Góc phố, có hàng sửa giày...
23:5', 12/1/ 2013 (GMT+7)

Anh Nguyễn Ngọc Sanh (ngồi giữa) hành nghề tại vỉa hè chợ Đầm.

Tỉ mẩn từng mũi chỉ, đường kim, chăm chút cho từng chiếc giày, chiếc dép. Dù mới hoặc cũ, dính bao nhiêu bùn, đất, bụi đường, họ vẫn cẩn thận, khéo léo may may, dán dán, để trả lại cho khách đôi giày, dép lành lặn, tinh tươm. Đó là công việc hàng ngày của những người thợ may giày, dép ở các góc phố, chợ…

Không quá bận rộn như những chủ tiệm tạp hóa hay mấy bà, mấy cô bán hàng ăn uống, những người thợ may giày, dép vỉa hè không cần phải dậy thật sớm để sắp xếp, bày biện hàng hóa. Khoảng 7-8 giờ sáng, họ mới vác thùng đồ nghề, gồm dùi, kim, chỉ, búa, các loại keo, sáp, đế giày… ra góc phố, lề đường, thường gần khu vực chợ, và bắt đầu ngày làm việc mới.

Nghề ở vỉa hè

Thỉnh thoảng mang đôi giày đi sửa, hay may lại đôi dép mới mua, nên tôi có dịp quen với những người thợ may giày, dép tại chợ Lớn Quy Nhơn từ lúc chợ chưa cháy. Chợ cháy, khách quen vẫn tìm họ quanh khu vực cũ. Trung tâm Thương mại An Phú Thịnh mọc lên, những người thợ may giày, dép lại hành nghề. Hiện nay, tại ngã 3 Tăng Bạt Hổ - Trần Quý Cáp, trước Trung tâm Thương mại An Phú Thịnh, có 3 người chuyên làm nghề may giày, dép. Họ đều đã gắn bó với nghề hơn 20 năm nay.

Anh Trương Anh Quốc (46 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) đã có 21 năm làm nghề tại khu vực này. Trước đây, nhà anh là một tiệm đóng giày lớn ở Quy Nhơn, do cha anh làm chủ và truyền nghề lại cho các con. Học nghề xong, không có chỗ mở tiệm, thế là anh dọn đồ nghề tìm vỉa hè gần chợ hành nghề và gắn bó với góc phố này cho đến nay.

Ngồi cách anh Quốc không xa, là anh Hoàng Quốc Minh (39 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) và vợ là chị Nguyễn Thị Thu Thanh (34 tuổi). Anh Minh cũng là thợ học nghề đóng giày từ cha anh Quốc, ra nghề làm được thời gian ngắn thì đi bộ đội. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ về lại địa phương, không xin được việc làm tại các tiệm đóng giày, anh Minh theo chân anh Quốc ra chợ làm nghề may giày, dép cho khách. Sau khi lập gia đình, vợ không có việc làm, anh Minh dạy nghề cho vợ, hai vợ chồng cùng làm từ bấy đến nay để lo cuộc sống gia đình.

Ngoài khu vực gần các chợ, rải rác ở các đường phố như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Quốc Việt đều có thợ sửa giày dép,  hầu hết đều có thâm niên hàng chục năm trong nghề. Anh Nguyễn Ngọc Sanh (40 tuổi, ở phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), người có 17 năm trong nghề, làm nghề ở góc đường Hoàng Hoa Thám - Hoàng Quốc Việt gần chợ Đầm, cho hay, anh vốn là thợ đóng giày. Nhưng nghề đóng giày dép ngày càng thất bát, anh thất nghiệp. Thấy nhiều thợ giày khác đi may giày để kiếm sống, anh cũng gạt bỏ tự ái, ra vỉa hè chợ Đầm hành nghề.

Nghề sống được

Theo những người thợ may giày, dép, nghề này tuy vất vả, suốt ngày dầm mưa dãi nắng, sống ngoài chợ, vỉa hè nhưng bù lại thu nhập ổn định. Những ngày thường, mỗi ngày họ kiếm được từ 150 - 200 ngàn đồng. Những ngày cận Tết này, lượng khách đến may giày, dép nhiều nên thu nhập của họ cũng tăng gấp đôi.

Anh Trần Văn Thừa, một thợ may giày, dép ở góc đường Tăng Bạt Hổ-Trần Quý Cáp, cho biết: “Mỗi đôi giày, dép may trong khoảng 5-20 phút, tiền công chừng 8.000 - 20.000 đồng, tùy loại khó hay dễ. Còn sửa những lỗi nhỏ như đóng lại đế giày hay dán gót thì tiền công khoảng 5.000-10.000 đồng. Những lỗi nhỏ như dán keo thì chỉ 2.000 đồng, nhưng thường chỉ làm giùm cho khách. Riêng thay lại đế giày thì tiền công từ 100 - 120 ngàn đồng”.

Chị Nguyễn Thị Thu Thanh kể: “Những ngày đầu làm nghề, do chưa quen nên tôi thường xuyên bị kim may đâm thủng tay, chảy máu; các ngón tay thì thô ráp, chai sần. Tôi đã định bỏ nghề tìm việc khác. Nhưng rồi thấy công việc này thu nhập ổn định nên tôi quyết định gắn bó với nghề, đến nay được 15 năm. Nhờ có nghề này mà hai vợ chồng mới lo được hai con ăn học, trả tiền thuê nhà trọ hàng tháng”.

Còn anh Nguyễn Ngọc Sanh thì tâm sự thật lòng: “Nếu không có nghề may giày, dép thì khó mà tôi nuôi nổi hai đứa con ăn học, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 9, bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ không có việc làm, mọi chi tiêu trong nhà nhiều năm nay đều từ tiền công sửa giày, dép”.

Mỗi ngày, những người thợ may giày, dép vẫn say sưa, cần mẫn với nghề. Không phân biệt giày, dép của người sang trọng hay bình dân, rẻ hay đắt tiền… họ đều hết lòng chăm chút chỉnh sửa, để trả lại cho khách những sản phẩm đạt yêu cầu và an tâm nhận khoản tiền công, được đổi bằng chính công sức của mình.

  • NGUYỄN PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cần kết hợp nhiều hình thức ngăn chặn  (12/01/2013)
Cho mùa Tết yêu thương  (12/01/2013)
Cứu 2 tàu cá cùng 15 ngư dân trôi dạt nhiều ngày trên biển  (12/01/2013)
Sống để yêu thương  (12/01/2013)
Tập trung xây dựng xã hội an toàn, không để tội phạm lộng hành  (12/01/2013)
Vườn rau xanh của lính biên phòng  (11/01/2013)
Tâm huyết truyền nghề cho bộ đội xuất ngũ  (11/01/2013)
Quản lý và sử dụng hiệu quả  (11/01/2013)
Khống chế một ổ dịch sốt xuất huyết ở thị trấn Diêu Trì  (12/01/2013)
Ông Nguyễn Bá Thanh: “Nhiều cán bộ vừa ăn vừa phá”  (11/01/2013)
Đài Loan thăm dò dầu khí tại đảo Ba Bình là phi pháp  (11/01/2013)
Tiếp tục bị “xẻ thịt”  (10/01/2013)
Tổng Thanh tra Chính phủ dâng hương, dâng hoa tại Bảo tàng Quang Trung  (10/01/2013)
Quan tâm đời sống tinh thần hội viên  (10/01/2013)
Làm theo gương Bác gắn với nhiệm vụ cụ thể   (10/01/2013)