn đầy những yêu thương. 20 năm nhìn lại, chị Thủy nhận mình đã may mắn vì luôn có đôi bờ vai vững chãi của chồng cạnh bên, để dựa vào những lúc khó khăn nhất. Chị chia sẻ: “Gia đình là tế bào của xã hội và người phụ nữ phải biết “giữ lửa” hạnh phúc. Nhưng để ngọn lửa ấy “đượm hơn” tùy thuộc nhiều vào người chồng; bởi gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi có sự chung tay của hai vợ chồng”.
2. Đến Trường THPT Vĩnh Thạnh, nhắc đến Song - Thủy, ai cũng tấm tắc khen “đó là một cặp xứng lứa vừa đôi”. Không chỉ nỗ lực gìn giữ hạnh phúc gia đình, họ còn động viên, hỗ trợ nhau hoàn thành tốt công tác chuyên môn và biết quan tâm đến những người xung quanh. Bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh, cho biết: “Cả hai vợ chồng đều là giáo viên dạy giỏi, năng lực chuyên môn tốt, tích cực tham gia hoạt động phong trào. Họ được mọi người yêu quý vì không chỉ biết vun vén cho mình mà còn biết sống thân ái, yêu thương với mọi người”.
Tham gia công tác xã hội nhiều, từng chủ nhiệm nhiều thế hệ học trò, chị Mai Thủy gặp không ít cảnh đời éo le, và cảm thấy rất bức xúc trước sự bất bình đẳng giới. Chị xót xa trước cảnh nhiều học trò đang gánh chịu nỗi đau vì có người cha triền miên ngập trong rượu chè, hành hạ, giày vò người mẹ không thương tiếc; cảnh những gia đình không hạnh phúc, cha mẹ “đá thúng đụng nia” rồi quay sang đay nghiến con cái, làm cho những đứa con đang lớn của mình phải dằn vặt, ám ảnh. Chị bất bình trước cảnh những chị sinh con một bề bị chồng hằn học…
Chị tâm sự: “Có quá nhiều ràng buộc đối với phụ nữ, mà đâu phải người nào cũng có thể khéo sống để giữ được hạnh phúc. Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh sống khác nhau, nên cách ứng xử cũng khác nhau. Khi chung sống, vợ chồng rất khó tránh cảnh “ba ngày trận nhẹ, năm ngày trận nặng”. Lúc ấy, người phụ nữ thường bị thua thiệt”. Chị quyết định tham gia Cuộc thi viết tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với mong muốn góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, nhất là cho các gia đình đang có nguy cơ tan vỡ do bạo lực.
Chị chia sẻ, những gì chị viết trong bài dự thi của mình là những bài học chị đúc kết từ cuộc sống quanh mình, những suy nghĩ của bản thân và cả những điều mình đã chứng kiến. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi nhận xét: “Là một giáo viên nên chị có cách nhìn nghiêng về giáo dục đạo đức, lối sống hơn là dùng pháp luật đối với các hành vi bạo lực gia đình. Song ở chị toát lên ý chí phải bằng mọi giải pháp, cả chống và phòng để mọi người thấy rằng cần phải xây dựng mô hình gia đình tiến bộ, hạnh phúc trên cơ sở bản sắc văn hóa dân tộc. Chị rất quan tâm đến thế hệ trẻ và bằng trách nhiệm, cái tâm của nhà giáo, chị trang bị cho thế hệ trẻ một quan niệm sống tốt, sống đẹp của gia đình Việt Nam hiện đại”.
|