|
Tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số là một cách hạn chế tình trạng tự tử.
- Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh trò chuyện, chung vui cùng với đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 1, xã An Toàn (An Lão) tại nhà rông nhân một chuyến công tác về địa phương. Ảnh: T.H |
So với những năm trước đây, nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh ta đã có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, theo thống kê của CA tỉnh, trong năm 2012 đã xảy ra 18 vụ, làm chết 11 người. Để hạn chế hiệu quả, bền vững tình trạng này, cần phải kết hợp nhiều biện pháp ngăn chặn…
Tự tử do mâu thuẫn, nghi kỵ
Phân tích nguyên nhân cho thấy các vụ tự tử xảy ra thường là do mâu thuẫn, va chạm trong nội bộ gia đình, nảy sinh tự ái, uống rượu say không tự chủ, và chủ yếu trong lứa tuổi thanh niên.
Điển hình như ngày 15.7.2012, anh R.R.L. ở làng Cà Xiêm, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh), cãi nhau với vợ, sau khi uống rượu đã dùng dây treo cổ tự tử. 2 ngày sau, ở làng Xà Tang, xã Vĩnh An (Tây Sơn), anh Đ.L., 20 tuổi, chỉ vì cãi nhau với người trong làng dẫn đến tự ái, sau khi uống rượu say đã uống thuốc trừ sâu chết. Ngày 7.10.2012, anh Đ.C., 20 tuổi, ở làng O5 xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) do mâu thuẫn gia đình đã uống rượu, tự treo cổ.
Ngoài nguyên nhân tự tử do mâu thuẫn cá nhân, còn xảy ra một số trường hợp có nguy cơ dẫn đến tự tử xuất phát từ nguyên nhân nghi kỵ lẫn nhau do sự kém hiểu biết của người dân. Chẳng hạn như vụ nghi kỵ ở làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh xảy ra vào đầu tháng 3.2012. Ông Đ.B. bị bệnh, đã đi điều trị tại bệnh viện nhưng không khỏi, nên nghi cho ông Đ.Đ. là người ở cùng làng “thư ma gang”, vì trước đó ông Đ. thường hăm dọa “ma găm” trong làng và cũng có lần va chạm với ông B. Sau khi UBND huyện thành lập đoàn công tác đến trực tiếp làng O2 tổ chức khám chữa bệnh và vận động nhân dân ổn định tình hình, đồng thời nhờ già làng vận động hòa giải, vụ việc nghi kỵ trên đã được hóa giải.
Phải kết hợp nhiều biện pháp ngăn chặn
Từ 3 năm nay, ở thôn 7, xã An Trung (An Lão) đã không còn xảy ra nạn tự tử do người làng mâu thuẫn do nghi kỵ “có đồ, có độc” như trước. Ông Đinh Xuân Hùng, 73 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy An Lão, già làng uy tín của thôn, giải thích: “Chúng tôi đã vận động, phân tích nhiều lần để bà con hiểu, không tin vào những tập tục lạc hậu đó nữa, từ đó, trong làng không còn xảy ra chuyện nghi kỵ cầm đồ thuốc độc dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau…”.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, tại một số địa phương khác trên địa bàn huyện An Lão nói riêng và các huyện miền núi khác nói chung vẫn còn xảy ra tình trạng tự tử, xuất phát từ việc người làng nghi kỵ lẫn nhau do thiếu hiểu biết.
Mới đây, ông Hùng đã cùng CA, chính quyền địa phương đến thôn 1, xã An Vinh ngăn chặn một vụ đánh nhau do nghi kỵ người làng “có đồ”. Trưởng thôn 1 mới ngoài 30 tuổi chết do bị bệnh, nhưng do trước đó đã có mâu thuẫn với anh Đ.V.T. nên dòng họ của ông trưởng thôn nghi anh T. “có đồ”, nên định giết anh T. trước khi chôn người đã khuất. Ông Hùng đã cùng lực lượng chức năng đến khuyên giải, phân tích cho mọi người biết rằng người trưởng thôn chết là vì bệnh gan chứ không phải bị cầm đồ thuốc độc.
Ông Đinh Văn Nháo, nguyên Trưởng CA huyện An Lão, một trong những già làng uy tín ở xã An Hưng, cho biết: “Để vận động người dân không tự tử vì mâu thuẫn trong gia đình hoặc do người làng nghi kỵ lẫn nhau, thì trước hết cần phải nâng cao nhận thức cho họ bằng cách tuyên truyền về pháp luật, giải thích cho họ hiểu đó là những tập tục lạc hậu cần phải được loại bỏ ra khỏi đời sống cộng đồng. Việc đó, không chỉ làm ngày một ngày hai, mà cần phải thường xuyên và liên tục”.
Trong khi đó, theo ông Đinh Xuân Hùng, song song với tuyên truyền, vận động, chính quyền cần phân tích cho người dân thấy được tác hại của việc tự tử, con cái, cha mẹ của họ sẽ không được chăm sóc, quan tâm; đồng thời có những biện pháp hỗ trợ tích cực nâng cao đời sống cho người dân. “Có vốn liếng, thoát nghèo, đời sống ngày một cải thiện, khi đau ốm biết cách tự chăm sóc, đi bệnh viện chữa trị thì tự nhiên người dân sẽ không còn nghĩ đến chuyện bệnh tật là do bị “ma găm” hay bị “cầm đồ” nữa” - ông Hùng nói.
Hiện nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đang thực hiện Đề tài “Nghiên cứu thực trạng, nguyên nhân và đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm ngăn chặn nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Định”, do ông Nguyễn Đình Thanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, làm chủ nhiệm đề tài.
Đề tài đã đề ra các nhóm giải pháp: Tăng cường tuyên truyền vận động, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường phát huy vai trò thiết chế xã hội truyền thống… để hạn chế nạn tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
|